Thành phố HCM sẽ bắn pháo hoa vào ngày thành lập TP Thủ Đức
UBND TP.HCM vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng chấp thuận cho TP tổ chức thêm một điểm bắn pháo hoa tại Khu Công nghệ cao (quận 9) để chào mừng Nghị quyết về thành lập TP Thủ Đức.
Trước đó, từ ngày 3/12, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xin phép tổ chức bắn pháo hoa tầm cao, tầm thấp nhân Tết Dương lịch 2021.
Dự kiến việc tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết Dương lịch năm 2021 như sau: Bắn pháo hoa 2 điểm tầm cao (khu vực đầu đường hầm vượt sông Sài Gòn, Quận 2; Tòa nhà Landmark 81 và khu vực Công viên Central Park, phường 22, quận Bình Thạnh); bắn pháo hoa 1 điểm tầm thấp (Công viên Văn hóa Đầm Sen, Quận 11). Thời gian bắn pháo hoa 15 phút, từ 0 giờ 0 phút đến 0 giờ 15 phút ngày 1/1/2021. Nguồn kinh phí từ xã hội hóa.
Ngày 9.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập Thành phố Thủ Đức trực thuộc TPHCM.
Để chào mừng sự kiện này, UBND TP.HCM sẽ tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về thành lập Thành phố Thủ Đức lúc 8h ngày 31.12 và dự kiến bổ sung một điểm bắn pháo hoa tầm thấp tại Khu Công nghệ cao (quận 9). Thời gian bắn kéo dài 15 phút, bắt đầu từ thời điểm 0h ngày 1.1.2021.
Thời gian bắn pháo hoa là trong 15 phút, từ 0 giờ đến 0 giờ 15 ngày 1/1/2021. Đây là điểm bắn pháo hoa thứ tư trong đêm giao thừa Tết Dương lịch 2021 tại TPHCM. Ba điểm trước đó UBND TPHCM đề xuất là 2 điểm tầm cao: Đầu hầm Thủ Thiêm (quận 2); tòa nhà Landmark 81 cùng khu vực Công viên Central Park (quận Bình Thạnh) và một điểm tầm thấp tại Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11).
Tại khu vực đầu hầm Thủ Thiêm, TPHCM dự kiến sẽ tổ chức bắn khoảng 1.500 quả pháo tầm cao, 30 giàn tầm thấp và 10 giàn hỏa thuật. Tại tòa nhà Landmark 81 cùng khu vực Công viên Central Park sẽ bắn 800 quả tầm cao, 6.200 ống tầm thấp và hỏa thuật. Điểm bắn pháo hoa ở Công viên văn hóa Đầm Sen sẽ có 90 giàn tầm thấp và 30 giàn hỏa thuật.
TP Thủ Đức rộng khoảng 211 km2, trên cơ sở sáp nhập diện tích ba quận 2, 9 và Thủ Đức với cơ cấu dân số hơn 1 triệu người, chính thức được thành lập theo Nghị quyết số 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, để chuẩn bị cho bộ máy chính quyền TP Thủ Đức, TPHCM đã đề xuất các cơ quan Trung ương xem xét thêm số lượng Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức tối đa là 4 người. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Thủ Đức không quá 13 phòng, trong đó có 10 phòng theo Nghị định 108 năm 2020 và 3 cơ quan khác. Số lượng phó phòng bình quân của mỗi phòng là 3 người.
Còn theo phương án của Sở Nội vụ trình UBND TPHCM, UBND TP Thủ Đức có một Chủ tịch và 3 Phó chủ tịch, 653 công chức, nhân viên sẽ đảm nhiệm công việc tại các phòng, ban. Nhân sự của cơ quan Đảng là 128 người, gồm: Bí thư, Phó bí thư, các trưởng ban; biên chế Ủy ban MTTQ và các đoàn thể là 112 người. Dự kiến TP Thủ Đức góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TPHCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước và là động lực tăng trưởng mới của TPHCM nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Nguyễn Dung