Thương chiến Mỹ - Trung và tác động đến Việt Nam

07:54 | 30/07/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Chiều 29/7, hội thảo nghiên cứu kinh tế Trung Quốc: “Thương chiến Mỹ - Trung và tác động với Việt Nam” được Trung tâm Nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Thương chiến Mỹ - Trung và tác động đến Việt Nam - ảnh 1
Nguồn: Internet. 
Đừng nghĩ Mỹ ở thế thượng phong

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện nay, đừng nghĩ rằng Mỹ ở thế thượng phong và Trung Quốc cần lắm một thỏa thuận thương mại để bắt ép Trung Quốc. Cả Mỹ và Trung Quốc đều phải cùng xuống thang mới có thể đi đến một thỏa thuận thương mại.

Theo ông Thịnh, chỉ cần sau khi xảy ra chiến tranh thương mại 6 tháng đến 1 năm, nhiều vấn đề sẽ nảy sinh. Phía yếu sẽ mạnh lên và chính nền kinh tế vốn cứ nghĩ là mạnh có thể gặp vấn đề, thậm chí đồng tiền mất giá, dẫn đến sự trì trệ trong sản xuất kinh doanh, tăng trưởng.

“Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã kéo dài 1 năm, Trung Quốc đã có đủ thời gian bình tĩnh nhìn lại nền kinh tế của họ, nhận thức được tác động của thương chiến đối với nền kinh tế của họ đến đâu. Cho nên, đến giờ, suy nghĩ và hành xử của Trung Quốc đã ở thế khác, họ dứt khoát phải đòi phía Mỹ cũng phải có nhượng bộ khi đàm phán", ông Thịnh nói.

Đây cũng là lý do tại sao không nên hy vọng cuộc đàm phán vào ngày 30/7 giữa hai nền kinh tế Mỹ, Trung sẽ có một kết quả khả quan. Các vấn đề được đưa ra có thể chỉ là bước đi để hai bên hiểu nhau hơn về vị thế, yêu cầu và các vấn đề mang tính thực tế, để từ đó đưa ra các điều khoản liên quan đến thỏa thuận thương mại giữa hai nước.

Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) cũng khẳng định: Trong năm 2019, khó có thể mong chờ về một kết thúc cho chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Bởi vì Trung Quốc vẫn còn chờ đợi sự thay đổi trên chính trường Mỹ để có thể quyết định về các vấn đề thương mại tiếp sau.

Chưa đủ cơ sở về sự dịch chuyển FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam

Bàn về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tới Việt Nam, ông Trần Toàn Thắng cho rằng: Tăng trưởng GDP dưới tác động của chiến tranh thương mại từ năm 2020 đến hết năm 2022 được dự báo sẽ lần lượt sụt giảm 0,4%; 0,36% và 0,29%.

Mức sụt giảm với xuất khẩu hàng hoá dịch vụ ở mức 0,89%; 0,91% và 0,82%. Tỉ giá tiền đồng Việt Nam được cho là sẽ tác động không nhiều, mức tác động sụt giảm ước lần lượt là 0,57%; 0,52% và 0,38%. Điều này đồng nghĩa với việc tỉ giá của tiền đồng Việt Nam sẽ không chịu nhiều tác động.

Cũng theo ông Thắng, hiện chưa có đủ cơ sở để khẳng định FDI đang thực sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Thương chiến Mỹ - Trung và tác động đến Việt Nam - ảnh 2
Chưa đủ cơ sở về sự dịch chuyển FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nguồn: Internet.
“Cho dù hàng loạt thông tin trên báo chí về doanh nghiệp này doanh nghiệp khác chuyển sản xuất sang Việt Nam, nhưng thực tế chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa thực sự gây ra tác động đủ lớn để doanh nghiệp phải đưa ra quyết định chuyển sản xuất thực sự, sẽ phải chờ đến năm 2020 và năm 2021 để có thể nói xu thế dịch chuyển FDI có thực sự diễn ra hay không”, ông Thắng nói.

Theo Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm NCIF, để cạnh tranh giành dòng vốn FDI, Việt Nam có nhiều đối thủ lớn như Indonesia, Malaysia vốn cũng có rất nhiều lợi thế.

Tuy nhiên, có không ít nhóm ngành của Việt Nam sẽ hưởng lợi từ chiến tranh thương mại nếu cuộc chiến căng thẳng hơn. Cụ thể là nhóm doanh nghiệp cung cấp sản phẩm cá, giáp xác, thân mềm thủy sinh thuộc nhóm nông lâm thủy sản; nhóm doanh nghiệp chế phẩm từ thịt cá gay động vật giáp xác, nhóm doanh nghiệp cung cấp phế liệu thực phẩm, thức ăn gia súc đã chế biến thuộc nhóm thực phẩm chế biến; nhóm doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm nhựa thuộc nhóm hoá chất và nhựa; nhóm doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và mặt hàng bằng gỗ, than từ gỗ thuộc nhóm gỗ và các sản phẩm liên quan…