Thúc đẩy chất lượng xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc

16:22 | 28/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam. Xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam - Trung Quốc 9 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 9,8 tỉ USD, giảm 8,6% so với cùng kì năm trước.
Theo số liệu của hải quan Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,432 tỉ USD, chiếm 58% thị phần. Vị trí địa lý của 2 quốc gia láng giềng đã tạo lợi thế lớn cho rau quả Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc rộng lớn.
 

Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính

 

Ngoài ảnh hưởng bởi dịch bệnh, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc cũng gặp nhiều thách thức. Đơn cử là tiến trình trao đổi kĩ thuật, đánh giá rủi ro trong công tác mở cửa thị trường các sản phẩm rau quả thường kéo dài, hạn chế phát triển thương mại cho các sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
 
Các chính sách quản lí hoạt động biên mậu của Trung Quốc thay đổi linh hoạt tùy theo từng thời điểm, định hướng phát triển thương mại chính ngạch,… cũng gây khó khăn cho công tác xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc của Việt Nam.
 
Theo ông Lý Kiến Lương, Bí thư thứ nhất Lãnh sự thương mại, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP HCM, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả của Việt Nam cho thấy khả năng thích ứng nhanh chóng, mức tăng đều đặn của xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc về cơ bản vẫn được duy trì.
 
Tuy nhiên, phản hồi từ phía Hải quan Trung Quốc cho thấy, vẫn còn những vướng mắc về đăng kí vùng trồng, quản lí cơ sở đóng gói, kiểm tra kiểm soát và truy xuất nguồn gốc trong rau quả xuất khẩu của Việt Nam.
 
Thúc đẩy chất lượng xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc - ảnh 1
 
Ông Từ Trí, trợ lý tổng giám đốc quản lý chợ đầu mối rau quả Long Ngô (Thượng Hải, Trung Quốc), cho biết nhu cầu về trái cây chất lượng cao đang ngày càng tăng ở Trung Quốc. Đặc biệt, 9 loại trái cây VN được xuất khẩu qua đường chính ngạch rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng vì chất lượng và giá cạnh tranh. Riêng trong 7 tháng đầu năm, đã có 2,2 triệu tấn được nhập khẩu với kim ngạch 1,6 tỉ USD.
 
Theo ông Trí, do ảnh hưởng dịch bệnh, Chính phủ Trung Quốc đặt ra những yêu cầu khắt khe về quy định sản xuất, chế biến và đóng gói như tăng cường truy xuất vùng trồng, đóng gói nông sản, đặt ra tiêu chuẩn cao hơn cho các nhà máy trái cây nhập khẩu. Bởi vậy, chợ Long Ngô cũng đưa ra nhiều yêu cầu cao hơn với các nhà xuất nhập khẩu, trọng tâm là sản phẩm trái cây chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe.

Với chính sách ưu tiên nhập khẩu chính ngạch, chỉ có các loại rau quả được Trung Quốc cấp phép, có đăng ký mã số vùng trồng mới được nhập khẩu. Mức sống của người dân Trung Quốc được nâng cao, người tiêu dùng ngày càng đề cao chất lượng, tính an toàn của nông sản, thực phẩm. Do đó, Trung Quốc không còn là thị trường xuất khẩu dễ tính.
 
 

Đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu

 

Để tạo điều kiện cho việc xuất nhập khẩu nông sản giữa hai thị trường hai nước được khơi thông, ngày 27/10 tại TP HCM đã diễn ra "Hội thảo quốc tế trao đổi thông tin các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu rau quả Việt Nam-Trung Quốc".
 
Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan chức năng 2 nước đã tập trung phổ biến tới các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt các thay đổi chính sách, các qui định mới, biện pháp của Trung Quốc về tăng cường kiểm soát chất lượng, kiểm dịch rau quả nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc, đăng kí danh sách doanh nghiệp xuất khẩu rau quả, sản phẩm hoa quả chế biến sang thị trường Trung Quốc…
 
Thúc đẩy chất lượng xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc - ảnh 2
 
Qua đó, nâng cao năng lực thực thi và đáp ứng các qui định thị trường của hai bên, tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác, đầu tư liên kết trong chuỗi sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng các qui định của thị trường Trung Quốc, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, bền vững vì lợi ích chung của hai bên.
 
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ 16 thế giới và đứng thứ 2 trong khối ASEAN. Nhiều nông sản của Việt Nam giữ vị trí top đầu thế giới, đặc biệt là trái cây nhiệt đới. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
 
Mặc dù vậy, có một nghịch lý là nhiều chuỗi cung ứng trái cây của Việt Nam như thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, bưởi, dưa hấu... thực hành theo quy trình nông nghiệp sạch đã xuất khẩu đi nhiều quốc qua có tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản. Hàn Quốc... nhưng vẫn khó xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thông tin xuất khẩu rau quả vào thị trường Trung Quốc đang gặp khó khăn kép; trong đó, dịch COVID-19 bùng phát mạnh từ Trung Quốc khiến sức tiêu thụ của thị trường này giảm sút rõ rệt; cộng với việc thắt chặt chính sách kiểm soát xuất nhập khẩu biên mậu khiến rau quả Việt Nam khó vào hơn trước đây rất nhiều.

Tuy nhiên đây vẫn là thị trường có sức mua lớn và là điểm đến xuất khẩu hàng đầu của nông sản, rau quả Việt Nam, kể cả sau COVID-19. Chính vì vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, doanh nghiệp, người nông dân Việt Nam không còn cách nào khác là phải nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng tiêu chuẩn mà đối tác đặt ra
 
Phía Trung Quốc mong muốn hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác trong việc phổ biến thông tin, cập nhật các quy định, chính sách nhập khẩu mới của Trung Quốc và hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng các điều kiện để thúc đẩy hơn nữa việc xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc một cách ổn định, bền vững.
 
Việc hay đổi chính sách kiểm soát xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế là xu hướng tất yếu không chỉ tại thị trường Trung Quốc mà ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhằm đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp và các địa phương sản xuất nông sản xuất khẩu cần tăng cường phổ biến thông tin đến từng doanh nghiệp, hộ sản xuất để hiểu rõ, nâng cao năng lực thực thi và đáp ứng các quy định thị trường của hai bên, tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản.
 
 
Nguyễn Dung(t/h)