Sớm gỡ 'rối' cho thị trường xăng dầu
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, ngay trong ngày hôm nay (6/10), liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ đã thống nhất, sớm nhất có thể điều chỉnh phụ phí, chi phí đưa xăng dầu từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng để phản ánh vào giá cơ sở trong kỳ điều hành giá xăng dầu, qua đó cũng góp phần giải quyết khó khăn và tăng lợi nhuận của doanh nghiệp xăng dầu, từ đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ. Từ đó cũng tác động đến chiết khấu, nâng chiết khấu các cửa hàng bán lẻ giúp tháo gỡ khó khăn cho các cửa hàng kinh doanh xăng dầu.
"Ngoài ra, chúng tôi cũng có những biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đề nghị các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ, các cửa hàng hài hòa lợi nhuận, chia sẻ khó khăn, rủi ro trong lúc khó khăn như hiện nay", ông Đông nói.
Trước đó, liên quan đến việc khan hiếm nguồn hàng xăng dầu, Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ cho biết, hiện công ty đang có 17 cây xăng và 36 đại lý. Tuy nhiên, thời gian gần đây thị trường trong nước và thế giới đang diễn biến phức tạp dẫn đến nguồn cung bị gián đoạn nên các đơn vị đầu mối đã ngừng cung cấp hàng.
“Do đó, chúng tôi không còn nguồn hàng để đáp ứng duy trì hệ thống bán lẻ của công ty và có thể sẽ tạm ngưng trong thời gian sắp tới”, lãnh đạo công ty này cho hay.
Nguyên nhân được công ty này lý giải, là do “Công ty là thương nhân phân phối không thể nhập khẩu được xăng dầu, phải thông qua các thương nhân nhập khẩu (doanh nghiệp đầu mối) để mua và cung cấp cho hệ thống bán lẻ của mình”.
Bởi vậy, các đơn vị này bị động trước vấn đề nguồn cung khi phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mối…
Cũng theo ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công Ty TNHH MTV Bội Ngọc, tỉnh Trà Vinh, thị trường ngày càng bất ổn, doanh nghiệp đang thua lỗ, nhất là bán lẻ xăng dầu.
Ông Giang Chấn Tây đánh giá, hiện nay, kinh doanh xăng dầu không thể tách rời với chiết khấu, khi nhà nước còn quản lý giá. Thị trường bất ổn thời gian qua do doanh nghiệp bán lẻ khó khăn, trong khi đây là thành phần quan trọng giao dịch; tác động, ảnh hưởng trực tiếp với người dân và tác động mạnh đến toàn xã hội.
Coi giá bán lẻ xăng dầu là giá trần mà nhà nước quản lý là chưa chuẩn, bởi thực tế, giá bán lẻ xăng dầu hiện nay là giá áp đặt bắt buộc theo giá thế giới chứ không theo hoạt động kinh tế của doanh nghiệp. Bởi hoạt động của doanh nghiệp có rất nhiều chi phí, nhất là hạch toán giá vốn phải hạch toán theo giá bình quân gia quyền của hàng tồn kho theo quy định của Luật Kế toán, kể cả chi phí cơ hội để có được khách hàng cũng phải hạch toán. Trong khi đó, giá bán lẻ áp còn thấp hơn giá thực tế. Cơ quan quản lý cũng công nhận điều đó, nhưng lại muốn doanh nghiệp bán lẻ chia sẻ bằng cách chịu lỗ, ông Giang Chấn Tây cho hay.
Như vậy, những bất cập của thị trường xăng dầu đã lộ diện, thậm chí có nguy cơ gây bất ổn, khi ngày càng nhiều cây xăng muốn đóng cửa. Ở góc độ điều hành, các cơ quan quản lý nhà nước đã đến lúc phải có biện pháp tháo gỡ.
Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, vị này đã đề nghị bỏ cấp giấy phép và bỏ loại hình thương nhân phân phối xăng dầu. Bởi lẽ, thương nhân phân phối xăng dầu là loại hình trung gian, nhiều tầng nấc, không phải doanh nghiệp đầu mối nơi phát nguồn hàng hóa xăng dầu.
Nếu bỏ loại hình này ra khỏi hệ thống sẽ giảm thiểu được tối đa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tránh được tình trạng khi thiếu nguồn cung trong nước như nguồn cung hàng hóa đợt đầu năm và cuối 2019, bởi loại hình thương nhân này chỉ mua đi từ các đầu mối và bán lại cho các đại lý.
Chưa kể, việc mua bán từ nhiều nguồn sẽ khó kiểm soát. Từ đó, vô hình chung loại hình này sẽ là nơi hợp thức hóa các sai phạm kinh doanh xăng dầu.