Sản xuất công nghiệp có nhiều dấu hiệu khởi sắc

Thùy Dương 21:06 | 29/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023. Theo đó, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2023 ước tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng cục thống kê cho biết, sản xuất công nghiệp tháng 5/2023 đã có những dấu hiệu khởi sắc hơn so với tháng 4. Tính riêng tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, ngành chế biến, chế tạo giảm 0,5%; ngành khai khoáng giảm 2,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,8%.  

 

Tuy nhiên, do tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, 5 tháng đầu năm, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,9%), làm giảm 1,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 3,5%, làm giảm 0,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Bên cạnh đó, IIP 5 tháng đầu năm 2023 của một số ngành trọng điểm cấp II so với cùng kỳ năm trước có sự tăng giảm rõ rệt.

 

Xét về địa phương, IIP so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Cụ thể, từ vị trí thứ 6 so với hồi 4 tháng đầu năm, Bắc Giang đã vươn lên dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng IIP 5 tháng/2023 (tăng 15,4%), chấm dứt chuỗi "số 1" liên tiếp từ đầu năm đến nay của Tuyên Quang; tiếp sau đó là các tỉnh thành: Phú Thọ (tăng 15,2%), Hậu Giang (tăng 13,9%), Thái Bình (tăng 13,2%), Nam Định (tăng 13,2%). Nguyên nhân chủ yếu do các địa phương này có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao; chẳng hạn Hậu Giang có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện cao nhất cả nước với mức tăng 270,9%...

 

Ở chiều ngược lại, hai địa phương là Lai Châu và Quảng Nam ghi nhận mức IIP giảm sâu nhất so với cùng kỳ năm trước. Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân IIP tăng trưởng âm ở hai tỉnh này phần lớn ảnh hưởng từ ngành sản xuất và phân phối điện với mức giảm của Lai Châu là 28,5%. Bên cạnh đó, IIP ngành chế biến, chế tạo của Quảng Nam giảm mạnh nhất cả nước với mức giảm 36,7% so với 5 tháng/2022.

 

Xét về cơ cấu sản phẩm, 1 số sản phẩm công nghiệp chủ lực 5 tháng đầu năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như đường kính tăng 31,1%; xăng, dầu tăng 13,5%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 10,6%; phân hỗn hợp NPK tăng 9,2%; thuốc lá điếu tăng 8,6%; ti vi tăng 7%.

Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước là ô tô giảm 24%; thép thanh, thép góc giảm 20,1%; điện thoại di động giảm 16,4%; vải dệt từ sợi tự nhiên và linh kiện điện thoại cùng giảm 10,1%; quần áo mặc thường giảm 9,8%.

 

Về lực lượng lao động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/5/2023 tăng 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 4,8% so với cùng thời điểm năm trước.