Tập đoàn SMC: Vị thế hàng đầu của thương hiệu lâu đời và bền vững, có lịch sử 32 năm

20:51 | 06/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Thương Mại SMC đang đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong ngành thép với kết quả kinh doanh của quý IV/2020 và quý I/2021 báo lãi kỷ lục.

Giới thiệu về Tập đoàn SMC

Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Thương Mại SMC hiện nay đã có 32 năm hoạt động và phát triển với 6 công ty thành viên, khoảng hơn 900 nhân sự.

Đơn vị có trụ sở chính tại số 396 Ung Văn Khiêm, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay được lãnh đạo bởi hai nhân vật chủ chốt đứng đầu bộ máy là bà Nguyễn Thị Ngọc Loan - Chủ tịch HĐQT SMC và ông Đặng Huy Hiệp - Tổng giám đốc.

Ngoài ra, ban lãnh đạo của tập đoàn còn có:

Bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi - Phó Chủ tịch HĐQT SMC / Phó Tổng Giám đốc khối Tài chính Kế toán SMC

Ông Nakajima Unichi - Thành viên HĐQT SMC / Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Hanwa Việt Nam

Ông Nguyễn Bình Trọng - Thành viên HĐQT SMC / Phó TGĐ thường trực SMC

Ông Ma Đức Tú - Thành viên HĐQT SMC

Ông Võ Hoàng Vũ - Thành viên HĐQT SMC

Ông Nguyễn Bình Trọng - Phó TGĐ Thường trực

Bà Nguyễn Hồng Châu - Phó TGĐ Khối Thương mại - Dự Án

Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó TGĐ Khối Hành Chính - Nhân Sự

Ông Trương Văn Minh - Phó TGĐ mảng cán-tẩy-mạ-ống

 Tập đoàn SMC: Vị thế hàng đầu của thương hiệu lâu đời và bền vững, có lịch sử 32 năm - ảnh 1

Hình ảnh ông Đặng Huy Hiệp – TGĐ SMC và Ban HĐQT SMC nhiệm kỳ 2021-2025.

Các lĩnh vực hoạt động của tập đoàn là:

Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu các loại sắt thép, thiết bị xây lắp các loại, thiết bị cơ khí, khung kho, nhà xưởng, hàng kim khí, vật liệu xây dựng, hàng trang trí nội thất, bằng cấu kiện nhôm thép inox.

Sửa chữa nhà ở và trang trí nội ngoại thất, xây dựng, lắp đặt, các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, theo quy định pháp luật.

Lập dự án kinh doanh, đầu tư xây dựng, tư vấn, thiết kế nhà ở theo quy định pháp luật.

Kinh doanh các mặt hàng bách hóa, hàng tiêu dùng, hàng thực phẩm, điện máy kim khí.

Dịch vụ kho vận, giao nhận hàng hóa nội địa và hàng xuất nhập khẩu.

Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Lịch sử hình thành và phát triển của Tập đoàn SMC

Năm 1988: Cửa hàng VLXD số 1 thuộc trung tâm Bán buôn bán lẻ VLXD Miền Nam được thành lập. Đây là tiền thân của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương Mại SMC sau này.

Năm 1996, Cửa hàng Vật Liệu Xây Dựng số 1 được chuyển thành Xí nghiệp Sản Xuất Kinh Doanh Vật Liệu Xây Dựng Số 1 trực thuộc Công ty Xây lắp Thương Mại 2 Bộ Thương Mại.

Năm 1998: Thương hiệu SMC, viết tắt cho “Steel Materials Company” chính thức ra mắt

Năm 2004: CTCP Đầu tư Thương mại SMC chính thức ra đời sau khi Xí nghiệp sản Xuất Kinh Doanh Vật Liệu xây Dựng Số 1 thực hiện cổ phần hóa và chuyển đổi thành công theo quyết định số 1166/QĐBTM.

Năm 2006: Đơn vị tiến hành niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM với mã chứng khoán SMC.

Năm 2007: Công ty TNHH Thép SMC - Coil Center đầu tiên được thành lập. Cùng năm, đơn vị cũng vinh dự được trao Huân chương lao động hạng 2.

Năm 2008: Công ty TNHH MTV SMC Bình Dương và Công ty TNHH MTV Cơ Khí Thép SMC được thành lập.

Năm 2011: Công ty Cổ phần SMC Hà Nội - Coil Center tại khu vực phía bắc được thành lập.

Năm 2012: SMC và Tập đoàn Summitomo Nhật Bản liên doanh, thành lập SMC – Summit.

Năm 2013: Doanh nghiệp đón nhận Huân chương lao động hạng 1 và tiến hành thành lập Công ty TNHH MTV SMC Tân Tạo.

 Tập đoàn SMC: Vị thế hàng đầu của thương hiệu lâu đời và bền vững, có lịch sử 32 năm - ảnh 2

Lịch sử 32 năm hoạt động và phát triển của Tập đoàn thép SMC.

Năm 2015: SMC và tập đoàn Hanwa Nhật Bản liên doanh thành lập Công ty liên doanh Ống thép Sendo. Đơn vị cán mốc 1 triệu tấn đạt sản lượng tiêu thụ thép các loại.

Năm 2016: Công ty TNHH Liên doanh SMC-Toami được thành lập.

Năm 2017: Công ty TNHH MTV Cơ Khí Thép SMC tiến hành vận hành dây chuyền cán ép, tẩy mạ kẽm.

Năm 2018: Công ty TNHH MTV SMC Đà Nẵng được thành lập vào đúng đợt Kỷ niệm 30 năm thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC.

Nhà máy ống thép Sendo tiến hành vận hành giai đoạn 2. Nhà máy cán tẩy mạ tại Công ty TNHH MTV Cơ Khí Thép SMC được hoàn tất dự án đầu tư giai đoạn 2. Nhà máy Coil Center gia công thép tấm lá tại Công ty TNHH MTV SMC Hà Nội cũng hoàn tất dự án đầu tư mở rộng.

Tháng 5 năm 2019, Liên Doanh Công ty TNHH Gia công Thép Hanwa SMC Hà Nội được ký kết chuyển nhượng vốn giữa CTCP Đầu tư Thương mại SMC và Tập đoàn Hanwa Nhật Bản.

Tháng 7 năm 2019, nhà máy Gia công thép SMC Đà Nẵng được khởi công xây dựng. Đơn vị đạt sản lượng tiêu thụ 1,3 triệu tấn thép các loại.

Các công ty thành viên của Tập đoàn SMC

1. CÔNG TY TNHH THÉP SMC

2. CÔNG TY TNHH MTV CƠ KHÍ THÉP SMC

3. CÔNG TY TNHH MTV THƯƠNG MẠI SMC

4. CÔNG TY TNHH MTV SMC TÂN TẠO

5. CÔNG TY TNHH MTV SMC ĐÀ NẴNG

6. CÔNG TY TNHH LIÊN DOANH ỐNG THÉP SENDO

Các công ty liên doanh - liên kết

1. CÔNG TY LIÊN DOANH SMC - SUMMIT

2. CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ VÀ GIA CÔNG THÉP HANWA SMC HÀ NỘI

3. CÔNG TY TNHH LIÊN DOANH SMC - TOAMI 

Tập đoàn SMC thắng lớn trong năm đại dịch COVID-19

Trong năm 2020, đặc biệt là quý IV, Công ty Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC) công bố những kết quả kinh doanh nổi bật khi thực hiện vượt 2% kế hoạch doanh thu và vượt 158% kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2020. Cụ thể, cải thiện so với việc lỗ 12 tỷ cùng kỳ năm trước, trong quý IV/2020, khoản lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 148 tỷ đồng. Đây là mức chỉ sau kỷ lục của quý II/2016 với 170 tỷ đồng cách đây nhiều năm.

Doanh thu tăng 14%, lãi gộp đạt 324 tỷ đồng khi mà giá vốn chỉ tăng 7,7%. Mức lãi gộp cao gấp 4,3 lần cùng kỳ năm trước với biên lãi gộp tăng lên 7,2% so với mốc 1,9% trước đó. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính tăng 71% khi đạt 22 tỷ đồng. Chi phí quản lý và bán hàng của doanh nghiệp thép lần lượt tăng 186% và 83%.

 Tập đoàn SMC: Vị thế hàng đầu của thương hiệu lâu đời và bền vững, có lịch sử 32 năm - ảnh 3

Nhờ có đóng góp quan trọng từ lượng hàng tồn kho giá rẻ từ giai đoạn trước, kết quả lợi nhuận tích cực của các doanh nghiệp ngành thép trong năm 2020 và quý I/2021 đạt con số kỷ lục.

Lũy kế cả năm 2020, SMC ghi nhận doanh thu giảm 7% đạt mốc 15.536 tỷ đồng; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng gấp 3,2 lần năm trước khi đạt 300 tỷ đồng.

SMC cho biết, do giá thị trường tác động nên sản lượng tiêu thụ trong năm tăng 3% nhưng doanh thu giảm. Nhờ giảm chi phí lãi vay, hợp lý hóa chi phí sản xuất… nên biên lãi gộp cải thiện.

Về phần nguồn vốn, doanh nghiệp tăng thêm hơn 500 tỷ vay nợ ngắn hạn và gần 500 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn.

Như vậy, tới thời điểm kết thúc năm kinh doanh 2020, SMC có 1.183 tỷ tiền và tương đương tiền, gấp đôi đầu năm; đầu tư tài chính đến ngày đáo hạn 557 tỷ đồng, tăng 103%. Khoản phải thu cùng hàng tôn kho của doanh nghiệp lần lượt tăng 21% và 50%, tổng 2 khoản mục này chiếm 52,2% tổng tài sản khi đạt 3.500 tỷ đồng.

Năm 2020, tổng sản lượng thép tiêu thụ của tập đoàn SMC đạt 1.353.916 tấn, hoàn thành 108,3% kế hoạch. Trong năm 2021 này, kế hoạch của đơn vị đặt ra là 1.350.000 tấn với doanh thu bán hàng là 18.000 tỷ đồng, đạt lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, thấp hơn so với mức lợi nhuận sau thuế thực tế của năm 2020.

Ngay trong quý I/2021, thị trường chứng kiến giá thép tăng cao kỷ lục trong suốt nhiều tháng liên tiếp. Điều này khiến cho nhóm doanh nghiệp ngành thép có sự bùng nổ lợi nhuận trong kết quả kinh doanh. So với cùng kỳ năm trước, hàng loạt công ty đã công bố lợi nhuận tăng vọt. Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (SMC) cũng báo lãi kỷ lục, gấp gần 15 lần cùng kỳ năm trước với 216 tỷ đồng.

 Tập đoàn SMC: Vị thế hàng đầu của thương hiệu lâu đời và bền vững, có lịch sử 32 năm - ảnh 4

Theo BCTC các doanh nghiệp, tích trữ tồn kho trong quý I/2021 của các doanh nghiệp ngành thép đều tăng mạnh, trong đó, SMC đạt mức 58.3%.

Cùng với báo cáo tài chính như vậy, không khó để hiểu tại sao cổ phiếu của ngành thép nói chung và SMC nói riêng đều có sự nhảy vọt. Khi mà cuối năm 2020, giá cổ phiếu SMC chỉ dừng lại ở mốc 14.000 - 19.240 VNĐ/cổ phiếu thì đến khoảng tháng 4 năm 2021, giá SMC đã dần dần tăng lên mức 34.640 VNĐ/cổ phiếu, và đạt mốc 41.050 VNĐ/cổ phiếu trong tháng 5 năm 2021.

Ở thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu có sự chững lại và đang dừng ở mốc 38.05 VNĐ/cổ phiếu, giá trần 40.400 VNĐ/cp và giá sàn ở mức 35.2 VNĐ/cp cập nhật đến ngày 03/06/2021.

Ở thời điểm hiện tại, vốn hóa thị trường của tập đoàn SMC đang là 2,302.78 tỷ đồng với 60,994,691 cổ phiếu đang niêm yết.

Xem thêm: Ông Lê Phước Vũ - Từ người làm lái xe, đòi nợ thuê đến 'ông trùm' ngành tôn thép

Phương Thúy