Tổng cục Hải Quan phát hiện nhiều doanh nghiệp vi phạm xuất xứ năng pin năng lượng mặt trời
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, công tác kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) của ngành Hải quan được thực hiện theo chương trình, kế hoạch cụ thể, công tác chuẩn bị kiểm tra được cải cách, nghiên cứu kỹ lưỡng. Do đó, chất lượng, hiệu quả của các cuộc kiểm tra được nâng cao, đạt được sự đồng thuận từ phía doanh nghiệp, giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện và nợ thuế.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Hải quan đã thực hiện KTSTQ 885 cuộc, trong đó có 231 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 654 cuộc tại trụ sở cơ quan hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 486,51 tỷ đồng, đã thực thu vào NSNN số tiền là 398,08 tỷ đồng.
Tiếp tục triển khai thực hiện chuyên đề chống gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu, trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Hải quan đã thực hiện 39 quyết định KTSTQ tại trụ sở người khai hải quan. Theo đó, đã xử lý kết quả kiểm tra 16 doanh nghiệp, phát hiện 8 doanh nghiệp vi phạm về xuất xứ, ấn định thuế, xử phạt vi phạm hành chính trên 10 tỷ đồng.
Đối với nhóm mặt hàng pin năng lượng mặt trời, Tổng cục Hải quan đã thực hiện KTSTQ đối với 9 công ty, phát hiện 6 vụ vi phạm về xuất xứ. Vi phạm chủ yếu là xuất khẩu tấm mô đun năng lượng mặt trời được sản xuất từ các tấm tế bào quang điện nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ để được công nhận là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam theo quy định.
Tổng cục Hải quan cho biết, trong nửa cuối năm 2021, ngành Hải quan sẽ đẩy mạnh công tác KTSTQ, tập trung vào các doanh nghiệp có rủi ro cao, mặt hàng trọng điểm có giá trị lớn, thuế suất cao. Triển khai các đoàn KTSTQ theo kế hoạch đề ra trong trường hợp tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát.
Cùng với đó là tập trung hoàn thiện phương án sửa đổi Quy trình KTSTQ theo Quyết định số 575/QĐ-KTSTQ ngày 21/3/2019 cho phù hợp với thực tế triển khai, gắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, đúng quy định pháp luật.
Đặc biệt, Tổng cục Hải quan tiếp tục xây dựng kế hoạch định hướng đấu tranh chống gian lận về xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp hàng xuất khẩu vào EU và Ấn Độ, đặc biệt tập trung vào vấn đề vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng nhái, hàng giả trong bối cảnh thực thi Hiệp định TRIPS và nghiên cứu sâu vào loại hình gia công các nhóm hàng có kim ngạch tăng đột biến.
Theo ông Hoàng Mạnh Tân, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà, hiện nay có hiện tượng sản xuất pin năng lượng mặt trời kém chất lượng và bày tỏ lo ngại nếu các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt các tấm pin này.
“Tiêu chuẩn về pin năng lượng mặt trời hiện đang chờ Bộ KH&CN chính thức ban hành. Chúng tôi được biết, trên thực tế, cũng đã có tiêu chuẩn về các tấm pin năng lượng mặt trời nhưng việc kiểm tra rất khó. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng không thể đánh giá được hết các sản phẩm mà phải có tiêu chuẩn cụ thể. Các nhà nhập khẩu cũng phải có tiêu chí rõ ràng để kiểm tra. Có những sản phẩm pin năng lượng mặt trời bán trên thị trường không đạt tiêu chuẩn, thậm chí có nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam làm ra các tấm pin chỉ đạt loại B, loại C và xuất sang Trung Quốc nhưng biết đâu các mặt hàng đó lại quay về Việt Nam”, ông Tân nói.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà nhận định, nếu các doanh nghiệp chỉ cạnh tranh về giá thì dứt khoát sẽ có việc bán hàng kém chất lượng và 5-7 năm sau thì chưa biết xử lý các tấm pin hỏng nan giải như thế nào.
Linh Bảo