Thương vụ TikTok: Tranh cãi về người 'cầm cái', bỗng xuất hiện tỷ phú người Nhật Bản

18:35 | 25/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mỹ và Trung Quốc đều đang tranh nhau quyền kiểm soát đối với TikTok Global - công ty sẽ điều hành mạng xã hội này ở Mỹ. Nhưng vị lãnh đạo tin đồn mới xuất hiện lại mang quốc tịch của nước thứ ba.
Chỉ còn 2 ngày nữa là số phận của mạng xã hội đình đám TikTok tại Mỹ sẽ được quyết định. Công ty ByteDance của Trung Quốc - chủ sở hữu TikTok và tập đoàn Oracle cùng Walmart của Mỹ đang trong quá trình đàm phán căng thẳng. Gần như chắc chắn rằng 3 bên sẽ thành lập một doanh nghiệp mới tên là TikTok Global để điều hành hoạt động của TikTok tại thị trường Mỹ với 100 triệu người dùng. 

Các vấn đề nóng nhất hiện nay bao gồm: Tỷ lệ phân chia cổ phần sẽ ra sao? Ai sẽ lãnh đạo TikTok Global? Bên Mỹ có được xem mã nguồn thuật toán của TikTok không? Washington và Bắc Kinh liệu sẽ chấp nhận thỏa thuận?

Rõ ràng mỗi bên đều đều đang cố gắng hết sức có thể để nắm được quyền kiểm soát của TikTok Global. Vậy nên những chiếc ghế trong hội đồng quản trị của TikTok Global sẽ thuộc về ai là vấn đề vô cùng gây tò mò. 

Rất nhiều tin đồn đã lan truyền trong nhiều ngày qua. Theo đó, những cái tên sau gần như đã “chắc suất” trong ban lãnh đạo gồm có: Ông Trương Nhất Minh - đồng sáng lập và chủ của công ty mẹ ByteDance, Doug McMillon - Giám đốc điều hành Walmart và một đại diện từ Oracle chưa rõ là ai. Doug McMillon cũng rất có tiềm năng sẽ là giám đốc điều hành của công ty mới. Các nhà đầu tư của ByteDance là General Atlantic và Sequoia Capital (đều là công ty của Mỹ) có thể cũng sẽ tham gia. Chủ tịch Oracle Larry Ellison từng cho biết 4/5 thành viên hội đồng quản trị của TikTok sẽ là người Mỹ.

Trang Fox Business vừa tiết lộ thêm một nhân vật có thể ngồi vào ghế lãnh đạo TikTok Global nữa khiến dư luận không khỏi bất ngờ. Đó là tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son, Chủ tịch kiêm CEO SoftBank - tập đoàn viễn thông lớn nhất đất nước mặt trời mọc. Vị trí không thuộc Mỹ, cũng không thuộc Trung Quốc của ông có thể là lựa chọn “điều hòa” trung lập cho cuộc cạnh tranh đang căng thẳng. 
 
Thương vụ TikTok: Tranh cãi về người 'cầm cái', bỗng xuất hiện tỷ phú người Nhật Bản - ảnh 1
Tỷ phú Masayoshi Son - nhân vật xuất hiện bất ngờ vào phút gần cuối của thương vụ TikTok cùng Tổng thống Trump
 
SoftBank không bất ngờ xuất hiện mà vốn từ lâu đã có nhiều liên hệ đầu tư với ByteDance nói chung và TikTok nói riêng. Tập đoàn này đang sở hữu một phần cổ phiếu tại ByteDance Trung Quốc. Năm 2018, SoftBank đã gián tiếp qua một quỹ đầu tư đổ 3 tỷ USD vào ByteDance. Người từng giữ vị trí giàu nhất Nhật Bản còn từng bày tỏ mong muốn thâu tóm tài sản của TikTok tại Ấn Độ nhưng chưa thực hiện được. Hiện cũng chưa rõ kế hoạch của SoftBank sẽ là mua mới cổ phiếu của TikTok Global hay là chuyển đầu tư hiện tại ở ByteDance vào.

SoftBank là tập đoàn chuyên viễn thông nhưng Masayoshi Son cũng là một nhà đầu tư nổi tiếng với Quỹ đầu tư Vision Fund. Doanh nghiệp của vị tỷ phú 63 tuổi này hiện đang nắm giữ cổ phần ở cả Amazon, Tesla, Netflix và Alphabet. Tập đoàn của ông đã đầu tư tổng cộng 3,9 tỷ USD vào các công ty này.

Đại diện các công ty đều chưa có bình luận về việc này.
 
Thương vụ TikTok: Tranh cãi về người 'cầm cái', bỗng xuất hiện tỷ phú người Nhật Bản - ảnh 2
27/9 là hạn cho 3 công ty đàm phán thỏa thuận, sau đó còn phải đợi Washington và Bắc Kinh đồng ý
 
Trong một diễn biến khác, theo NYTimes, TikTok vừa có hành động “vùng vẫy” trước tình thế khó khăn đủ đường. Công ty Trung Quốc đã đệ đơn lên Tòa án Liên bang Quận Columbia để yêu cầu thẩm phán ra một phán quyết sơ bộ chặn quy định gỡ TikTok ra khỏi cửa hàng Google Play và App Store vào chủ nhật (27/9) tới. Còn theo Bloomberg, ở quê nhà ByteDance đang thực hiện xin phép chính phủ Trung Quốc để được xuất khẩu công nghệ của mình. Quy định mới của Bắc Kinh ban hành vào tháng 8 không cho phép xuất khẩu các công nghệ như thuật toán mã nguồn TikTok.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng tuyên bố nếu TikTok Global không do người Mỹ kiểm soát thì ông sẽ không đồng ý thỏa thuận. Bên phía Bắc Kinh cũng có phản ứng phản đối, cáo buộc hành động của Mỹ là “bắt nạt” phi lý.
 
Kim Chi