Tầm nhìn 2020: TTC sẽ top đầu về năng lượng sạch tại Việt Nam
Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đang hiện thực hóa mục tiêu nâng tầm thương hiệu Việt trên đà hội nhập bằng việc đẩy mạnh đầu tư nguồn năng lượng sạch, thực hiện các mô hình điện gió, điện mặt trời tại một số địa phương tiềm năng, bên cạnh việc đầu tư cho thủy điện.
Góc nhìn để thúc đẩy đầu tư được Doanh nhân Châu Á 2017, Chủ tịch Tập đoàn TTC, ông Đặng Văn Thành đưa ra là: Thị trường năng lượng tái tạo toàn cầu đang rất nhiều tiềm năng.
Tại Việt Nam, Quy hoạch điện giai đoạn 2016-2030 cho thấy nhiệt điện điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn phát triển (chiếm 43% đến năm 2030). Tiềm năng thủy điện không còn nhiều và không đáp ứng kịp thời tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện năng của nền kinh tế. Trong khi, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong hệ thống nguồn điện (chỉ chiếm 21% đến năm 2030).
Trên nền tảng của những thành quả đã đạt được ở lĩnh vực năng lượng, Tập đoàn TTC đã đưa ra Định hướng phát triển ngành năng lượng TTC, với tầm nhìn đến năm 2020, ngành năng lượng Tập đoàn TTC sẽ trở thành tổ chức tư nhân hàng đầu về năng lượng sạch ở Việt Nam.
Giai đoạn 2017-2020, Tập đoàn TTC sẽ tăng công suất của điện mặt trời lên 1000 MW, điện gió lên 40 MW, góp phần tăng tổng công suất ngành năng lượng TTC lên gấp 5 lần (từ 286 MW lên tới 1.422,1 MW).
Đối với điện mặt trời, Tập đoàn TTC sẽ thực thi một loạt dự án: Cụm dự án điện mặt trời Tây Ninh (công suất 124 MW), Cụm dự án Điện mặt trời Bình Thuận (công suất 300 MW), Cụm dự án Điện mặt trời Ninh Thuận (công suất 200 MW), Điện mặt trời Phong Điền - Huế (công suất 35 MW), Điện mặt trời Krong Pa - Gia Lai (công suất 49 MW), Cụm dự án Điện mặt trời Long An (công suất 98 MW), Cụm dự án Điện mặt trời Tây Sơn - Bình Định (công suất 98 MW), Điện mặt trời Bến Tre (công suất 98 MW).
Ngay trong những ngày đầu năm mới, Tập đoàn TTC đã khởi động dự án Điện mặt trời Phong Điền tại Thừa Thiên Huế (công suất 35 MW) và Krong Pa tại Gia Lai (công suất 49 MW).
Quý 1/2018, Dự án Điện mặt trời Khu công nghiệp TTC 01 tại Tây Ninh với công suất 48 MW cũng được bắt đầu thực thi.
Đối với điện gió, Tập đoàn TTC hướng tới công suất tối đa 310 - 500 MW trong giai đoạn 2020-2025.
Cùng với các đối tác chiến lược là Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Quỹ Năng lượng sạch Amstrong (AAM/Singapore), Tập đoàn TTC đang tối ưu hóa giá trị gia tăng cho cổ đông, tự tin triển khai kế hoạch đầu tư nguồn năng lượng sạch để mang đến diện mạo mới cho ngành năng lượng Việt Nam.
Minh Hoa