TGĐ Công ty Sơn quốc tế Mỹ: Tạo khác biệt gắn khoa học Việt với quản trị kiểu Nhật

15:26 | 08/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Sơn quốc tế Mỹ, Ủy viên BCH Trung ương Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (DNTNVN) ngày càng thành công khi gắn kết khoa học Việt với quản trị kiểu Nhật.
TGĐ Công ty Sơn quốc tế Mỹ: Tạo khác biệt gắn khoa học Việt với quản trị kiểu Nhật - ảnh 1
Doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Sơn quốc tế Mỹ, Ủy viên BCH Trung ương Hội DNTNVN.
 
Doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng còn rất trẻ, nhưng đã là người đã chèo lái doanh nghiệp qua giai đoạn khởi nghiệp để bước vào gặt hái những thành công.
 
Công ty Sơn quốc tế Mỹ bước sang năm thứ 14, với những “đốt cháy giai đoạn” để tận dụng tốt thời cơ, những vấp váp khó tránh và đặc biệt là đang khẳng định được sự trưởng thành của mình – top 3 những doanh nghiệp sơn có công suất lớn nhất cả nước.

Tốt nghiệp ngành cơ khí Đại học Giao thông vận tải theo định hướng của gia đình, trong thời điểm ngành công nghiệp ô tô đang đầy triển vọng phát triển tại Việt Nam nhưng doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng lại chọn con đường kinh doanh - niềm đam mê mà anh đã theo đuổi ngay từ năm đầu đại học.

Cơ duyên đến từ một người chị làm việc trong chuỗi cung ứng của ngành sơn, nên ở tuổi 22, anh đã làm nhà phân phối các hãng sơn nổi tiếng thế giới như Jotun, Dulux.

Rồi từng bước thuận chèo, năm 24 tuổi, doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng thành lập Công ty Sơn quốc tế Mỹ và chuyển từ kinh doanh mặt hàng sơn sang sản xuất kinh doanh mặt hàng này, với 2 Nhà máy sản xuất và 4 công ty thành viên tại Lô CN 02 Khu Công nghiệp Phú Nghĩa, Chương Mỹ Hà Nội và cụm công nghiệp Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội, với công suất lên tới hơn 40 triệu lít một năm và doanh thu hàng trăm tỷ đồng với các thương hiệu có tiếng như sơn Pasco, sơn Fujisu, sơn Jipi, sơn Qlas…
 
“Rùng mình’’ trước kiểu quản trị của người Nhật

Vốn thần tượng cách quản trị doanh nghiệp của người Nhật, từng nghiên cứu sâu phương thức sản xuất của Toyota cũng như Monozukuri, mô hình cải tiến Kaizen, 5S… cũng như chú trọng áp dụng phương pháp này vào phương thức vận hành của nhà máy sản xuất sơn, nhưng khi tận mắt chứng kiến cách mà người Nhật thực sự làm, doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng mới thấu hiểu thế nào là quản trị doanh nghiệp.

“Sang Nhật Bản thăm nhà máy của họ, cảm giác của tôi là “rùng mình” khi thấy cách người Nhật quản trị doanh nghiệp tận tâm, giản dị mà hiệu quả; cách người lao động Nhật làm việc chuyên nghiệp, lao động bằng danh dự và đạo đức, bằng tinh thần dân tộc chứ không chỉ bằng tiền lương hay trách nhiệm. Tất cả đều được chuẩn mực hóa, minh bạch hóa, thông tin hóa. Người Nhật rất quan trọng yếu tố trực quan trong quá trình kiểm soát. Sang đây chứng kiến tôi mới thấy tại sao họ biểu đồ hóa từ cái nhỏ nhất, mô tả sử dụng hình ảnh rõ ràng, dễ hiểu, màu sắc có thể nhìn vào để làm được, hiểu được. Ngay lập tức, khi về Việt Nam, tôi đã áp dụng cách quản trị này”, doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng hào hứng chia sẻ.
 
TGĐ Công ty Sơn quốc tế Mỹ: Tạo khác biệt gắn khoa học Việt với quản trị kiểu Nhật - ảnh 2

Sau cảm nhận những khác biệt “rùng mình” đó, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CPLD Sơn quốc tế Mỹ tâm niệm sâu sắc hơn về chất lượng sản phẩm mà mình đang theo đuổi. Phải làm sao sản phẩm không chỉ tốt, mà còn thỏa mãn trên sự mong đợi của khách hàng, đem lại hạnh phúc cho khách hàng. Sự khác biệt trong sản phẩm của mình chính là giá trị thặng dư tạo thêm nhiều lợi ích cho khách hàng, tạo thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Đúc rút được Công ty Sơn quốc tế Mỹ đưa ra từ những cảm nhận đó: “Nếu không có năng lực làm sản phẩm tốt, đừng cố, sẽ hại mình, hại người, làm hại xã hội. Nếu không tốt, đừng bàn”.

Khẳng định 5 yếu tố cấu thành sản phẩm khác biệt cho sơn

Nỗ lực và cải tiến không ngừng, ngay sau thành lập, Công ty Sơn quốc tế Mỹ đã đạt được chứng chỉ ISO 9001- 2008, sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam 9634:2001 nay là TCVN 8652:2012, QCVN 16:2014 và hơn hết công ty tự nguyện làm sản phẩm có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn Nhật Bản JIS K5663 – 2003 được chứng nhận bởi Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam, trở thành 1 trong rất ít doanh nghiệp Việt Nam đạt chứng nhận này.

Doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng đã đưa ra 5 yếu tố cấu thành nên chất lượng mà công ty của mình phải làm được, lồng ghép trong từng yếu tố là sự đề cao cái tâm và đạo đức của nhà sản xuất, xây dựng văn hóa cho doanh nghiệp mình phát triển bền vững.

5 yếu tố cho sản phẩm tốt trên cả sự mong đợi của khách hàng mà Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Sơn quốc tế Mỹ đưa ra như một bí quyết kinh doanh là: Lãnh đạo mong muốn làm tốt; Hợp tác với đối tác, nhà cung cấp tốt hàng đầu; Có đội ngũ nhân sự tốt trình độ cao (đặc biệt chú trọng đội ngũ chuyên gia), thường xuyên được đào tạo; Dây chuyền công nghệ và trang thiết bị thí nghiệm tốt; Quy trình hóa tốt tất cả các khâu, các lĩnh vực, đặc biệt là cải tiến thay đổi liên tục quy trình cho thích ứng.

Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Sơn quốc tế Mỹ cho rằng, doanh nhân thời nay cần đặc biệt chú trọng tới tâm và tầm trong xây dựng chất lượng và thương hiệu sản phẩm. Bài học của sự chộp giật trong sản xuất sơn của nhiều doanh nghiệp Việt khi khởi nghiệp hiện nay là một ví dụ điển hình. Vì sản phẩm không tốt, không được chú trọng nên cứ khởi nghiệp xong lại chết, thương hiệu này chết lập thương hiệu khác, rồi lại chết. Điều đó đã làm ảnh hưởng xấu đến ngành sơn.

Theo doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng, chọn đối tác tốt sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ có cơ hội kinh doanh mà còn được học hỏi, chia sẻ rất nhiều với đối tác. Công ty Sơn quốc tế Mỹ đã lựa chọn đối tác là các tập đoàn lớn nhất trên thế giới như Dow Chemicals Company của Mỹ, BASF, Kronos của Đức, Tronox của Úc… để hợp tác nên đã học hỏi được nhiều về dây chuyền công nghệ, về cách phát triển chất lượng sản phẩm và thương hiệu. Thậm chí, khi đã có thương hiệu, chính Công ty Sơn quốc tế Mỹ đã trở thành doanh nghiệp sơn Việt được phía đối tác BASF – Đức mời sang thăm công ty, phòng thí nghiệm để chia sẻ, học hỏi lẫn nhau giải pháp tạo ra sản phẩm sơn thích ứng với môi trường khí hậu nóng ẩm của Việt Nam.

Chú trọng về dây chuyền công nghệ và trang thiết bị thí nghiệm trong quá trình phát triển nhà máy sản xuất sơn, doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng đã bắt tay rất hiệu quả với các nhà khoa học để nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm tốt nhất có thể. Đó là những nhà hóa học đầu ngành tại nhiều trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học trên toàn quốc được anh mời hợp tác. Một trong những nhà khoa học đang đồng hành rất hiệu quả với Công ty Sơn quốc tế Mỹ là tiến sĩ Lê Văn Dung, giảng viên Học viện Quân y. Công trình nghiên cứu khoa học của tiến sĩ Lê Văn Dung về bào chế nano bạc bằng phương pháp khử quang hóa có khả năng diệt vi khuẩn đã được hiện thực hóa trong sản phẩm của Công ty Sơn quốc tế Mỹ. Thành quả này càng có ý nghĩa khi dịch COVID-19 diễn ra và hiện môi trường sống đang tiềm ẩn nhiều mầm bệnh khó lường.

Doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng cho biết, sản phẩm sơn diệt vi khuẩn này đã và đang được thị trường đón nhận tốt, dù tác động của COVID-19 đến toàn nền kinh tế cũng đang ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường vật liệu xây dựng, trong đó có mặt hàng sơn.

“Tôi rất vui vì sản phẩm sơn chứa nano bạc diệt vi khuẩn của mình ra đời và tự hào vì doanh nghiệp của mình là doanh nghiệp sơn Việt Nam đầu tiên tự bào chế Nano bạc và đưa công nghệ này vào sản phẩm, với một chi phí rẻ nhất có thể vì đây là kết quả hợp tác lâu dài giữa doanh nghiệp và nhà khoa học. Nano bạc diệt vi khuẩn trong sơn không hóa chất, không độc hại sẽ góp phần làm sạch môi trường. Sản phẩm này đã được Tạp chí Y dược học quân sự đăng bài theo điểm nhấn nghiên cứu khoa học đã ứng dụng được vào thực tế. Điều này thêm một lần khẳng định: Nếu chịu khó đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản phẩm sẽ khác biệt và tạo được lợi thế cạnh tranh”, doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng phấn khích.
 
TGĐ Công ty Sơn quốc tế Mỹ: Tạo khác biệt gắn khoa học Việt với quản trị kiểu Nhật - ảnh 3
 
Doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng Tạo tạo khác biệt cho sản phẩm sơn khi gắn bó với nhà khoa học Việt và cách quản trị kiểu Nhật Bản.

Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Sơn quốc tế Mỹ hồ hởi nói về sản phẩm mang thương hiệu Pasco - Fujisu của mình – sản phẩm sơn sinh thái. Đó là thương hiệu sản phẩm sơn có ứng dụng nano bạc cùng nguyên vật liệu xanh không gây nguy hại, áp dụng riêng cho bệnh viện, trường học, phòng nghiên cứu vô trùng. Những lô hàng đầu tiên công ty sẽ tặng các bệnh viện dùng thử, sau đó mới phân phối rộng rãi ra thị trường.

Tiếp nối dòng sản phẩm sinh thái sẽ là các dòng sản phẩm sơn tích hợp chống nóng, ngăn hiệu quả bức xạ nhiệt, làm giảm nhiệt độ cho tường từ 5-6 độ C.

Đây chính là thành quả công nghệ vượt trội sau cái bắt tay rất chặt từ nhà quản trị doanh nghiệp với nhà nghiên cứu, điều đang rất cần cho sự phát triển bền vững nhưng sáng tạo của doanh nghiệp hiện nay. Hiện doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng có một đội ngũ kỹ thuật khoảng 15 người, trong đó có nhiều nhà khoa học đã và đang giúp công ty tạo ra thương hiệu sơn khác biệt. Những máy móc hiện đại nhất nhì trên lĩnh vực sản xuất sơn mà công ty sử dụng không chỉ tạo công suất lớn, mà còn có nhiều dư địa cho công ty mở rộng và phát triển các dòng sản phẩm sơn của mình thời gian tới.
 
Có cơ duyên với nhà khoa học, doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng cũng rất có cơ duyên với các hiệp hội.

Tham gia CLB Sơn - Mực in Việt Nam NPIC từ năm 2009, trên cương vị thành viên Ban chủ nhiệm, nơi đây đã giúp anh học hỏi và chia sẻ được rất nhiều kinh nghiệm với những người cùng chung ngành sơn. Qua đây, anh được tham gia nhiều khóa đào tạo quản trị…. Các đồng sự của anh cũng từ đó được chú trọng đào tạo sâu hơn trên mỗi lĩnh vực của mình, làm sao để có thể ứng dụng công nghệ mới, biến nguyên vật liệu tốt thành sản phẩm tốt.

Doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng còn được biết đến trên vai trò là một Ủy viên thường vụ BCH Trung ương Hội DNTNVN rất nhiệt huyết và nỗ lực lan tỏa kết nối doanh nhân với doanh nhân tham gia vào ngôi nhà chung của Hội.
 
DOANH NHAN NGUYEN TIEN THANG 6
 
Doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng (ngoài cùng bên phải) và lãnh đạo Hội DNTNVN chụp ảnh lưu niệm cùng các hội viên mới kết nạp.
 
Với anh, Hội DNTNVN là cầu nối quan trọng để cộng đồng doanh nhân tư nhân nói lên tiếng nói của mình tới Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Tham gia vào Hội, doanh nhân không chỉ được chia sẻ thêm thông tin kiến thức về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân nói chung mà còn có thể nhận thức sâu hơn về tác động của chính sách đối với ngành nghề, lĩnh vực của mình sản xuất, kinh doanh. Đó là một giá trị và cộng đồng doanh nhân cần biết cách chủ động tận dụng để tạo lợi ích cho mình.
 
“Khi kết nối để doanh nghiệp tham gia vào ngôi nhà chung của Hội, tôi xác định việc kết nối là phải đem lại lợi ích cho cả hai bên. Lợi ích mà doanh nghiệp có được trước nhất là về thông tin, kiến thức, sau đó mới là lợi ích về kinh tế. Kết nạp và mở rộng hội viên, Hội cũng nâng cao được vị thế, uy tín của mình, ngày càng là cầu nối quan trọng cho cộng đồng doanh nhân tư nhân tới các nhà hoạch định và quản lý chính sách phát triển kinh tế”, doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng chia sẻ.
 
Minh Hoa