Thanh Hóa phấn đấu thành lập 15.000 doanh nghiệp mới trong giai đoạn tới
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 14.725 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (đứng thứ 7 cả nước), với tổng vốn điều lệ đăng lý đạt 118,6 nghìn tỷ đồng, bình quân đạt 8 tỷ đồng/doanh nghiệp, gấp 2,7 lần về số doanh nghiệp và 5,2 lần về số vốn đăng ký so với giai đoạn 2011-2015.
Từ những kết quả đạt được giai đoạn 2016-2020, Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã họp để xây dựng Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025, phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 thành lập mới 15.000 doanh nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đến thăm doanh nghiệp, kiểm tra tình hình sản xuất tại Công ty CP Tiên Sơn
Những giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra bao gồm: Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển doanh nghiệp; tạo sự thống nhất xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đưa tinh thần khởi nghiệp đến với mọi người dân, trong đó chú trọng khơi dậy niềm đam mê, khát vọng làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và đất nước đến với lực lượng thanh niên, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, nhất là trong việc tiếp cận các thông tin về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách ưu đãi đầu tư… Đẩy mạnh công tác đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử; nâng cao chất lượng của bộ phận tư vấn, hướng dẫn thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Trung ương và tỉnh ban hành; đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách, nhất là các cơ chế, chính sách về sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu… theo hướng thông thoáng, thủ tục đơn giản, dễ thực hiện.
Quan tâm phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế. Có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng, đa dạng thị trường, tìm kiếm các đối tác mới, ngành hàng mới; hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của thiên tai, dịch bệnh.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động về tư vấn thành lập doanh nghiệp, cung cấp thông tin về tín dụng, thị trường, sản phẩm, công nghệ; hỗ trợ đào tạo, khởi sự doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp…; triển khai các cơ chế, chính sách về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các ngành, các cấp trong thực hiện vai trò trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng với doanh nghiệp; linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trong giải quyết công việc, kịp thời xử lý những khó khăn vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp. Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, cán bộ cố tình nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.
Phát huy vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp, VCCI Thanh Hóa trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp; làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước; phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển doanh nghiệp; tập hợp các kiến nghị về khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, đề xuất với các cơ quan liên quan để kịp thời tháo gỡ.
Nguyễn Thuấn