Thu nhập của lao động ngành may: Chưa đủ sống

13:52 | 12/04/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Dù có tốc độ tăng trưởng cao và đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu ở Việt Nam, nhưng người lao động trong ngành dệt may lại có mức thu nhập thấp nhất và phải đối mặt với cuộc sống vô cùng khó khăn, bấp bênh.

Đó là những thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo "Thực trạng thu nhập của lao động trong ngành dệt may tại Việt Nam và giải pháp hướng tới mức lương đủ sống" do Trung tâm phát triển và hội nhập (CDI) phối hợp với Fai Wear Foundation tổ chức.

Kết quả nghiên cứu khảo sát của Oxfam và nhóm chuyên gia thuộc Viện Công nhân và Công đoàn về “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy” của công nhân ngành dệt may cho thấy, có tới 69% công nhân cho biết họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình, 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương, 37% luôn ở trong tình trạng vay nợ bạn bè và 96% không bao giờ hoặc hiếm khi đi ăn hàng. Đặc biệt, có 23% công nhân đang sống trong các điều kiện nhà ở tạm bợ và 44% cho biết đang sử dụng nước giếng và nước mưa.

Còn theo số liệu từ CDI, lương cơ bản của công nhân may đạt khoảng 5,1 triệu đồng, chiếm tới 64% tổng thu nhập, đây là khoản chắc chắn người lao động được nhận hằng tháng. Các khoản phụ cấp, lương tăng ca, thưởng khác chiếm đến 36% tổng thu nhập. Đây là khoản có thể bị trừ hoặc không nhận được vào những giai đoạn ít việc. Qua đó cho thấy thu nhập của người công nhân rất bấp bênh. Hơn nữa, nếu tính mức chênh lệch giữa thu-chi trong tháng, có tới 80% lao động ngành may có thu nhập thực tế dưới 5 triệu/tháng; trong đó có hơn 10% có mức chi lớn hơn mức thu.

Bà Kim Thu Hà, Giám đốc điều hành CDI, cho biết người lao động (NLĐ) ngành may chỉ có hai lựa chọn: Giảm chi tiêu tới mức tối đa và làm tăng ca tới kiệt sức. Lương thấp dẫn tới sự phụ thuộc vào giờ làm thêm, tiền thưởng, phụ cấp... Điều này có thể dẫn tới các hệ lụy như giảm năng suất, tăng tỉ lệ tai nạn lao động, phân biệt đối xử và cả những hệ lụy về mối quan hệ gia đình, giáo dục con cái, sức khỏe… Do đó, nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ là một yếu tố quan trọng, tiên quyết trong việc các bên xây dựng mức lương tối thiểu hằng năm.

Thu nhập của lao động ngành may: Chưa đủ sống - ảnh 1
 80% lao động ngành dệt may có thu nhập dưới 5 triệu/tháng (Ảnh minh họa).
Trong khi đó, theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và NLĐ trong doanh nghiệp, tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống NLĐ và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững
Đánh giá mức lương của NLĐ trong ngành dệt may hiện nay, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Trong những năm qua, ngành dệt may có tốc độ tăng trưởng cao, đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, NLĐ trong ngành dệt may có mức thu nhập thấp nhất và phải đối mặt với cuộc sống vô cùng khó khăn, bấp bênh, không đủ đảm bảo cho những nhu cầu cơ bản của người lao động. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ đình công trong ngành dệt may cao nhất cả nước (năm 2018 có 84 cuộc đình trong trong ngành dệt may, chiếm tỉ lệ 39,25%).
Lý giải về thực trạng này, bà Annabel Meurt, Quản lý chương trình Việt Nam của Fair Wear Foundation cho rằng, có nhiều nguyên dẫn đến việc NLĐ ngành may không được trả mức lương có thể đủ sống cho bản thân và gia đình. Cụ thể: Năng suất, thương lượng tập thể về lương chưa phát triển, hơn nữa ngành may là ngành có tính cạnh tranh toàn cầu, trách nhiệm bị phân mảnh do một nhãn hàng đặt hàng ở nhiều nhà máy hoặc một nhà máy sản xuất cho nhiều nhãn hàng. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng là các nhãn hàng chưa có trách nhiệm với vấn đề này, chi phí lao động không được đưa vào trong quá trình đàm phán về giá.
Do đó, hiện Fair Wear Foundation đang có nhiều nỗ lực thúc đẩy trách nhiệm trong việc đảm bảo mức lương đủ sống cho NLĐ tại các nhà máy thông qua các hoạt động đánh giá việc tuân thủ của cả nhãn hàng và nhà máy về lương đủ sống, xây dựng các công cụ tính toán chi phí lao động trong thực hành mua hàng và đàm phán về giá,... Đây là vấn đề của toàn chuỗi cung ứng, của cả chính phủ các nước chứ không phải chỉ là vấn đề của nhà máy sản xuất.
Bên cạnh đó, từ góc độ đại diện của cơ quan bảo vệ quyền lợi NLĐ, ông Lê Đình Quảng kiến nghị bên cạnh việc hoàn thiện chính sách pháp luật, cần xác định mức lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, bao gồm khoản tiết kiệm phòng rủi ro; tăng cường công tác kiểm tra giám sát; nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, khách hàng, nhãn hàng quốc tế, bảo đảm quyền cơ bản của chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của Công đoàn, tăng cường đối thoại, thương lượng về tiền lương.