Thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam tăng trưởng ì ạch, nền kinh tế trụ cột có nguy cơ suy thoái trong năm 2023
Thị trường xuất khẩu lớn thứ ba
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, vào năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của nước ta đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021.
Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, đứng sau Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam xuất siêu sang EU khoảng 31,4 tỷ USD, tăng 35,3% so với năm 2021.
Nếu tính theo số liệu của Eurostat, năm 2022, Việt Nam xuất siêu sang EU hơn 41,6 tỷ USD, tăng 39,8% so với năm trước đó.
Thứ hạng trên giữ nguyên trong 8 tháng đầu năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 29,4 tỷ USD, trong khi kim ngạch sang Mỹ và Trung Quốc ước tính lần lượt là 62,3 tỷ USD và 35,8 tỷ USD.
EU nhập khẩu gì từ Việt Nam?
Dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, một trong các mặt hàng đáng chú ý nhất trong giao dịch thương mại giữa Việt Nam và EU là cà phê. Liên minh kinh tế gồm 27 quốc gia thành viên là thị trường số một của cà phê Việt Nam.
Năm ngoái, xuất khẩu cà phê đạt 1,8 triệu tấn, trị giá 4 tỷ USD. Việt Nam xuất sang EU khoảng 689.000 tấn, trị giá gần 1,5 tỷ USD. Các thị trường xếp sau là Mỹ với kim ngạch 305 triệu USD và Nhật Bản 277,6 triệu USD.
EU cũng là đối tác lớn của Việt Nam ở nhóm hàng dệt may, bằng chứng là khối kinh tế chung đứng vị trí thứ hai trong danh sách các thị trường nhập khẩu nhiều hàng may mặc; giày dép; và túi xách, mũ, vali, ô dù.
Số liệu cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc năm 2022 đạt 37,6 tỷ USD, tăng 14,7% so với năm 2021. EU là thị trường lớn thứ hai với kim ngạch 4,4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 11,6% - xếp sau Mỹ và đứng trước Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong khi đó, xuất khẩu giày dép đạt 23,9 tỷ USD, tăng 34,6% so với năm 2021. Thị trường quan trọng nhất là Mỹ với kim ngạch 9,6 tỷ USD, EU xếp ngay sau với 5,8 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 24,5%.
Nhóm hàng túi xách, vali, mũ ô dù mang về cho Việt Nam 4,1 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang EU là 914,7 triệu USD, xếp sau Mỹ (1,84 tỷ USD) và đứng trước Nhật Bản (351,8 triệu USD).
Khối EU còn là thị trường lớn thứ hai của thép và nhóm hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng. Khối này chiếm tỷ trọng gần 19% trong kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam, xếp sau khu vực ASEAN với tỷ trọng 36,7%.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị năm 2022 đạt 45,7 tỷ USD, tăng 19,4% so với năm trước. Xuất khẩu máy móc thiết bị sang thị trường EU chiếm tỷ trọng cao thứ hai (12,3%), đạt 5,6 tỷ USD, tăng 38,8% so với năm 2021.
Bên cạnh đó, EU còn là đối tác nhập khẩu nông, thuỷ sản hàng đầu của Việt Nam, nằm trong top 3 của mặt hàng gạo và hạt điều, cùng top 4 của nhóm hàng thuỷ sản.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2022 đạt 7,1 triệu tấn với giá trị 3,46 tỷ USD. Tuy lượng gạo xuất sang EU chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (2,4%) so với con số 71% của châu Á và 17,8% của châu Phi, khối kinh tế chung lại ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ tới 90,7% so với năm 2021, đạt 172.200 tấn.
Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu được 520.00 tấn điều vào năm 2022, giá trị khoảng 3,1 tỷ USD. Hà Lan, một quốc gia thành viên của EU, là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba với 53.400 tấn - chỉ xếp sau Mỹ và Trung Quốc.
EU còn nhập khẩu hơn 1,2 tỷ USD thuỷ sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng gần 11% trong kim ngạch. Các thị trường xếp trên là Mỹ với kim ngạch 2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng gần 25%, Trung Quốc và Nhật Bản chênh lệch không nhiều với kim ngạch sang mỗi nước khoảng 1,6 – 1,7 tỷ USD.
Đáng chú ý, khối EU còn là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam ở hai nhóm hàng mang giá trị cao khác là điện thoại, linh kiện; và máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng điện thoại đạt 57,9 tỷ USD, nhích 0,8% so với năm 2021. Xuất khẩu sang EU đạt 6,5 tỷ USD, chiếm 11,2% tổng kim ngạch và xếp sau hai thị trường Trung Quốc 16,3 tỷ USD và Mỹ 11,9 tỷ USD.
Trong khi đó, kim ngạch của nhóm hàng máy vi tính đạt 55,3 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Xuất khẩu sang thị trường EU đạt 6,3 tỷ USD, tăng 7,3% so với năm trước và chiếm 11,4% kim ngạch - xếp sau hai thị trường Mỹ với kim ngạch 15,9 tỷ USD và Trung Quốc 11,8 tỷ USD.
Ngoài ra, khối kinh tế 27 nước thành viên còn nhập khẩu nhiều sản phẩm nhựa và nguyên liệu nhựa của Việt Nam, lần lượt chiếm tỷ trọng gần 11% trong kim ngạch sản phẩm nhựa (top 4) và 3,7% trong kim ngạch nguyên liệu nhựa (top 5).
Áp lực bủa vây khối kinh tế chung
EU là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, bất kỳ biến động ở khối kinh tế 27 quốc gia thành viên này đều có hàm ý quan trọng cho lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam. Tương tự như Trung Quốc, triển vọng kinh tế của EU đang khá u ám.
Ngày 11/9, Ủy ban châu Âu (EC) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay và năm tới của khối EU. Cơ quan này nhấn mạnh, lạm phát và lãi suất tăng cao đang đè nặng lên hoạt động chi tiêu và đầu tư của người dân cũng như doanh nghiệp.
Theo EC, khối 20 quốc gia sử dụng đồng euro (tức eurozone) dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 0,8% trong năm nay, thay vì 1,1% như dự báo trước đó. Năm 2024, khối này có thể sẽ chỉ tăng trưởng 1,3%, thấp hơn ước tính ban đầu là 1,6%.
Tương tự, EC cũng hạ dự báo tăng trưởng của khối EU gồm 27 nước thành viên, năm 2023 từ 1% xuống 0,8% và năm 2024 từ 1,7% xuống 1,4%.
Hồi cuối tháng 7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo Đức, trụ cột của khối EU, sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất suy thoái trong năm nay. Ngay cả Nga bị phương Tây trừng phặt nặng nề vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng dương.
Kể từ năm ngoái, EU và Mỹ đều tăng mạnh lãi suất để khống chế lạm phát. Tuy nhiên, trong khi các chỉ số kinh tế tại EU đều đang yếu đi rõ, nhu cầu tiêu dùng và tăng trưởng của Mỹ vẫn thể hiện sức mạnh đáng nể dù Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã nâng lãi suất tổng cộng 525 điểm cơ bản lên mức cao nhất trong 22 năm.
Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,1% trong quý II (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm), cao hơn dự đoán của các nhà phân tích, trong khi lạm phát tiếp tục hạ nhiệt vào tháng 8, củng cố kỳ vọng Fed có thể sớm dừng chu kỳ thắt chặt.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 3,7% so với cùng kỳ vào tháng 8, giảm mạnh so với mức đỉnh ghi nhận vào tháng 9/2022 là 9,1%. CPI lõi tăng 4,3% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều con số 6,6% của tháng 9/2022.
Trong khi đó, dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất kể từ khi đồng euro được công bố vào năm 1999, giá tiêu dùng vẫn đi lên 5,3% so với cùng kỳ vào tháng 8 – đi ngược kỳ vọng của các nhà kinh tế.
Mặt khác, dù lạm phát đã giảm so với mức đỉnh hơn 10% ghi nhận vào tháng 10/2022, có những dấu hiệu cho thấy áp lực giá tại châu Âu vẫn còn khá dai dẳng.
Lương thực lại một lần nữa là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc lạm phát toàn phần không đi xuống. Trong tháng 8, giá lương thực tăng trung bình 9,8% so với một năm trước. Chi phí năng lượng tăng 3,2% cũng khiến áp lực giá khó dịu bớt.
Giới chuyên gia cho rằng chiến dịch tăng lãi suất để hạ gục lạm phát của châu Âu không thành công bằng Mỹ, do áp lực giá tại đây chủ yếu bắt nguồn từ thiệt hại mà chiến sự Nga – Ukraine gây ra cho chuỗi cung ứng lương thực và năng lượng.
Trong tương lai, nền kinh tế khu vực EU sẽ phải đối mặt với ít nhất ba rủi ro.
Rủi ro đầu tiên là Đức, nền kinh tế định hướng sản xuất và xuất khẩu đã bị ảnh hưởng nặng nề khi giá năng lượng nhảy vọt và nhu cầu của Trung Quốc chậm lại.
Trong nhiều năm, Trung Quốc là động lực chính cho lĩnh vực xuất khẩu của Đức. Một Trung Quốc công nghiệp hoá nhanh chóng đã mua phần lớn tư liệu sản xuất mà Đức có thể tạo ra.
Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào đầu tư của Trung Quốc đã đạt đến giới hạn, tăng trưởng và nhu cầu nhập khẩu của đất nước tỷ dân đã chững lại.
Thay vì tiếp tục là những khách hàng lớn nhất của Đức, Trung Quốc trở thành một trong những đối thủ cạnh tranh quyết liệt nhất, đơn cử như trong lĩnh vực sản xuất xe hơi.
Rủi ro thứ hai là chiến sự tại Ukraine kéo dài nhiều năm. OECD từng nhận xét vào tháng 11/2022 rằng cuộc chiến này là “cú sốc lớn và mang tính lịch sử” với thị trường năng lượng.
Cuộc xung đột khiến áp lực lạm phát phình to tại khu vực EU. Lạm phát toàn phần đi từ mức 0,3% năm 2020 lên 2,6% vào năm 2021 và 8,4% vào năm 2022. Năng lượng và thực phẩm chiếm hơn 2/3 mức tăng giá tiêu dùng năm 2022.
Dù châu Âu đã xoay xở qua mùa đông năm 2022, khó khăn vẫn còn trước mắt. Giáo sư Thierry Bros tại Viện Nghiên cứu Chính trị Paris cảnh báo: “Cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc, bởi vì để giải quyết một cuộc khủng hoảng năng lượng, bạn cần phải đầu tư tăng sản lượng”.
Ông nhấn mạnh rằng dù EC đã tung ra các khoản trợ cấp để hỗ trợ người tiêu dùng, cơ quan này chưa triển khai bất kỳ dự án mới nào.
Cuối cùng, rủi ro lớn nhất chính là việc ECB sẽ tăng lãi suất lên mức nào. Hồi giữa tuần trước, các nhà hoạch định chính sách đã nâng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp, đưa lãi suất chuẩn từ mức -0,5% hồi tháng 6/2022 lên kỷ lục 4% (tương đương tăng 450 điểm cơ bản).
Trong tuyên bố chính sách, ECB hàm ý rằng lãi suất có thể đã đạt đỉnh. Ngân hàng trung ương này cho biết đợt tăng vừa qua đã đưa “lãi suất lên mức mà nếu duy trì trong một thời gian đủ dài sẽ giúp [ECB] đưa lạm phát quay về mức mục tiêu một cách kịp thời”.
Tuy vậy, trong cuộc phỏng vấn với CNBC, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói bà không có câu trả lời cụ thể rằng liệu việc tăng lãi suất đã kết thúc hay chưa, vì các nhà hoạch định chính sách vẫn sẽ phụ thuộc vào dữ liệu.
Tờ Financial Times dẫn lời ít nhất ba nhà hoạch định chính sách của ECB cho biết nhiều quan chức “diều hâu” muốn tăng lãi suất lần nữa vào tháng 12 nếu tiền lương của người lao động tiếp tục tăng nhanh và lạm phát dai dẳng hơn dự kiến.
Mây đen bao phủ nền kinh tế Trung Quốc, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này có khả quan?