Thế Giới Di Động đang nợ Apple, Samsung bao nhiêu tiền?
Tổng tài sản cũng đi lên với tốc độ tương ứng nên tỷ trọng của khoản phải trả trên tổng tài sản duy trì quanh ngưỡng 19%. Những người bán này chính là các nhà cung cấp sản phẩm điện tử, điện máy, đồ gia dụng, bách hóa, … cho hệ thống siêu thị bán lẻ của MWG.
Tại ngày cuối năm ngoái dư nợ của MWG với Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên là 691 tỷ đồng, lớn hơn hẳn các nhà cung cấp khác và cao gấp hơn hai lần ngày đầu năm 2021.
Công ty TNHH Apple Việt Nam đứng thứ 2 và cũng cao gấp hơn hai lần so với 12 tháng trước. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Toshiba, LG, Sony, Thế Giới Số, Daikin Air Conditioning và Panasonic.
Ở chiều ngược lại, MWG cũng phải thu từ các nhà cung cấp gần 793 tỷ đồng tại ngày 31/12/2021, tăng 22,6% so với đầu năm. LG Electronics Việt Nam Hải Phòng dẫn đầu với giá trị phải thu 70 tỷ đồng, theo sau là Panasonic Việt Nam 60 tỷ đồng.
Theo MWG, phải thu từ các nhà cung cấp bao gồm phần lớn là các khoản chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán và bảo vệ giá.
Thế Giới Di Động vượt kế hoạch lợi nhuận
Dư nợ giữa MWG và các nhà cung cấp đi lên đáng kể trong năm qua giữa bối cảnh công ty đẩy mạnh bán hàng và ghi nhận doanh thu cao kỷ lục gần 123.000 tỷ đồng, tăng 13% so với 2020 và đạt 98% kế hoạch năm.
Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 4.901 tỷ đồng, tăng trưởng 25% và vượt kế hoạch đại hội cổ đông thông qua. Riêng quý IV, doanh thu và lợi nhuận cùng lập đỉnh mới, đồng thời tăng trưởng lần lượt 33% và 66% so với cùng kỳ 2020.
Vào tháng 10, MWG ra mắt chuỗi cửa hàng ủy quyền cao cấp TopZone chuyên bán sản phẩm Apple. Đây là lý do vì sao khoản phải trả cho Apple tăng mạnh trong năm qua.
Lãnh đạo công ty cho biết trong ba tháng qua, mỗi cửa hàng TopZone mang về doanh thu trung bình 15-20 tỷ đồng/tháng. TopZone được kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới trong năm 2022 với doanh số 8-10 tỷ đồng/cửa hàng/tháng khi đi vào hoạt động ổn định.
Tính chung toàn hệ thống siêu thị Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, gần 2.000 cửa hàng phải tạm đóng hoặc hạn chế bán hàng trong hầu hết thời gian quý III nhưng sang quý IV đã hồi phục mạnh.
Theo ngành hàng, thiết bị di động là động lực tăng trưởng chính nhờ hưởng lợi từ nhu cầu học tập và làm việc tại nhà trong mùa dịch. Máy tính xách tay (laptop) tăng trưởng 58% so với 2020, máy tính bảng (tablet) và điện thoại tăng trưởng lần lượt 40% và 17%.
Sau thời gian thử nghiệm, chuỗi Điện Máy Xanh Supermini đã nhân rộng từ 300 cửa hàng đóng góp 850 tỷ đồng doanh thu năm 2020 lên 800 cửa hàng và doanh số 6.800 tỷ đồng năm 2021.
Năm 2022, MWG đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 140.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 6.350 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 14% và 30% so với kết quả thực hiện năm 2021.