Thị trường tháng 11 qua lăng kính CTCK: VN-Index rung lắc và hồi phục?

Xuân Nghĩa 09:35 | 12/11/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đa phần các công ty chứng khoán (CTCK) đánh giá thị trường chưa có nhiều chuyển biến tích cực trong tháng 11. VN-Index có thể điều chỉnh xuống vùng 1.220 - 1.250 điểm và hồi phục sau đó.

Báo cáo chiến lược mới đây của SSI Research cho thấy bước sang tháng 10, thị trường có thêm lần nữa kiểm định ngưỡng cản 1.300 điểm không thành công và đảo chiều. VN-Index gần như đi xuống xuyên suốt tháng và mất 1,8% điểm số so với tháng trước, về 1.264,5 điểm.

Các yếu tố cản trở thị trường đi lên các vùng điểm số cao hơn bao gồm rủi ro biến động địa chinh trị thế giới, tỷ giá biến động trong ngắn hạn trong khi mùa kết quả kinh doanh quý III dù tiếp tục phục hồi như kỳ vọng nhưng không quá nhiều đột biến.

Nhà phân tích của SSI đánh giá thị trường trong tháng 11 khả năng vẫn còn biến động, do ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như bầu cử tổng thống Mỹ hay trong nước là kỳ họp Quốc hội thứ 8 với các thảo luận về luật và chính sách trong lĩnh vực bất động sản hay khả năng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước để giảm áp lực tỷ giá.

Tuy nhiên, một số yếu tố chính có thể được xem là yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường giai đoạn tới. Thứ nhất, định giá ước tính một năm của VN-Index giảm nhẹ từ xuống còn 11,9 lần vào cuối tháng 10 từ mức 12,1 lần ở đầu tháng. Điều này cho thấy thị trường chịu áp lực giảm giá và chưa phản ánh nhiều chuyển biến tích cực của kết quả quý III.

Tăng trưởng lợi nhuận quý III tiếp tục mở rộng sang nhiều nhóm ngành, với nhiều ngành đạt mức tăng trưởng cao trên 30%. Cùng với đó, Thông tư 68 cùng với việc sửa đổi Luật Chứng khoán đưa tới kỳ vọng các quỹ đầu tư nước ngoài có thể cân nhắc tăng tỷ trọng vào Việt Nam.

Ở khía cạnh kỹ thuật, một số chỉ báo hiện duy trì trạng thái trung tính trên khung thời gian tháng và tuần, cho thấy thị trường chưa có xu hướng rõ ràng. Các mốc điểm số lưu ý trên VN-Index tháng 11 gồm ngưỡng cản trên 1.285 điểm và ngưỡng hỗ trợ dưới 1.220 điểm.

(Nguồn: Báo cáo chiến lược tháng 11 của SSI Research).

Quan điểm của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường sẽ có nhịp phục hồi tích cực trong tháng 11, nhờ kết quả kinh doanh quý III ấn tượng giúp định giá trở về vùng hấp dẫn.

Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE tăng 29% so với cùng kỳ, trong khi EPS 12 tháng liền kề có mức tăng 9% theo quý và +16% so với EPS năm 2023. P/E của VN Index đã điều chỉnh giảm từ 14,7 về 13,4 lần, chạm mức định giá thấp nhất trong năm nay.

Nhóm phân tích của Rồng Việt kỳ vọng xu hướng khả quan cũng sẽ được duy trì trong trung hạn khi mà lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết trong quý IV dự báo đạt 22% so với cùng kỳ, đánh dấu quý thứ 4 liên tiếp có mức tăng trưởng hai chữ số.

Trong ngắn hạn, tỷ giá hiện đang chịu áp lực do chênh lệch lãi suất, gây ảnh hưởng tới điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, triển vọng đồng USD yếu sẽ trở lại bất kể kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, giúp ổn định dư địa tỷ giá và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Theo VDSC, nhận định này dựa trên hai cơ sở. Thứ nhất, Fed đã cắt giảm 50 điểm cơ bản vào tháng 9, báo hiệu quá trình bình thường hóa lãi suất đã khởi động, với kịch bản giảm thêm 150 điểm cơ bản trong 15 tháng tới khi xu hướng lạm phát giảm vững chắc. Thứ hai, lo ngại về chính sách thâm hụt tài khóa của Mỹ từ cả hai ứng viên có thể tạo áp lực lên đồng USD.

Tháng 11, VDSC kỳ vọng VN-Index có thể biến động trong vùng 1.237 - 1.345 điểm.

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) nhấn mạnh triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2025 đã trở nên rõ ràng hơn khi các yếu tố khó lường của tháng 10 xoay quanh lộ trình hạ lãi suất của Fed và kết quả tranh cử tổng thống Mỹ đã hoàn toàn được phản ánh vào bối cảnh thị trường hiện tại.

VN-Index được kỳ vọng sẽ giao dịch trong khoảng 1.250-1.300 điểm trong thời gian còn lại của năm 2024, với khả năng đạt mức 1.300 điểm. Dưới nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump, bất động sản khu công nghiệp được dự đoán sẽ hưởng lợi từ chiến lược đa dạng hóa "Trung Quốc + 1", nhưng tác động đến dòng vốn FDI đới với thị trường Việt Nam dự kiến sẽ duy trì xu hướng ổn định trước đó.

Các rủi ro chính cần theo dõi trong tháng 11 bao gồm lộ trình hạ lãi suất của Fed, áp lực tỷ giá tại Việt Nam, và đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi tổng dư nợ trái phiếu chậm trả đã đạt 189.000 tỷ đồng và áp lực từ các trái phiếu bị trì hoãn dự kiến sẽ trở lại sau khi thời hạn ân hạn kết thúc, tác động đến thị trường trái phiếu trong thời gian còn lại của 2024 và kéo dài đến năm 2025.

 

Tại báo cáo chiến lược mới đây, Chứng khoán KBSV cho rằng về mặt định giá, mức P/E hiện tại của VN-Index khoảng 14,8 lần (theo số liệu từ Bloomberg), đang ngang mức trung bình 2 năm. Nhìn về bức tranh trung và dài hạn, mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, đầu tư và tiêu dùng trong nước hồi phục.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ thị trường phản ứng tiêu cực đối với các mối lo ngại về tình hình xung đột leo thang ở Trung Đông, rủi ro từ việc ông Trump tái đắc cử, lãi suất liên ngân hàng, cùng áp lực tỷ giá tăng trở lại và suy giảm tiêu dùng tại Trung Quốc.

Dưới góc độ kỹ thuật, theo KBSV xu hướng chủ đạo vẫn là giảm điểm trong ngắn hạn, tuy nhiên VN-Index có xác suất cao (70%) cho phản ứng hồi phục tích cực tại quanh 1230 (+-10) điểm. Còn lại (30% xác suất) ở các vùng hỗ trợ sâu hơn tại quanh 1.200 (+-10) điểm mới xuất hiện động lực tăng rõ ràng.

Cơ hội đầu tư tập trung tại các nhóm BĐS công nghiệp, xuất khẩu

KBSV lựa chọn các chủ đề đầu tư bao gồm: nhu cầu trong nước phục hồi, các biến tiến nâng hạng thị trường, và hiệu ứng từ hiện tượng La Nina.

Báo cáo chiến lược tháng 11 của SSI Research khuyến nghị nhà đầu tư tận dụng cơ hội trong biến động.

Nhà đầu tư nên ưu tiên các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng mạnh và bền vững, vì theo đây được kỳ vọng là yếu tố chính dẫn dắt giá cổ phiếu trong năm 2024 và 2025. Bên cạnh đó, dệt may, thủy sản (cá tra), cảng và vận tải biển là các ngành có thể hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và chính sách thương mại mới của Mỹ. Đây là những lĩnh vực đáng cân nhắc bổ sung vào danh mục cho giai đoạn tới.

SSI Research cũng khuyến nghị nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục để hạn chế tác động từ các biến động khó lường. Cùng với các biến động chính sách từ Mỹ, lãi suất và biến động tỷ giá trong nước là hai yếu tố vĩ mô cần được theo dõi chặt chẽ trong quá trình quản lý rủi ro.

Theo VDSC, các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho kịch bản tận dụng sự sụt giảm của thị trường để xây dựng các vị thế dài hạn, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, công nghệ, công nghiệp và dịch vụ tài chính.

Nhóm phân tích khuyến nghị nhà đầu tư đảm bảo có vị thế cho cơ hội tái định giá của thị trường, tuy nhiên vẫn giữ sức mua để đối phó với những cơn gió ngược tiềm tàng kể trên.​

Trong tầm nhìn đến mùa công bố kết quả kinh doanh mới, VDSC nếu một số ý tưởng đầu tư tiềm năng mà các nhà đầu tư có thể lựa chọn cho danh mục đầu tư. Thứ nhất là duy trì khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với nhóm ngành ngân hàng khi cơ hội tái định giá vẫn ở phía trước.

Bên cạnh đó, VDSC khuyến nghị mới nhóm cổ phiếu thép với câu chuyện tăng trưởng về sản lượng và kỳ vọng sự phục hồi về giá.​

Ngoài ra, nhóm bất động sản cũng được xem xét khi triển vọng quý cuối năm 2024 và nửa đầu năm 2025 tích cực.

Chiến thắng của ông Trump sẽ làm tăng khả năng áp thuế rất lớn đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và dẫn đến nhu cầu dịch chuyển sản xuất đến các nước như Việt Nam. Yếu tố này sẽ ủng hộ cho xu hướng tăng tốc bán hàng của các công ty bất động sản khu công nghiệp.