Tín hiệu tích cực từ thị trường chứng khoán và nhóm cổ phiếu được kỳ vọng tăng trưởng

Văn Giáp 11:25 | 05/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các yếu tố cơ bản của thị trường chứng khoán Việt Nam đang được cải thiện, dòng tiền nhà đầu tư trong nước quay trở lại và khối ngoại cũng đang ở vị thế mua ròng cho thấy những tín hiệu tích cực với thị trường chứng khoán.

Trong xu hướng chung đó, nhiều nhóm ngành được nhận định sẽ được hưởng lợi.

Nhóm cổ phiếu được kỳ vọng tăng trưởng những tháng cuối năm. Ảnh minh họa: CTV

Tín hiệu tích cực

Kể từ khi tạo đáy vào giữa tháng 7, chỉ số VN-Index đã củng cố xu hướng hồi phục trong tháng 8 và đóng cửa ở mức 1.282,6 điểm, tăng 6,3% so với đầu tháng, và chỉ còn giảm 14,4% so với đầu năm.

Giá trị giao dịch bình quân của ba sàn tăng 35,7% so với tháng trước, nhưng mức này vẫn giảm tới 36,1% so với cùng kỳ. Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân phiên toàn thị trường đạt 18.560 tỷ đồng; trong đó, giá trị giao dịch trên HOSE đạt 15.795 tỷ đồng/phiên, tăng 35,6% so với tháng trước; giá trị giao dịch trên HNX đạt 1.826 tỷ đồng/phiên, tăng 41,9% so với tháng trước; giá trị giao dịch trên UPCOM đạt 939 tỷ đồng/phiên, tăng 26,5% so với tháng trước. Đáng chú ý, khối ngoại chuyển vị thế từ bán ròng sang mua ròng, với giá trị mua ròng đạt 1.661 tỷ đồng trong tháng 8.

Các yếu tố cơ bản của thị trường chứng khoán đang cải thiện. Yếu tố xúc tác bên ngoài đang chuyển biến tích cực hơn với lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt và kỳ vọng của thị trường về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đã qua đỉnh điểm.

Trong nước, Việt Nam có thể ghi nhận tăng trưởng GDP rất cao trong quý III/2022 so với mức thấp của cùng kỳ 2021. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuẩn bị nâng trần tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại vào cuối quý III này.

Bên cạnh đó, giao dịch T+2 chính thức được triển khai vào ngày 29/8/2022. Các yếu tố trên sẽ hỗ trợ cho triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 9/2022.

Thị trường điều chỉnh có thể mở ra cơ hội tốt để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. VNDIRECT cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể phải đối mặt với một đợt điều chỉnh ngắn hạn trong tháng 9 khi VN-Index đang tiến tới vùng kháng cự mạnh 1.300 - 1.330 điểm.

Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản của thị trường đang được cải thiện, do đó VNDIRECT nhìn nhận sự điều chỉnh này tạo ra “cơ hội giải ngân tốt” cho các nhà đầu tư để xây dựng danh mục cho quý IV/2022 và năm 2023.

Nhóm cổ phiếu nào hưởng lợi?

Chứng khoán VNDIRECT hướng sự quan tâm đến nhóm du lịch và giải trí, công nghiệp, ô tô, bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, ngân hàng. Dự báo các ngành này sẽ tăng trưởng trở lại mạnh mẽ trong quý III/2022 khi nền kinh tế bước vào "trạng thái bình thường mới".

Ngoài ra, Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng trần tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại từ từ cuối quý III/2022 và thông tin này sẽ hỗ trợ cho thị trường cũng như nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Theo quan điểm của Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, giá cả hàng hóa hạ nhiệt góp phần giảm áp lực lạm phát và nới rộng biên lợi nhuận của các nhà sản xuất trong 6 tháng cuối năm 2022.

Giá nhiều mặt hàng chủ chốt, bao gồm năng lượng (trừ khí đốt tự nhiên và than đá - Việt Nam đã có sự tự chủ nhất định về nguồn cung) và nông sản, đang giảm dần sau một thời gian dài tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022.

Điều này đã trực tiếp làm giảm chi phí của các nhà sản xuất và công ty xây dựng. Đồng thời, việc hạ nhiệt này được kỳ vọng tiếp tục giúp giảm áp lực lạm phát trong tương lai.

Do đó các nhà sản xuất và các công ty xây dựng sẽ có cơ hội cải thiện biên lợi nhuận và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của mình trong tương lai, đặc biệt là đối với các ngành có tỷ suất lợi nhuận nhỏ như ngành xây dựng.

Thương mại quốc tế chậm lại, nhưng dự kiến sẽ phục hồi nhanh chóng do hạn hán kỷ lục đang xảy ra trên toàn cầu, dẫn đến tình trạng khan hiếm lương thực và các hàng hóa khác trong tương lai.

Đáng chú ý, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam muốn nhấn mạnh triển vọng lớn của ngành F&B (dịch vụ nhà hàng và quầy uống), đặc biệt là ngành chăn nuôi và sản phẩm nông nghiệp, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự tăng giá nguyên liệu (đầu vào), giá dầu và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do lệnh phong tỏa vì dịch COVID-19 của Trung Quốc.

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam tin rằng ngành F&B sẽ sớm nới rộng biên lợi nhuận do giá nhiên liệu và nguyên liệu đầu vào đang hạ nhiệt và nhu cầu nhập khẩu thực phẩm trên thế giới sẽ tăng cao trong tương lai.

Các ngành F&B, đặc biệt là các doanh nghiệp F&B xuất khẩu và hóa chất sẽ được hưởng lợi trong nửa cuối năm 2022, với tình trạng hạn hán kỷ lục xảy ra trên khắp thế giới, bao gồm cả Trung Quốc, dẫn đến nhu cầu về lương thực và các mặt hàng khác, chẳng hạn như đường, cao su và cà phê.

Ngoài ra, ngành phân bón và  hóa chất nông nghiệp sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tích cực trong 6 tháng cuối năm 2022. Cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên gần đây ở châu Âu và việc áp hạn ngạch xuất khẩu phốt phát gần đây của Trung Quốc, bắt đầu vào tháng 7 năm nay để hạn chế xuất khẩu phân bón, đang đẩy giá phân bón toàn cầu tăng cao.

Liên quan đến cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên, công ty dự báo, phân tích thị trường uy tín quốc tế Argus cho biết, chi phí nguyên liệu cho châu Âu và các nhà máy phân bón (phân đạm, phụ thuộc vào khí LNG) đã đẩy lên mức cao trong vài tuần gần đây. Vì vậy, một số nhà máy ở châu Âu đang cân nhắc ngừng hoạt động, do chi phí đầu vào tăng quá nhanh.

Ngoài ra, theo Argus, thị trường sắp tới sẽ tiếp tục chứng kiến một đợt tăng giá phân bón nữa, do các nhà nhập khẩu ở hầu hết các thị trường hiện đang không nhập khẩu đủ để bù cho lượng thiếu hụt.

Theo Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, việc tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng GDP, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút FDI từ quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu, được kỳ vọng mang lại tăng trưởng lớn cho ngành xây dựng và xây dựng cao tốc & đường sắt.

Xây dựng và xây dựng cao tốc & đường sắt sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ các hoạt động đầu tư công đang diễn ra, được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận cao cho cả năm 2022; trong bối cảnh mức giải ngân đầu tư công trong 7 tháng năm 2022 ước tính chỉ đạt 32,8% kế hoạch của Chính phủ. Vì vậy, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam kỳ vọng việc giải ngân sẽ diễn ra mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong bốn tháng cuối năm 2022.

Đối với ngành năng lượng, giá dầu và khí đốt cao vẫn duy trì ở mức cao kể từ đầu năm 2022, đây cũng chính là yếu tố chính giải thích cho sự tăng trưởng mạnh của ngành.

Tuy nhiên, lợi nhuận tăng đột biến chỉ xuất hiện ở một số công ty đầu ngành như Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR) và Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (mã chứng khoán: GAS). Việc giá dầu tiếp tục duy trì trên mức hòa vốn sản xuất của Việt Nam, xấp xỉ 60 USD/ thùng,  cùng với kỳ vọng vào dự án điện khí Lô B - Ô Môn, có tổng mức đầu tư kỳ vọng hơn 10 tỷ USD sẽ giúp lợi nhuận của các công ty còn lại trong ngành năng lượng, đặc biệt là lĩnh vực thăm dò & khai thác sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2022.

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất dự kiến tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2022 (với mục tiêu ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát) sẽ tác động đến các ngành/công ty sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao. Đối với ngành hàng không thuộc vị trí dẫn đầu về tỷ lệ này là không quá bất ngờ, cũng như cho thấy sự rủi ro, vì ngành này đã ghi nhận thua lỗ lớn trong hai năm qua.

Do đó các công ty hàng không cần được tái cấp vốn, đồng nghĩa với việc sử dụng nhiều nợ hơn để đảm bảo nguồn vốn lưu động. Tuy nhiên, nhìn về tương lai, với sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động du lịch và lữ hành trong nước, rủi ro đòn bẩy của ngành hàng không vẫn trong tầm kiểm soát.

Nhờ nền kinh tế phục hồi, nhu cầu vốn hiện đang rất cao, đến từ cả nhóm khách hàng doanh nghiệp và cá nhân trong 6 tháng đầu năm, điều này đã thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lên mức 9,35% so với đầu năm.Vì vậy, việc tỷ lệ nợ tăng nhẹ của các công ty nhìn chung là hợp lý.

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam ghi nhận sự gia tăng nhẹ tỷ lệ nợ của các ngành ô tô và linh kiện, thép, vật liệu, công ty thương mại và nhà phân phối, vận tải đường bộ, vật liệu xây dựng cơ bản, thiết bị gia dụng và nội thất gia đình, sản phẩm và bao bì giấy, dịch vụ tiêu dùng.

Đối với lĩnh vực bất động sản, mức đòn bẩy tổng thể tăng đáng kể, từ 62% trong năm 2021 lên 81% trong 6 tháng năm 2022. Tuy nhiên, lưu ý rằng chỉ đa phần các nhà phát triển bất động sản dân dụng mới có mức gia tăng đáng kể tỷ lệ đòn bẩy, trong khi các nhà phát triển khu công nghiệp duy trì mức đòn bẩy thấp hơn rất nhiều, thậm chí tại một số công ty, tỷ lệ này thấp hơn mức trung bình rất nhiều.

Do đó nhìn chung, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam lạc quan về các công ty liên quan tới việc phát triển khu công nghiệp, xét về sức khỏe tài chính, cũng như tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh giải ngân vốn FDI trong 7 tháng năm 2022 đã đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, trong 7 tháng năm 2022, lĩnh vực sản xuất là lĩnh vực thu hút nhiều nhất vốn FDI, chiếm 72% tổng vốn FDI đăng ký, tiếp theo là lĩnh vực bất động sản chiếm xấp xỉ 16%. Điều này cho thấy sự quan tâm và tin tưởng lớn của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam.