Thanh khoản - Vấn đề lớn của các công ty Trung Quốc niêm yết ở châu Âu

H.Thủy (Theo Reuters) 07:30 | 21/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các nhà phân tích cho rằng kế hoạch đầy tham vọng của các công ty Trung Quốc về niêm yết trên thị trường chứng khoán London (Anh) và Zurich (Đức) cần được điều chỉnh, vì tính thanh khoản thưa thớt của các công ty Trung Quốc được giao dịch tại hai thị trường trên tạo ra cơ hội giao dịch chênh lệch giá thị trường cho các nhà đầu tư.

Tình trạng đáng lo ngại

Shanghai - London Stock Connect - đóng vai trò kết nối giữa thị trường chứng khoán Trung Quốc và Vương quốc Anh - chỉ ghi nhận năm công ty Trung Quốc phát hành Chứng chỉ Lưu ký toàn cầu (GDR) tại London trong bốn năm hoạt động, bên cạnh 13 công ty khác được niêm yết ở Thụy Sỹ thông qua cơ chế tương tự. GDR cho phép các nhà đầu tư mua cổ phiếu của các công ty nước ngoài trên các sàn giao dịch trong nước của họ.

Số lượng nhà đầu tư tham gia không đủ lớn để tạo ra đủ nhu cầu cho các công ty Trung Quốc được giao dịch trên các sàn đó, nhưng đã thu hút các nhà đầu tư thường thích khai thác sự khác biệt về giá.

Cơ hội chênh lệch giá mở ra ngay khi các công ty phát hành GDR của họ, hầu hết ở mức chiết khấu để thu hút các nhà đầu tư. Các quỹ phòng hộ thường nhanh chóng hoán đổi GDR lấy các tài sản tương đương được giao dịch tại Trung Quốc ngay khi có thể và bỏ túi phần chênh lệch giá.

Một luật sư Trung Quốc cho biết nhiều nhà đầu tư hoán đổi GDR thành cổ phiếu hạng A, thậm chí một số nhà môi giới còn thiết kế các sản phẩm phái sinh để chốt lợi nhuận theo cách như vậy.

Ông Miles Jian, nhà phân tích thuộc một quỹ phòng hộ có trụ sở tại Trung Quốc, cho biết sau khi trừ đi tất cả các chi phí, các quỹ hy vọng sẽ kiếm được 4-5% lợi nhuận từ việc sở hữu GDR và sau đó chuyển đổi chúng thành cổ phiếu hạng A niêm yết ở đại lục.

Vấn đề này đã trở thành lực cản lớn đối với thị trường GDR khi các nhà đầu tư trở nên cảnh giác với khả năng lợi nhuận sụt giảm, đe dọa mục tiêu của các công ty Trung Quốc về tăng cường quan hệ với châu Âu và tạo ra các nguồn tài chính thay thế.

Ông John Edwards, Ủy viên phụ trách thương mại của Vương quốc Anh tại Trung Quốc, cho biết đối với các công ty Trung Quốc đang tìm cách đa dạng hóa thị trường toàn cầu của họ trong một thế giới phức tạp về mặt địa chính trị, việc huy động vốn của những công ty đó ở châu Âu và Vương quốc Anh sẽ hợp lý hơn ở Mỹ. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng khối lượng giao dịch thấp và các quỹ phòng hộ thích khai thác chênh lệch giá không phải yếu tố khả quan. Đó không phải điều các công ty đang tìm kiếm một kênh huy động vốn khả thi về dài hạn mong đợi.

Cơ chế kết nối chứng khoán Shanghai - London Stock Connect được ra mắt vào năm 2019 và đã mở rộng vào năm ngoái để bao gồm cả Thâm Quyến và Thụy Sỹ. Một chương trình tương tự sẽ sớm được chính thức triển khai để liên kết thị trường chứng khoán Trung Quốc và Đức.

Khó có giải pháp nhanh chóng

Việc khắc phục tình trạng không đơn giản và cần có thời gian. Các quan chức chính phủ và các nhà quản lý trên thị trường chứng khoán đang đẩy mạnh vào cuộc, nhưng kết quả mang lại chưa mấy khả quan.

Sàn giao dịch SIX tại Thụy Sỹ cho rằng nhu cầu về các tài sản rủi ro của Trung Quốc thấp trong bối cảnh điều kiện thị trường khó khăn hiện nay, cùng sự mới lạ của các công cụ GDR là những yếu tố dẫn đến khối lượng giao dịch thấp.

Do đó, việc phát hành cổ phiếu diễn ra khá yếu, với các công ty Trung Quốc chỉ huy động được trung bình vài trăm triệu USD trên sàn giao dịch SIX. Hầu hết các công ty này phải hủy một số GDR của họ sau thời gian nắm giữ tối thiểu do các hoạt động kinh doanh chênh lệch giá.

Ngay cả những điều chỉnh của SIX về việc chỉ cho phép hoạt động giao dịch GDR của Trung Quốc diễn ra khoảng 2 tiếng rưỡi trong một phiên (thường diễn ra trong khoảng 7 tiếng rưỡi) cũng không giúp được gì.

Ông Jon Edwards, Trưởng đại diện của LSEG tại Trung Quốc, cho hay việc giới hạn khung thời gian giao dịch để tăng thêm thanh khoản, nhưng điều này không hiệu quả. Song ông thừa nhận vấn đề không chỉ xảy ra với SIX.

Một thách thức khác đối với các công ty đang tìm cách thu hút các nhà đầu tư dài hạn vào GDR của Trung Quốc là hầu hết các nhà đầu tư tổ chức đã tiếp xúc với cổ phiếu Trung Quốc thông qua các kênh xuyên biên giới khác, chẳng hạn như chương trình Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đủ điều kiện hoặc kết nối China-Hong Kong Stock Connect.

London đang nỗ lực giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan đó. Tập đoàn giao dịch chứng khoán London (LSEG) và các quan chức thương mại Anh gần đây đã đến thăm một số thành phố ở Trung Quốc để quảng bá thị trường vốn của nước này.

Song một quan chức thương mại của Vương quốc Anh cho biết vẫn cần số lượng công ty Trung Quốc niêm yết đạt mức nhất định trước khi có thể phát triển cơ sở nhà đầu tư đủ lớn để tạo ra thanh khoản thị trường.

Cùng chia sẻ với quan điểm trên, ông Wilson Xu, một chuyên gia ngân hàng kỳ cựu của CITIC Securities, người tiên phong trong chương trình kết nối chứng khoán (Stock Connect), cho biết tính thanh khoản sẽ được cải thiện khi có một lượng đủ lớn các công ty Trung Quốc niêm yết tại các thị trường nêu trên.

Trong khi đó, các công ty Trung Quốc đã tích cực công khai về những động thái hướng ra thị trường châu Âu của họ. Vì điều này vẫn mang lại cho các công ty đó một kênh thay thế để huy động vốn và tiếp cận ngoại tệ cho các hoạt động của họ ở nước ngoài./.