Tổng doanh thu từ khách du lịch của Việt Nam bị thổi bay 271.000 tỷ đồng

11:59 | 15/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo số liệu của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thiệt hại của ngành du lịch 9 tháng qua là 271.000 tỷ đồng.
Theo số liệu từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, lượng khách quốc tế đến cả nước trong 9 tháng qua giảm 67,4% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ đạt gần 3,7 triệu lượt. Khách du lịch nội địa đạt 37,5 triệu lượt, giảm 43,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Với phân khúc này, lượng khách lưu trú cũng giảm đến 14,5 triệu lượt, chỉ còn 19,2 triệu lượt.

Lượng du khách giảm mạnh làm tổng thu từ khách du lịch chỉ đạt khoảng 233.000 tỷ đồng, giảm gần 54% so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng doanh thu từ khách du lịch của Việt Nam bị thổi bay 271.000 tỷ đồng - ảnh 1
Ngành du lịch toàn thế giới đang chịu tác động nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. ẢNH: Thanh niên
 
Theo một vài cuộc khảo sát du lịch gần đây cho thấy, tuy nhiều người vẫn còn ngần ngại khi quyết định đi du lịch trở lại do đợt bùng phát dịch lần thứ hai hồi cuối tháng 7, nhưng thị trường trong nước vẫn còn nhiều hứa hẹn.
 
Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đã thực hiện một cuộc khảo sát tâm lý và hành vi khách du lịch thời COVID-19 hồi tháng 9, trong đó có khoảng 50% số người được hỏi trả lời sẵn sàng đi du lịch vào những tháng cuối năm nay.

Thực tế hiện nay, ngành du lịch đang thực hiện chương trình kích cầu du lịch nội địa, kỳ vọng thị trường này sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng cuối năm nhờ điểm đến đã an toàn hơn và nhu cầu du lịch của người dân tăng cao sau thời gian dài bị kìm nén do dịch bệnh.
 
Tổng doanh thu từ khách du lịch của Việt Nam bị thổi bay 271.000 tỷ đồng - ảnh 2
Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa nối lại du lịch quốc tế. Ảnh minh họa

Indochina Capital và khách sạn Wink cũng vừa công bố kết quả khảo sát, cho biết 43% số người được hỏi trả lời là sẽ đi du lịch vào cuối năm nay, 23% cho biết đã đi từ quý 3, chỉ có 20% cho biết đến quý 1 năm sau mới đi du lịch và 2% cho biết đi hay không tùy thuộc vào diễn biến của COVID-19. Có đến 99,7% số người được hỏi trả lời là đi du lịch nội địa ít nhất 1 lần trong năm.

Khảo sát trên đã cho thấy một kết quả khả quan đó là du lịch đã trở thành thói quen của nhiều người. 
 
Theo Công ty Grant Thornton (Việt Nam), kịch bản lạc quan nhất cho năm 2021 là lượng khách quốc tế sẽ đạt từ 10-12 triệu lượt; mức trung bình từ 8-10 triệu lượt khách còn bi quan nhất là từ 6-8 triệu lượt. Với thị trường nội địa, lượng khách sẽ đạt khoảng 50-60 triệu lượt.

Nhiều ý kiến cho rằng, tuy mảng nội địa sẽ giúp nhiều công ty lữ hành có nguồn thu để cầm cự và nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng đặc biệt là cơ sở ở các điểm du lịch biển gia tăng tỷ lệ lấp đầy phòng nhưng chỉ đến khi khách du lịch quốc tế trở lại nhiều hơn thì ngành du lịch mới thực sự hồi phục.

Là một trong những quốc gia kiểm soát thành công dịch COVID-19 sớm nhất, Việt Nam đang tận dụng cơ hội, từng bước vực dậy ngành du lịch, bắt đầu từ du lịch nội địa.
 
Tổng doanh thu từ khách du lịch của Việt Nam bị thổi bay 271.000 tỷ đồng - ảnh 3
Sông Chày - Hang Tối nói riêng và Phong Nha - Kẻ Bàng nói chung là điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: Zing

Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa nối lại du lịch quốc tế, mảng chiếm hơn một nửa trong tổng thu của ngành du lịch.

Trước đó, nhiều công ty du lịch đã đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng ít nhất 50% đến giữa năm 2021, giảm hoàn toàn thuế thu nhập doanh nghiệp. Bà Huỳnh Phan Phương Hòa, Phó Tổng giám đốc Vietravel, kiến nghị: “Điều mà doanh nghiệp du lịch cần nhất lúc này là được hỗ trợ vốn để tồn tại bởi vì tiếp cận được các nguồn vốn vay rất khó khăn và giảm lãi suất vay, giảm thuế cho các doanh nghiệp. Hiện nay, 60%-80% nhân sự của công ty đang nghỉ không lương”.
 
Hải Yến