Số liệu về dự án tồn kho tại TP HCM

Hồng Vịnh 16:27 | 19/12/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong 11 tháng đầu năm, TP HCM có 4 dự án được cấp phép huy động vốn và các dự án này đều thuộc phân khúc cao cấp. Trong số hàng trăn dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2015, đến nay vẫn còn lượng lớn dự án tồn kho với tổng quỹ đất hàng trăm ha.

4 dự án được huy động vốn, bình quân hơn 9 tỷ/căn

Trong 10 tháng đầu năm, Tổ Công tác Tủa Thủ tướng Chính phủ đã chuyển đến TP HCM 64 dự án để được xem xét giải quyết. Đồng thời, Tổ Công tác chuyên đề của UBND TP HCM đã họp bàn giải quyết cho 34 dự án, trong đó có 8 dự án đã được giải quyết dứt điểm, còn lại 26 dự án có vướng mắc đang được các Sở, ngành và TP Thủ Đức tiếp tục xử lý.

Tính đến nay, toàn thành phố vẫn còn hơn 100 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc pháp lý chưa được giải quyết.

Sở Xây dựng cho biết trong 11 tháng đầu năm, thành phố không có dự án nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội được giao đất, cho thuê đất và chỉ có hai dự án nhà ở thương mại được cấp giấy phép xây dựng. 31 dự án nhà ở thương mại đang được triển khai thực hiện với 31.167 căn hộ, tương đương khoảng 1/3 số lượng dự án triển khai thực hiện hàng năm trước đây.

Giai đoạn này chỉ có 12 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, gồm 6 dự án do Sở Kế hoạch Đầu tư giải quyết và 6 dự án do UBND TP Thủ Đức giải quyết. Trong đó chỉ có một dự án nhà ở xã hội.

Hiện có 6 dự án nhà ở xã hội với 4.754 căn hộ đang triển khai thi công cầm chừng do vướng mắc pháp lý và hai dự án nhà ở xã hội với 1.512 căn hộ đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa nghiệm thu.

 

TP HCM có 4 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện huy động vốn và đều thuộc phân khúc cao cấp. Tổng giá trị vốn huy động của 1.611 căn nhà là 15.142 tỷ đồng, bình quân giá nhà rất cao lên đến 9,39 tỷ đồng/căn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho biết đây mới chỉ là giá nhà sơ cấp do chủ đầu tư đăng với Sở Xây dựng khi lập dự án đầu tư nên nhiều khả năng giá bán thực tế trên thị trường sẽ còn cao hơn.

"Đây là lần đầu tiên phân khúc nhà ở cao cấp chiếm lĩnh toàn bộ thị trường bất động sản TP HCM và tại thời điểm hiện nay trên thị trường không còn nguồn cung nhà ở trung cấp, nhà ở bình dân mới có giá vừa túi tiền. Thực trạng này còn xảy ra tại các đô thị lớn trong cả nước, trong khi nhu cầu nhà ở của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp rất lớn", ông Châu nói.

Quỹ đất tồn kho hơn 965 ha

(Ảnh minh họa: Hải Quân).

Trong giai đoạn 2015 - 2023, TP HCM có 138 dự án nhà ở thương mại được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đầu tư và chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 52 dự án đang triển khai thực hiện có quy mô sử dụng đất gần 343 với hơn 41.600 sản phẩm (35.556 căn hộ và hơn 6.000 căn nhà thấp tầng).

Thành phố có 86 dự án tồn kho với tổng quy mô sử dụng đất hơn 965 ha. Trong đó, 30 dự án đã ngưng thi công có quy mô sử dụng đất hơn 210 ha, với gần 21.700 sản phẩm (hơn 18.800 căn hộ và 2.850 căn nhà thấp tầng).

56 dự án chưa thi công có quy mô sử dụng đất khoảng 755 ha, với 32.375 sản phẩm (28.160 căn hộ và 4.215 căn nhà thấp tầng). Trong số này có dự án vẫn chưa xong công tác giải phóng mặt bằng, điển hình là dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội Khu Trung tâm dân cư Tân Tạo - Khu A, phường Tân Tạo, quận Bình Tân với quy mô xấp xỉ 330 ha.

Ông Châu đánh giá 86 dự án tồn kho do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là vướng mắc pháp lý, mà hệ thống luật và văn bản dưới luật vừa ban hành sẽ cơ bản giải quyết được trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận tồn kho này xả ra trong khoảng 10 năm và hệ quả đến nay là vừa thừa vừa thiếu, giá nhà vượt quá sức mua của đại đa số người dân. Mặt khác, chủ đầu tư của 86 dự án này cũng bị chôn vốn trong thời gian dài. Còn lãng phí nguồn lực đất đai là điều đã thấy rõ.

Nhận định về thị trường bất động sản trong năm 2025, ông Châu cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn. Từ khoảng tháng 8 đến cuối năm 2025 là thời điểm tập trung đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sau hai năm được gia hạn theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP với tổng giá trị lên đến khoảng 180.000 tỷ đồng, cao nhất trong giai đoạn ba năm 2023 - 2025.

Đồng thời, có độ trễ để cho các luật, văn bản dưới luật vừa ban hành sớm đi vào cuộc sống và để khắc phục các bất cập, trì trệ trong công tác thực thi. Dự án muốn ra thành phẩm đến tay người mua nhà cũng cần có thời gian để thực hiện từ thủ tục xin cấp phép đến thi công, bán hàng.