Thủ tướng tham dự Hội nghị G20, tiếp nhiều nhà đầu tư Nhật Bản

18:47 | 30/06/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị G20 từ 28-29/6 tại thành phố Osaka, Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự phiên thảo luận chuyên đề về kinh tế số, phiên họp về đổi mới sáng tạo và tiếp nhiều nhà đầu tư Nhật Bản.
Thủ tướng tham dự Hội nghị G20, tiếp nhiều nhà đầu tư Nhật Bản - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên thứ nhất về Kinh tế toàn cầu, Thương mại và Đầu tư. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN 
 Khẳng định Việt Nam xác định kinh tế số là động lực quan trọng

Ngày 28/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo cấp cao các nước đã thông qua Tuyên bố Osaka về Kinh tế số; nhấn mạnh tiềm năng to lớn và tầm quan trọng của kinh tế số; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số, tranh thủ tối đa lợi ích của kinh tế số và các công nghệ mới nổi, đồng thời bảo đảm an ninh, an toàn trong kinh tế số.

Tại phiên họp chính thức đầu tiên của Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các nhà lãnh đạo thảo luận tình hình, triển vọng kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu. Các nhà lãnh đạo đánh giá kinh tế thế giới cơ bản ổn định, song tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro; khẳng định tiếp tục sử dụng, phối hợp các công cụ chính sách để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cân bằng và bao trùm, củng cố lòng tin, ngăn ngừa rủi ro bất ổn… Trong bối cảnh căng thẳng thương mại trên thế giới đang diễn biến phức tạp, lãnh đạo nhiều nước đề cao hợp tác quốc tế, kêu gọi chống chủ nghĩa bảo hộ, thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại và đầu tư, thúc đẩy cải cách WTO, duy trì và củng cố hệ thống thương mại đa phương; tăng cường hợp tác huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu…

Phát biểu tại phiên họp về Đổi mới sáng tạo vào chiều 28/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam xác định kinh tế số là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sẽ ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia vào cuối năm 2019.

Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về lưu chuyển tự do dữ liệu đi đôi với bảo đảm sự tin cậy; đề nghị cần có khuôn khổ pháp luật, quy tắc toàn cầu về lưu chuyển và quản trị dữ liệu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam và các nước ASEAN sẵn sàng hợp tác với các nước G20 khuyến khích đổi mới sáng tạo, tranh thủ tối đa lợi ích của kinh tế số, song vẫn bảo đảm tôn trọng luật pháp quốc tế và nội luật quốc gia.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng hoan nghênh cách tiếp cận của các nước G20 về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) lấy con người làm trung tâm; nhấn mạnh sáng tạo công nghệ mới trước hết phải vì con người và gìn giữ các giá trị đạo đức nhân văn tốt đẹp.

Yêu cầu tập đoàn Nhật Bản sử dụng công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường

Chiều 29/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo Tập đoàn JXTG, Marubeni, Ngân hàng J.Trust, là những doanh nghiệp Nhật Bản đã và sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

Tiếp Chủ tịch Tập đoàn Marubeni Kakinoki Masumi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Marubeni, một tập đoàn lớn của Nhật Bản, đã có các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam 70 năm qua.

Thủ tướng đề nghị tập đoàn tiếp tục đầu tư lâu dài tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, ngoài năng lượng, với công nghệ hiện đại nhất.

Ông Kakinoki Masumi, Chủ tịch Marubeni, cho biết hiện tập đoàn đang vận hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 vừa được khánh thành vào tháng 2/2019. Ngoài ra, tập đoàn đang triển khai Dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2 đúng tiến độ và sẽ hoàn thành vào năm 2020.

Tập đoàn cũng mong muốn đầu tư vào sản xuất điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng và đang lựa chọn các địa điểm để đề xuất với các cơ quan chức năng của Việt Nam.

Bên cạnh dự án hạ tầng và năng lượng, tập đoàn mong muốn tham gia đầu tư vào lĩnh vực khác tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực xử lý nước quy mô lớn; đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực phân phối, thương mại điện tử, thể thao, giải trí, chăm sóc sức khỏe, thành phố thông minh...

Chủ tịch Tập đoàn Marubeni cho biết Việt Nam là thị trường quan trọng hàng đầu, nên tập đoàn sẽ mang tất cả kinh nghiệm, công nghệ tốt nhất để đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là tuân thủ quy định Việt Nam, bảo vệ môi trường như yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng tham dự Hội nghị G20, tiếp nhiều nhà đầu tư Nhật Bản - ảnh 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Kakinoki Masumi, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Marubeni. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) 
Tiếp Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn JXTG, ông Tsutomu Sugimori, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sự hợp tác giữa Tập đoàn JXTG với Petrolimex trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và áp dụng các phương pháp quản trị tiên tiến, quản lý tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, và công nghệ hiện đại của Nhật Bản tại Petrolimex.

Ông Tsutomu Sugimori khẳng định JXTG sẽ hợp tác triển khai cùng Petrolimex với mục tiêu giúp Việt Nam đa dạng hóa chuỗi cung ứng xăng dầu, bảo đảm an ninh năng lượng. Qua đó, cung cấp cho thị trường Việt Nam các sản phẩm xăng dầu chất lượng theo tiêu chuẩn cao của nhà máy lọc dầu tại Nhật Bản, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn môi trường trong xu thế mới của Việt Nam, và mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Tiếp ông Nobiru Adachi, Chủ tịch Ngân hàng J.Trust, một ngân hàng lớn của Nhật Bản hoạt động tại nhiều quốc gia, Thủ tướng đánh giá cao kinh nghiệm, năng lực tài chính của J.Trust trong việc tái cấu trúc, khôi phục hoạt động của các tổ chức ngân hàng, tài chính yếu kém, gặp khó khăn về tài chính tại một số nước trong khu vực.

Đánh giá cao J.Trust muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng tại Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, quá trình tham gia phải phù hợp với các quy định pháp luật của Việt Nam. Thủ tướng đề nghị J.Trust khẩn trương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tiến hành các công việc cần thiết. Các đối tác tham gia vào quá trình tái cơ cấu các ngân hàng tại Việt Nam phải là những ngân hàng có tiềm lực tài chính, trình độ quản trị hiện đại, có phương án tái cấu trúc rõ ràng.

Thủ tướng hoan nghênh việc J.Trust mong muốn là cầu nối thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam và cho biết, Việt Nam đang phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, đây cũng là cơ hội cho các ngân hàng hoạt động tại Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.

Chủ tịch Ngân hàng J.Trust, ông Nobiru Adachi cho biết trọng tâm của ngân hàng là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đầu tư ra các nước. Tập đoàn mong muốn trở thành cầu nối đưa nhiều hơn doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào Việt Nam, bởi hiện các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất.

Hiện tập đoàn đang quan tâm đến thị trường tài chính, ngân hàng Việt Nam, mong muốn mang kinh nghiệm, thế mạnh tốt nhất của J.Trust để tham gia vào quá trình tái cơ cấu các ngân hàng tại Việt Nam./.