Sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt gỡ vướng tại nhiều dự án bị `nghẽn`

17:08 | 14/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính Phủ thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm giải quyết các dự án tồn đọng.

Dự kiến sau khi Thủ tướng chấp thuận, tổ công tác sẽ do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đứng đầu làm tổ trưởng, các tổ phó sẽ do Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ KHĐT đảm nhận. 

Theo Bộ KHĐT, mục đích tổ sẽ nhằm giám sát các dự án đầu tư công bao gồm các loại dự án ODA, PPP (dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư), dự án FDI mà doanh nghiệp đã cam kết.

Bộ KHĐT cho biết, thời gian vừa qua việc thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh ở các nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã ghi nhận những kết quả tích cực vào việc huy động các nguồn lực trong đó có các nguồn vốn ngoài Ngân sách Nhà nước để phục vụ cho việc phát triển Kinh tế - xã hội. 

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, có những dự án được chấp nhận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng không được triển khai thực hiện, hoặc "chây ỳ", chậm tiến độ. 

Sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt gỡ vướng tại nhiều dự án bị `nghẽn` - ảnh 1

Nhiều dự án tồn đọng rất nhiều năm gây bức xúc trong dư luận

Thậm chí, có những dự án "đóng băng" cả hàng chục năm trời, gây lãng phí nguồn lực đất đai, mất mỹ quan đô thị, làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện và bức xúc trong dư luận xã hội.

Đây là tình trạng được coi là "điểm đen" cho đầu tư phát triển xã hội - kinh tế. Nếu không nhanh chóng giải quyết sẽ ảnh hưởng đến môi trường, đầu tư kinh doanh cũng như hiệu quả thu hút đầu tư của các địa phương nói riêng.

Do đó, Bộ KHĐT cho rằng cần tổ chức rà soát, xác định các dự án thực hiện không hiệu quả, chậm tiến độ, phát hiện nguyên nhân khách quan, chủ quan. Đề xuất những biện pháp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các dự án này phát huy được hiệu quả, xóa bỏ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương.

Theo kế hoạch, ngoài các tổ trưởng, tổ phó là các lãnh đạo Chính phủ, Bộ KHĐT thì tổ công tác sẽ còn có sự góp mặt của đại diện của nhiều Bộ ngành liên quan, như: Tư pháp, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, NN-PTNT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. 

Tùy thuộc vào mức độ nhiệm vụ được giao, tổ công tác sẽ mời thêm lãnh đạo của một số cơ quan trung ương, địa phương và các chuyên gia. 

Trước đó, Chính phủ đã ra Nghị quyết có nội dung yêu cầu thành lập Tổ công tác đặc biệt do Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực nhằm kiểm tra, rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh đang gặp khó khăn, bị "tắc" trong thời gian dài tại các bộ, ngành, địa phương.

H.S

Xem thêm: Vì sao Bộ GTVT quyết định kiểm tra toàn diện các dự án thu phí tự động?