Tại sao người viết phần mềm cho Google và Apple thu nhập hàng trăm tỷ chỉ phải đóng thuế 7%
Nếu như biểu thuế áp dụng cho người nhận tiền lương là 35% thì thuế suất tối đa áp dụng cho cá nhân kinh doanh là 7% tính trên doanh thu.
Gần đây, Cục thuế Hà Nội thông tin một trường hợp là cá nhân sản xuất phần mềm và có nguồn thu từ quảng cáo, chủ động kê khai nộp thuế của năm 2020 là 23,4 tỷ trên tổng thu nhập 330 tỷ đồng. Một cá nhân khác cũng có thu nhập 260 tỷ đồng và nộp thuế hơn 18 tỷ đồng. Tính ra, mức thuế hai người này đang kê khai và nộp tương đương khoảng 7%.
Nguồn tin từ cơ quan thuế cho biết, số tiền thuế trên dựa trên kê khai ban đầu của hai cá nhân này. Cơ quan thuế chưa rà soát từng tờ khai cụ thể, vì thế lúc này khó có thể kết luận chính xác mức thuế mà hai cá nhân này phải đóng.
Tuy nhiên, nói với VnExpress, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh (Tổng cục thuế) cho biết, mức thuế tối đa mà cá nhân này phải đóng cũng chỉ khoảng 7%.
Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh (Tổng cục thuế) chia sẻ tại một hội thảo. Ảnh: MOF.
Bà Lan cho biết, cá nhân sản xuất phần mềm và có nguồn thu từ quảng cáo được xem là cá nhân kinh doanh, do đó cách tính thuế khác với người làm công ăn lương. Thu nhập từ tiền lương tiền công có biểu thuế luỹ tiến lên đến 35%, còn thuế thu nhập từ kinh doanh là thuế suất toàn phần tính trên tổng doanh thu. Về cơ bản, người sản xuất phần mềm và có nguồn thu từ quảng cáo có thể chịu hai loại thuế là giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập cá nhân với thuế suất cao nhất là 7%.
Một chuyên gia trong ngành lý giải, thuế suất áp dụng cho các cá nhân kinh doanh thực tế tính trên doanh thu (chưa trừ chi phí) nên sẽ thấp hơn so với thuế suất áp dụng cho người làm công, ăn lương. Để nhận về mức thu trăm tỷ, cá nhân đã phải bỏ nhiều khoản chi phí khác như thuê nhân công hay chi marketing...
Phó vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh nói thêm, hai cá nhân nói trên có thể đóng thuế thấp hơn mức 7% hoặc được miễn, giảm thuế VAT nếu thuộc diện ưu đãi. "Các cá nhân có nhiều hợp đồng với nhà cung cấp, nhà mạng nước ngoài nên phải dựa trên hợp đồng cụ thể mới có thể tính toán chính xác", bà nói. Bà cho biết thêm, không có ngành nghề nào theo biểu thuế quy định là sản phẩm nội dung số. Vì thế, cơ quan thuế phải dựa vào từng trường hợp cụ thể như hợp đồng có bán bản quyền hay sở hữu trí tuệ trong một thời gian và nhiều yếu tố khác để tính toán.
Bà Lan cũng cho biết, trong những năm gần đây cũng đã có một số trường hợp cá nhân kê khai doanh thu trăm tỷ và đóng thuế hàng chục tỷ đồng.
Tuy nhiên, khó có thể một mình cá nhân mà tạo ra doanh thu lớn hàng trăm tỷ như vậy. Nên tôi cho rằng đây có thể là kết quả của một đội ngũ đứng sau. Thực tế, cũng có những trường hợp có "ekip" đứng sau nhưng chỉ có một cá nhân đứng ra kê khai nộp thuế theo diện cá nhân, bà Lan cho hay.
"Nếu một đội ngũ làm việc cùng nhau thì họ có thể lập doanh nghiệp và được trừ chi phí khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng họ lại hoạt động dưới hình thưc cá nhân nên cơ quan thuế chỉ quản lý thuế dưới góc độ cá nhân nào nhận thu nhập – tiền trả vào tài khoản cá nhân, thì người đó đóng thuế. Còn sau đó, nhóm cá nhân cùng làm việc chung có thể chia sẻ quyền lợi và nghĩa vụ sau", bà Lan nói.
Xem thêm: Chàng trai Hà Nội thu nhập 260 tỷ đồng từ sáng tác phần mềm ứng dụng phải nộp thuế 18,1 tỷ đồng
Theo VnExpress