Thời cơ quý báu để doanh nhân Nhật viết tiếp câu chuyện thành công tại Việt Nam
Hội nghị do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam tổ chức, thu hút trên 600 doanh nghiệp hai nước tham dự.
Cánh cửa hợp tác luôn rộng mở
Tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: Nền kinh tế năng động của Việt Nam với GDP đạt khoảng 230 tỷ USD, quy mô thương mại đạt trên 420 tỷ USD và dân số tiệm cận 100 triệu người đang mở ra cơ hội hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong đó, hai nước Việt, Nhật đang có cơ hội mở rộng không gian hợp tác kinh tế mới trong điều kiện thuận lợi về độ mở cao, hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, cơ cấu kinh tế có tính bổ trợ lẫn nhau, đặc biệt, hai nước đều là thành viên chủ chốt, đã tích cực thúc đẩy và ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ: Hướng tới mục tiêu xây dựng quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, năng lượng hiện đại, đồng bộ; hệ thống giáo dục tiên tiến... Đây là những lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh, là thời cơ quý báu để các doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản nắm bắt để mở rộng hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, nhất là các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, nông nghiệp hiện đại, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị thông minh, dịch vụ, hạ tầng, tài chính, ngân hàng, khởi nghiệp dựa trên đổi mới, sáng tạo cũng như tham gia đối tác chiến lược cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Nhà nước Việt Nam cam kết tạo dựng môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư Nhật Bản, đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như thông lệ quốc tế trong giai đoạn phát triển mới.
“Cánh cửa luôn mở rộng chào đón các doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản tại Việt Nam”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.
Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yoji Muto đánh giá Việt Nam là đất nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và đang trở thành một đối tác kinh tế vô cùng hấp dẫn với các doanh nghiệp Nhật Bản. Đã có nhiều dự án của các doanh nghiệp Nhật Bản đang được thực hiện và thành công tại Việt Nam, trong đó có các dự án quan trọng về xây dựng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, CPTPP sẽ là đòn bẩy đối với các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản và Việt Nam trong tương lai.
Doanh nhân Nhật Bản - đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình đổi mới
“Chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Nhật Bản dựa trên sự chia sẻ những lợi ích địa chính trị - kinh tế chiến lược - quan hệ hữu nghị tin cậy đã được vun đắp trong suốt 45 năm qua. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, luôn coi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định.
Đồng hành để viết tiếp những câu chuyện thành công
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yoji Muto, Chủ tịch JETRO Hiroyuki Ishige, các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã chứng kiến Lễ trao giấy chứng nhận đầu tư và Biên bản ghi nhớ về các dự án hợp tác giữa doanh nghiệp, địa phương hai nước tại Hội nghị.
Đồng thời, chứng kiến lễ công bố mở đường bay thẳng tới Osaka - Nhật Bản của hàng không thế hệ mới Vietjet. Đường bay Hà Nội-Osaka dự kiến sẽ được khai thác khứ hồi hằng ngày với thời gian bay mỗi chặng hơn bốn giờ bằng tàu bay A320 mới và hiện đại. Dự kiến đường bay sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 08/11/2018.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá Hội nghị là cơ hội quý báu để cộng đồng doanh nghiệp hai nước cùng nhìn lại những kết quả hợp tác đầu tư đã đạt được, chia sẻ tầm nhìn, triển vọng và những cơ hội hợp phát triển trong giai đoạn mới, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới.
“Chúng tôi tin tưởng các bạn sẽ luôn đồng hành cùng chúng tôi viết tiếp những câu chuyện thành công trong tương lai”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ.
Theo đó, Nhật Bản là đối tác hỗ trợ phát triển chính thức lớn nhất của Việt Nam với hơn 30 tỷ USD cam kết, đã góp phần quan trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, xóa đói, giảm nghèo…
Về đầu tư, Nhật Bản luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam, với hơn 3.700 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 50 tỷ USD.
Riêng năm 2017, tổng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đạt mức kỷ lục với gần 10 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở lại vị thế là đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam.
Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có các tập đoàn hàng đầu không chỉ giữ vai trò tiên phong trong hợp tác đầu tư, mà còn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
Các công trình và dự án được xây dựng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản được triển khai thực hiện và đi vào hoạt động có hiệu quả trên khắp các vùng miền của Việt Nam, điển hình là Nhà ga T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài, Cảng biển Quốc tế Lạch Huyện, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương...
Trước đó, tại cuộc tiếp Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hiroyuki Ishige, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đề nghị JETRO thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo... và hỗ trợ Việt Nam nâng cao chuỗi giá trị nông sản-thực phẩm, tạo điều kiện cho hàng hóa nông, lâm, thủy sản Việt Nam tiếp cận thị trường Nhật Bản.
Chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ mở ra tương lai tốt đẹp, đưa sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam phát triển lên tầm cao mới.