Tham dự Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 12: Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng
Chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Cộng hòa Áo Sebastian Kurz, Thủ tướng Vương quốc Bỉ Charles Michel, Thủ tướng Vương quốc Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen,
Chuyến thăm đồng thời truyền tải thông điệp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, tham gia hiệu quả vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu tại các tổ chức đa phương
Trước thềm chuyến thăm, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có bài viết "Châu Á và châu Âu: Quan hệ đối tác toàn cầu nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu" được đăng tải trên TTXVN.
Theo đó, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh được thành lập từ tháng 3/1996, qua hơn hai thập kỷ phát triển, ASEM đã khẳng định vị thế là diễn đàn đối thoại quan trọng và có quy mô lớn nhất giữa hai châu lục Á-Âu, góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác, liên kết ở hai khu vực và trên thế giới.
Hội nghị Cấp cao ASEM 12 được đánh giá có ý nghĩa quan trọng, diễn ra vào thời điểm tình hình quốc tế và khu vực cũng như hợp tác đa phương đứng trước những cơ hội và thách thức chưa từng có. Là cơ chế hợp tác rộng lớn của hai trung tâm kinh tế-chính trị đầu tàu của phát triển và đổi mới sáng tạo, với sự quy tụ của 53 thành viên, đại diện cho 60% dân số thế giới và đóng góp hơn 55% thương mại, 65% GDP và 75% du lịch toàn cầu, ASEM đang ở thời điểm chuyển đổi quan trọng, cần đóng vai trò tiên phong trong thúc đẩy hợp tác và liên kết quốc tế.
Khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trong Diễn đàn Hợp tác Á-Âu, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, việc tham gia Diễn đàn ASEM với tư cách thành viên sáng lập năm 1996 đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Hơn hai thập kỷ qua, Việt Nam tự hào là một thành viên năng động và có trách nhiệm, ghi những dấu mốc có ý nghĩa trong chặng đường phát triển của ASEM, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Diễn đàn.
Nổi bật nhất là việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 5 (2004), 5 Hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực kinh tế (năm 2001), công nghệ-thông tin (năm 2006), ngoại giao (năm 2009), giáo dục (năm 2009), lao động (năm 2012).
Việt Nam đã tích cực khởi xướng và đi đầu thúc đẩy, triển khai nhiều sáng kiến hợp tác trong khuôn khổ ASEM. Ta đã đề xuất 24 sáng kiến và đồng bảo trợ 27 sáng kiến, đưa nước ta trở thành một trong những thành viên tích cực nhất của Diễn đàn với nhiều sáng kiến thiết thực với địa phương, doanh nghiệp và người dân như phát triển bền vững, an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững, quản lý nguồn nước, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, giáo dục-đào tạo, phát triển doanh nghiệp, giao lưu thanh niên...
Việc triển khai các sáng kiến, các hoạt động hợp tác ASEM không chỉ giúp nâng cao năng lực giải quyết nhiều vấn đề gắn với lợi ích và quan tâm của người dân, hình thành tư duy và văn hóa hội nhập, mà còn góp phần quảng bá lịch sử, văn hóa dân tộc và tiềm năng phát triển của các vùng miền đất nước đến với bạn bè Á-Âu.