Tiêu thụ bia sụt giảm mạnh, hai ‘ông lớn’ Habeco (BHN) và Sabeco (SAB) hiện kinh doanh ra sao?

Trang Mai 17:19 | 02/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù cùng sụt giảm trong kết quả kinh doanh dưới tác động tiêu cực từ nền kinh tế, thế nhưng Habeco và Sabeco vẫn có được nguồn thu lớn từ lãi tiền gửi, qua đó hỗ trợ phần nào lợi nhuận.

Đồng loạt sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã: BHN) cho thấy kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có sự giảm sút mạnh. 

Theo đó, Habeco ghi nhận doanh thu thuần gần 2.260 tỷ đồng và 107 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm lần lượt 7% và 56% so với cùng kỳ.

Kết quả kém khả quan đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi sa sút với biên lãi gộp giảm từ mức 29% cùng kỳ còn 26%, cùng với đó là gánh nặng chi phí bán hàng và chi phí quản lý. Tuy nhiên vẫn còn “điểm sáng” là lãi tiền gửi, tiền cho vay giúp doanh thu hoạt động tài chính tăng 75%, lên 59 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Habeco ghi nhận doanh thu thuần 5.511 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 291 tỷ đồng, giảm tương ứng 7% và 39% so với cùng kỳ; thực hiện được 75% kế hoạch doanh thu nhưng vượt 31% mục tiêu lợi nhuận năm.

Không chỉ Habeco, các công ty con cũng cho thấy bức tranh ảm đạm tương tự. Điển hình như tại CTCP Habeco - Hải Phòng (mã: HBH) ghi nhận lãi sau thuế là 736 triệu đồng trong quý III, giảm 75% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Habeco - Hải Phòng giảm 29% xuống còn 130 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, Công ty báo lỗ hơn 9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 4 tỷ đồng.

Bia Hà Nội - Hải Dương cũng giảm 1/3 lợi nhuận 9 tháng so với cùng kỳ, xuống chỉ còn 7 tỷ đồng...

Đối thủ lớn của Habeco là CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB) cũng cho thấy tình hình kinh doanh không mấy khả quan với sự sụt giảm mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận.

Trong quý III, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.415 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ và lãi sau thuế 1.074 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ.

9 tháng đầu năm, Sabeco ghi nhận lãi sau thuế 3.288 tỷ đồng, giảm 26%. Năm 2023, Sabeco đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần 40.272 tỷ đồng, tăng 15,1% và lợi nhuận sau thuế dự kiến 5.775 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, Sabeco đã hoàn thành 57% so với kế hoạch lợi nhuận năm.

Những đơn vị còn lại cũng đồng loạt giảm lãi mạnh, đơn cử Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi giảm đến 55% lợi nhuận sau thuế sau 9 tháng, chỉ còn 78 tỷ đồng), Bia Sài Gòn - Sông Lam giảm 45% xuống còn 22 tỷ,...

Doanh số bán bia giảm 10 - 20% và giá nguyên vật liệu tăng đến 50%. 

Giải trình về kết quả giảm sút, nhìn chung 2 doanh nghiệp đều cho rằng do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các hãng bia. Bên cạnh đó là nhu cầu tiêu dùng thấp trong khi chi phí đầu vào, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng khiến cho doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp giảm sâu.

Theo dữ liệu của Kirin Holdings (một CTCP bia và đồ uống của Nhật Bản), bia là một trong những thức uống được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới với 177 triệu kilô lít trong năm 2020 và Việt Nam xếp thứ 9 thế giới về mức tiêu thụ bia với hơn 4 triệu kilô lít, chiếm 2,2% toàn cầu. Nhưng kể từ sau đại dịch, không riêng Habeco và Sabeco mà các nhà sản xuất bia lớn như Heineken và Carlsberg đều ghi nhận sụt giảm đáng kể trong doanh số bán hàng, đặc biệt tại thị trường Việt Nam.

Giám đốc điều hành Heineken, ông Dolf van den Brink, Heineken cho biết đang trải qua sự suy giảm 5,6% lượng bán bia trong nửa đầu năm 2023, bởi suy thoái kinh tế ở Việt Nam - một trong những thị trường lớn nhất của Heineken. "Chúng tôi đang phải đối mặt với tình hình suy thoái kinh tế mạnh mẽ tại thị trường quan trọng của chúng tôi, đó là Việt Nam", ông Dolf nói.

Phía Carlsberg, đại diện là ông Cees't Hart, cũng nhấn mạnh thị trường bia Việt Nam giảm 6% trong quý II do suy thoái kinh tế.

Chủ tịch Hiệp hội Nước giải khát Bia Rượu Việt Nam: "Ngành công nghiệp đồ uống của Việt Nam hiện đang trong giai đoạn rất khó khăn. Doanh số bán bia giảm 10 - 20% và giá nguyên vật liệu tăng đến 50%. Hiệp hội đã đề nghị Chính phủ trì hoãn việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống”.

Doanh thu tài chính bù đắp lợi nhuận

Tuy sụt giảm trong kết quả kinh doanh, nhưng 2 đơn vị này lại được “bù đắp” bởi lãi tiền gửi ngân hàng. 

Tại ngày 30/9/2023, Habeco có tổng tài sản 7.560 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Sự gia tăng tới từ tiền gửi có kỳ hạn với 3.545 tỷ đồng, tăng 17%. Trong 9 tháng, khoản tiền gửi mang về 160 tỷ tiền lãi, tăng 86% so với đầu năm. 

Về phía Sabeco có sự điều chỉnh giảm nhẹ 3% tổng tài sản so với đầu năm, xuống 33.426 tỷ đồng. Trong đó, tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 22.389 tỷ đồng, chiếm 67% tổng tài sản. Trong 9 tháng, khoản tiền gửi đã mang về cho doanh nghiệp 1.052 tỷ đồng tiền lãi, tăng hơn 300 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản tiền này cũng tương đương ⅓ lãi sau thuế của doanh nghiệp trong 3 quý. 

Quý IV thường là thời gian cao điểm của ngành bia Việt với loạt hoạt động tiệc tùng, tri ân… cuối năm và kéo dài sang Tết Nguyên Đán 2024. Song dưới tác động của suy thoái, người dân tiết kiệm chi tiêu, hoạt động quảng bá các doanh nghiệp trong ngành cũng bị hạn chế,... là những thách thức với toàn ngành trong thời gian tới.