TMĐT không “đốt tiền”, còn cả một sân chơi rất lớn phục vụ 80 triệu dân đang bỏ ngỏ
Ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc đối ngoại cao cấp Tiki miền Bắc nhận định TMĐT không "đốt tiền", khu vực nông thôn sẽ cất cánh trong 10 năm tới….
Ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc đối ngoại cao cấp Tiki miền Bắc.
Sân chơi lớn 80 triệu dân
Chia sẻ về tiềm năng phát triển 10 năm tới của TMĐT tại Việt Nam, ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc đối ngoại cao cấp Tiki miền Bắc (nguyên Tổng Giám đốc Vinfast service, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty viễn thông Viettel) cho biết giai đoạn 2020-2030 sẽ diễn ra sự biến đổi nhanh chóng về công nghệ cũng như kinh tế số. Nếu như trước kia, mọi người nói về thị trường ngách thì hiện nay, đã xuất hiện tới thị trường khe, không còn chỉ là thị trường ngách nữa.
Trong bức tranh chung của TMĐT hiện nay, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM chỉ chiếm hơn 16% dân số cả nước nhưng lại chiếm 80% doanh thu của thị trường TMĐT. Tốc độ tăng trưởng ở hai thành phố này các năm đều hơn 20%, nhưng số còn lại 80% dân số ở khu vực nông thôn – những người khó khăn, nghèo khổ, kinh tế thu nhập thấp lại đang không được tiếp cận nhiều thị trường TMĐT.
“Người dân khu vực nông thôn hiện nay đang phải chịu mua bán hàng giả: xà phòng giả, nước mắm giả, bia giả và hầu như tất cả những người nghèo đang phải dùng những thứ giả và bệnh tật sinh ra từ đó. Bởi vậy, chiến lược cho 10 năm của các doanh nghiệp Việt hoạt động trên lĩnh vực TMĐT còn cả một sân rất lớn là 80 triệu dân. Doanh nghiệp có thể làm tốt hơn tất cả những gì mình đang phô diễn với xã hội, trên lĩnh vực đầy tiềm năng này”, ông Quyền nói.
Giám đốc đối ngoại cao cấp Tiki miền Bắc phân tích: Những doanh nghiệp lớn tại Việt Nam chiến ưu thế về BĐS, khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên và những lĩnh vực này không phải là cuộc chơi của các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, hoặc doanh nghiệp truyền thống.
10 năm nữa, những tinh túy nhất của thế giới đều đổ về thành phố, sự tiếp nhận của nông thôn sẽ chậm hơn 10 năm đến 20 năm so với các thành phố lớn. Điều này thêm một lần khẳng định TMĐT đối với các doang nghiệp có sản phẩm xuất sắc vẫn là thị trường tiềm năng.
Với chính sách của Chính phủ ban hành tạo điều kiện cho TMĐT phát triển, trong đó có chính sách cho các vùng nông thôn, trong sự phối hợp ngày một tốt hơn giữa ngân hàng, viễn thông, các bộ, ngành sẽ giúp cho thị trường TMĐT khu vực nông thôn cất cánh. Hơn 80 triệu người dân ở khu vực nông thôn hoàn toàn có thể tiếp cận được với sản phẩm tốt nhất.
Đáng chú ý, việc Bộ Công an sẽ sắp xếp, đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để quản lý cư trú bằng số hóa, bỏ sổ hộ khẩu giấy từ 1/7/2021 sẽ tạo ra một dữ liệu tích hợp khổng lồ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho TMĐT khu vực nông thôn cất cánh.
Giải pháp từ nền tảng thanh toán và câu chuyện xuất xứ hàng hóa
Đồng ý với nhận định thị trường TMĐT tại Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng thanh toán trực tuyến vẫn trong tình trạng “rùa bò”, ông Hoàng Quốc Quyền nhấn mạnh: "Một số nước rất thành công bởi Mobile Money vì đây là ví điện tử liên kết với ngân hàng. ViettelPay, VinaPay và một số ví điện tử khác đã ra đời tại Việt Nam, qua đó, hỗ trợ người dân mua bán thanh toán trên TMĐT chỉ cần qua chiếc điện thoại thông dụng của mình. Điều này đã và đang giải quyết được câu chuyện thanh toán, câu chuyện liên kết giữa TMĐT với ngân hàng. Mỗi một người dân có điện thoại di động được đào tạo, huấn luyện, họ hoàn toàn có thể đưa các sản phẩm của họ lên trên các sàn và rất tự nhiên, họ trở thành một phần trong mạng lưới kết nối".
“Tôi nghĩ mạng lưới kết nối là quan trọng nhất. Sự tăng trưởng của các công ty logistics sẽ kéo theo một loạt khu vực nông thôn tăng trưởng nếu như được đầu tư đúng nghĩa và đồng bộ giữa ngân hàng, nhà mạng, các doanh nghiệp về TMĐT, doanh nghiệp về logistics. Chính quyền các cấp nhiệm kỳ mới sẽ rất quan tâm tới hệ thống tiện ích này vì đây là câu chuyện về cách mạng công nghiệp 4.0, về kinh tế số, kinh tế chia sẻ. Hiện có rất nhiều sản phẩm chất lượng không được phổ quát trên toàn quốc, thì với mobile và các ứng dụng thông minh, người dân khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa hoàn toàn có thể đưa được sản phẩm có chất lượng của mình lên sàn”, Giám đốc đối ngoại cao cấp Tiki miền Bắc khẳng định.
Ảnh minh họa.
Trả lời câu hỏi về việc làm thế nào có thể “kích hoạt” 80 triệu dân khu vực nông thôn tham gia sân chơi lớn TMĐT, trong khi dân trí nơi này thấp hơn rất nhiều khu vực thành phố, ông Quyền cho rằng trong thị trường này, chỉ cần “kích hoạt” được 30 triệu dân đã là tốt rồi. Đây là những người sống ở thị trấn, thị tứ, các thủ phủ của các huyện, các tỉnh, tức là đơn vị hoạt động trên lĩnh vực TMĐT phải biết cách phân lớp các đối tượng ra để theo dõi. Ví dụ như giáo viên, bộ đội là một trong số những đối tượng tiềm năng, nhưng hiện họ chưa sử dụng và tiếp cận được nhiều thị trường TMĐT.
Cần khai mở những người có trí thức trước và đơn vị đóng vai trò quan trọng cho sự khai mở này là doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng, các doanh nghiệp TMĐT và quan trọng đặc biệt chính là sự vào cuộc của chính quyền. Qua đó sẽ kết nối và giải quyết được bài toán hàng thật, hàng giả, hàng nhái khu vực nông thôn.
Không đồng tình với nhận định cho rằng các dịch vụ TMĐT chưa chú trọng phát triển tại các vùng nông thôn có thể là do quy mô chưa đủ tầm để tiến đến một thị trường quá rộng, ông Quyền cho rằng TMĐT không “đốt tiền”: “Tôi cho rằng là do thói quen. Cứ tưởng tượng lớp thanh niên từ nông thôn lên thành phố, do điều kiện làm việc văn phòng, ngại đi lại do tắc đường cũng như một loạt vấn đề khác nên họ thích nghi nhanh với TMĐT. Còn ở nông thôn, thói quen đi chợ, ra các cửa hàng, thậm chí ra mua chịu vẫn được. Khi giải quyết được nền tảng thanh toán thì tôi nghĩ sẽ chuyển biến được rất nhiều thứ từ thị trường này”.
Theo ông Quyền, nếu người dân cảm thấy TMĐT mang lại lợi ích chính đáng cho họ, thực sự giải quyết được câu chuyện độ tin tưởng và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa thì nó sẽ tự phát triển. Tất nhiên, các doanh nghiệp làm TMĐT đều phải cần chi phí về marketing.
Với kinh nghiệm 16 năm hoạt động trên lĩnh vực chuyển đổi số, Giám đốc đối ngoại cao cấp Tiki miền Bắc khẳng định yếu tố chuyển đối quyết định thắng hay bại là do doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng tốt mà đẩy lên sàn thì sẽ cùng nhau giải quyết được rất nhiều câu chuyện. Hiện mỗi doanh nghiệp còn chạy một ngả và trên sàn bán rất nhiều hàng xuất xứ từ Trung Quốc, từ các nước khác nên doanh nghiệp còn gặp khó khi tham gia thị trường TMĐT.
“Với một đất nước trải dài như Việt Nam, có rất nhiều thứ để doanh nghiệp Việt lọc ra sản phẩm xuất sắc để lên sàn. 10 năm nữa, nông thôn, công nghệ, dữ liệu và quan trọng nhất là sản phẩm mà doanh nghiệp làm ra phải xuất sắc thì mới đánh bay được hàng giả, hàng nhái. 10 năm nữa bám đuổi mục tiêu này, các doanh nghiệp Việt sẽ tự đứng được, thay đổi được “cuộc chơi” khi đáp ứng tốt khách hàng tiêu dùng thông minh hơn, có nhiều dữ liệu hơn, có nhiều cái để so sánh hơn”, theo ông Quyền.
Để doanh nghiệp có thể thích ứng và tham gia ngày một hiệu quả hơn vào thị trường TMĐT, sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ đủ tốt, mà doanh nghiệp phải biết cách liên kết với nhau, đồng thời, chính quyền, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho sự liên kết.
Ví dụ, cùng sản xuất một mặt hàng giày dép, tất cả các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm này đều có thể tham gia cùng một hiệp hội. Các doanh nghiệp làm tốt cùng được đánh giá trên sàn là bán sản phẩm giày dép tốt nhất. Cùng một lĩnh vực được cho là tốt nhất họ sẽ tự tìm đến nhau, tự đưa sản phẩm lên, sau đó, các doanh nghiệp TMĐT hỗ trợ để họ đưa được sản phẩm đi tiêu thụ, trở thành một đơn vị cung cấp sản phẩm hàng hóa cho đơn vị TMĐT.
Đối với Tiki, sự hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia tốt hơn vào thị trường TMĐT bằng việc đào tạo tới cấp tỉnh thông qua các hiệp hội doanh nghiệp tỉnh. Tiki đã đào tạo, hướng dẫn cách họ đưa sản phẩm lên sàn, từ cái nhỏ nhất là chụp ảnh để đưa lên. Đây vẫn là giai đoạn đầu khai mở hướng dẫn cho doanh nghiệp và chuyện này phải lặp đi lặp lại thường xuyên, với kế hoạch cụ thể đẩy DNVVN lên sàn.
Minh Hoa