Thủ tướng: Cần đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn

Đông Bắc 14:13 | 14/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu mỗi ngành, cấp cần lắng nghe tiếng nói, đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

  

Sáng 14/9, tại Trụ sở Chính phủ,  Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.

Trước khi bắt đầu, Thủ tướng và các đại biểu dành phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân tử vong trong vụ cháy tại Hà Nội và 7 nạn nhân tử vong do lũ quét tại Lào Cai.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết DNNN giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có gần 680 DNNN. Trong đó, có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chiếm gần 6% số doanh nghiệp cả nước và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, chiếm gần 2,4%.

680 DNNN nắm một lượng tài sản rất lớn hơn 3,8 triệu tỷ đồng. Riêng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với tổng vốn trên 1,55 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của toàn bộ doanh nghiệp cả nước.

 

  Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước. Ảnh VGP.

Thủ tướng nhận xét, doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt và là một lực lượng quan trọng của kinh tế Nhà nước. Họ nỗ lực, vượt khó khăn và vươn lên, góp phần phát triển kinh tế.

Tuy vậy, để lực lượng này thực sự dẫn dắt các thành phần kinh tế khác, lãnh đạo Chính phủ đề nghị làm rõ những khó khăn, điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách với khu vực doanh nghiệp này. Từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tại các doanh nghiệp nhà nước.

"Chúng ta phải lắng nghe, đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh", Thủ tướng nói.

Thực tế, việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của khu vực doanh nghiệp này sẽ góp phần triển khai các thỏa thuận giữa Việt Nam và các đối tác Trung Quốc, Mỹ. Cùng đó, đánh giá đúng vị thế, vai trò của doanh nghiệp nhà nước để xác định cải cách khu vực này phù hợp thực tế Việt Nam.

Nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp nhà nước ghi nhận doanh thu 580.490 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 8.195 tỷ. Riêng 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, đến tháng 8/2023 có tổng doanh thu 781.973 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 31.236 tỷ đồng. Các doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.000 tỷ đồng, như PVN, SCIC, ACV, Vinachem.

Về tình hình kinh tế xã hội, tình hình sản xuất, kinh doanh có nhiều tín hiệu tích cực. Sau nửa năm duy trì dưới 50 điểm, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã vượt ngưỡng này trong tháng 8 (50,5 điểm), thể hiện sản xuất phục hồi và mở rộng, đơn đặt hàng mới tăng trở lại.

Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, sức ép lạm phát, tăng trưởng gặp khó khăn khi thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp. Giải ngân vốn đầu tư công và việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm.

Trước bối cảnh này, Thủ tướng nhắc lại quan điểm điều hành thúc đẩy ba động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và vực dậy lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, tháo gỡ khó khăn thị trường, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng.

Thủ tướng Chính phủ nhắc các bộ, ngành sớm hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, và phát huy nguồn lực nhà nước dẫn dắt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Thể chế hoàn thiện trên tinh thần phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

"Tinh thần là mạnh dạn hơn nữa để tạo ra đột phá mới, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, không để trì trệ. Bởi, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng đề nghị ngành ngân hàng tháo gỡ nút thắt tín dụng, nguồn vốn cho khối doanh nghiệp nhà nước. Các cấp chính quyền định kỳ 3 tháng tổ chức gặp gỡ, đối thoại trên tình thần cầu thị, trách nhiệm, để lắng nghe những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, quá trình tái cơ cấu phải sát tình hình thực tế, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn.

Các doanh nghiệp Nhà nước cũng góp phần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, các ưu đãi cần thiết để phát triển nhanh, bền vững; chính sách khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.