"Siêu dự án" của Hòa Phát gặp khó tại Quảng Ngãi: Vẫn liên quan đến môi trường?

09:47 | 16/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhà máy sản xuất các sản phẩm sau thép do Công ty CP Ống thép Hòa Phát Dung Quất đang gặp vô số vướng mặc tại Quảng Ngãi. Một trong những nguyên nhân là nỗi lo ảnh hưởng đến môi trường.

Nhà máy sản xuất các sản phẩm sau thép Hòa Phát Dung Quất có diện tích khoảng 125ha tại xã Bình Phước, huyện Bình Sơn. Tổng mức đầu tư khoảng 21.215 tỷ đồng (trong đó vốn tự có của doanh nghiệp là 6.000 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động), tiến độ thực hiện 36 tháng.

Mới đây, UBND huyện Bình Sơn cho biết vừa nhận được công văn của Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi về việc tham gia ý kiến đối với dự án nhà máy sản xuất các sản phẩm sau thép Hòa Phát Dung Quất của Công ty Cổ phần ống thép Hòa Phát Dung Quất.

Siêu dự án của Hòa Phát gặp khó tại Quảng Ngãi: Vẫn liên quan đến môi trường? - ảnh 1

Theo báo cáo của UBND huyện Bình Sơn, theo phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất huyện Bình Sơn đến năm 2020 thì vị trí dự kiến đầu tư dự án là đất nông nghiệp.

Theo quy hoạch nông thôn mới xã Bình Phước, vị trí đầu tư thuộc quy hoạch đất lúa, đất trồng cây, đất giao thông và đất ở nông thôn. Do đó, UBND huyện Bình Sơn đề nghị nhà đầu tư cần bổ sung vào hồ sơ đề xuất đầu tư nội dung liên quan đến phương án tái định cư, di dời dân, giải quyết việc làm đảm bảo đời sống người dân. Đối với các hộ dân lân cận, nhà đầu tư khi thực hiện dự án phải đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường.

Về năng lực tài chính, theo hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư, dự án có vốn đầu tư là 21.215 tỷ đồng (trong đó vốn góp tự có của nhà đầu tư 6.000 tỷ đồng, vốn huy động 15.215 tỷ đồng).

UBND huyện Bình Sơn cho rằng nhà đầu tư có hồ sơ chứng minh khả năng huy động vốn và nguồn vốn tự có, tiến độ thực hiện là 36 tháng cho thấy năng lực tài chính đảm bảo thực hiện dự án.

Dự án nhà máy sản xuất các sản phẩm sau thép Hòa Phát Dung Quất có công đoạn tẩy gỉ làm sạch bề mặt bằng hóa chất, thuộc danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, UBND huyện Bình Sơn đề nghị nhà đầu tư cam kết lựa chọn và sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại nhất hiện nay để tránh gây ô nhiễm môi trường,...

Đối với nguồn nước phục vụ dự án, nhà đầu tư giải trình, đề xuất sử dụng nguồn nước từ kênh B7 thuộc hệ thống thủy lợi Thạch Nham hoặc từ nhà máy nước Vinaconex Dung Quất. Theo UBND huyện Bình Sơn, việc sử dụng nguồn nước từ kênh B7 thuộc hệ thống thủy lợi Thạch Nham dễ gây thiếu hụt nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực.

Do đó, huyện đề nghị nhà đầu tư chọn giải pháp tối ưu nhất về sử dụng nguồn nước cung cấp cho xây dựng nhà máy và phục vụ cho nhà máy hoạt động, đảm bảo tuân thủ quy định, bảo vệ môi trường và không làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Ngoài ra, UBND huyện cũng đề nghị nhà đầu tư quan tâm tạo điều kiện tiếp nhận, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nhất là các hộ dân trong vùng ảnh hưởng của dự án.

“Vua thép” Hòa Phát từng bị dân phải đối vì ô nhiễm môi trường

Thời gian qua, rất nhiều lần người dân huyện Bình Sơn dựng lều chặn xe ra vào nhà máy thép Hòa Phát - Dung Quất vì cho rằng công ty gây ô nhiễm, mong được sớm tái định cư.

Đầu tháng 6, hàng chục người dân quyết định mang lều bạt, dây đến trước cổng nhà máy để dựng lên căn lều nhỏ.

Người dân cho biết, họ cương quyết túc trực ở đây 24/24 nhằm ngăn không cho xe vận chuyển hàng hóa ra vào nhà máy. Bởi nhiều lần người dân đối thoại với chính quyền và công ty nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện khiến cuộc sống họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Siêu dự án của Hòa Phát gặp khó tại Quảng Ngãi: Vẫn liên quan đến môi trường? - ảnh 2

Dân chặn đường vào nhà máy sản xuất thép Hòa Phát -Dũng Quất. Ảnh Báo Lao Động.

Theo người dân, họ không chịu nổi với tiếng ồn, bụi bặm khủng khiếp trong quá trình hoạt động sản xuất thép và cả việc thi công giai đoạn 2 của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Một số bà con xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn nói rằng họ sẵn sàng nhường đất cho dự án nhưng không chịu nổi ô nhiễm, nên chặn nhà máy, yêu cầu đảm bảo các vấn đề dân sinh. Ngoài ra, phải nhanh chóng có khu tái định cư, di dân đến nơi ở mới.

Đích thân ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phải gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân vùng dự án Hòa Phát - Dung Quất (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn).

Tại buổi gỡ, ông Đặng Văn Minh đã thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi "xin lỗi bà con, đã làm phiền bà con rất là nhiều trong những ngày qua. Mặc dù là các hành vi vi phạm của doanh nghiệp nhưng chính quyền phải chịu trách nhiệm trước người dân. Tuy nhiên, vi phạm của doanh nghiệp cũng khiến bà con có vi phạm. Kể từ nay, bà con không nên có những việc làm không đúng nữa. Chính quyền có trách nhiệm yêu cầu doanh nghiệp xử lý những vấn đề của doanh nghiệp".

“Một lần nữa, tôi xin lỗi bà con là triển khai khu tái định cư có chậm trễ. Lẽ ra, khu tái định cư Vạn Tường làm cách đây 2 năm chứ không phải đến bây giờ nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan nên chưa triển khai được. Dự kiến ngày 1.5.2021 khởi công nhưng nhưng gặp một số vướng mắc vì vậy bà con bức xúc là đúng, chúng tôi xin nhận, ông Minh chia sẻ.

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất được thành lập tháng 2/2017, vốn điều lệ 30.000 tỷ đồng và là chủ đầu tư xây dựng, vận hành Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là dự án chiến lược quan trọng, sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo vị thế nhà sản xuất thép hàng đầu khu vực Đông Nam Á cho Tập đoàn Hòa Phát.

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có tổng vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng, được thiết kế với quy mô công suất 4 triệu tấn một năm, sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao và sản phẩm dẹt là thép cuộn cán nóng.

Về Tập đoàn Hòa Phát, ngày 22/4/2021, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021. Đại hội đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh 120.000 tỷ đồng doanh thu và 18.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Chỉ trong Quý I/2021, Tập đoàn Hòa Phát đã ước đạt 31.000 tỷ đồng doanh thu , tăng 60% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 7.000 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với Quý I/2020. Đây là kỷ lục mới về lợi nhuận trong một quý của Hòa Phát suốt gần 30 năm qua.

Năm 2020 đại dịch Covid-19 càn quét trên phạm vi toàn cầu, gây ra nhiều hệ lụy về việc làm và tổn thất kinh tế. Tuy nhiên, năm 2020 lại là năm ghi nhận nhiều thành quả đáng tự hào nhất của Hòa Phát. Hệ sinh thái Hòa Phát được tạo dựng trên nền tảng chuỗi sản xuất khép kín đã thể hiện sức bật mạnh mẽ của mình.

Lợi nhuận sau thuế cả năm của Hòa Phát đạt 13.506 tỷ đồng, vượt 50% kế hoạch đề ra, tăng 78% so với cùng kỳ và cao gấp gần 10 lần so với năm 2010. Doanh thu đạt trên 91.000 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2019 và  gấp 6,3 lần sau 10 năm (so với  năm 2010).

Quý II/2021, Tập đoàn Hòa Phát đạt doanh thu 35.400 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 9.745 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tập đoàn ghi nhận doanh thu gần 66.900 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ.

Quang Minh

 

ĐỌC NHIỀU