Tổng thống Trump áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam: Chuyên gia gợi mở hướng đàm phán

Trang Mai 12:50 | 03/04/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chiều 2/4 theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố dự kiến áp thuế đối ứng 46% đối với 90% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, cao thứ 2 trong số các nước xuất khẩu vào thị trường Mỹ, chỉ sau Campuchia (mức thuế 49% đối với 97% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ).

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế mới tại sự kiện ở Vườn hồng, bên trong Nhà Trắng ngày 2/4. Ảnh: Reuters.

Mức thuế đối ứng 46% không chỉ tác động đến xuất khẩu

Trao đổi với phóng viên, PGS TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) cho biết: “Mức thuế 46% không áp dụng đồng nhất cho tất cả các mặt hàng. Tuy nhiên, đây vẫn là mức thuế cao, có thể đẩy giá hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam tăng vọt.

Khi giá cả leo thang, nhu cầu nhập khẩu của Mỹ đối với hàng Việt Nam có thể suy giảm, làm giảm xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ. Chính sách này phản ánh mục tiêu của chính quyền Donald Trump nhằm giảm thâm hụt thương mại và tạo cơ hội cho ngành công nghiệp nội địa Mỹ phát triển.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện thoại, linh kiện điện tử, dệt may, thủy sản, giày dép, đồ gỗ và kim loại đều sẽ chịu tác động. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu thị trường Mỹ. Những mặt hàng thiết yếu như thủy sản có thể vẫn duy trì sức tiêu thụ, trong khi dệt may có nguy cơ bị thay thế bởi sản phẩm từ Trung Quốc. Ngành kim loại có thể đối mặt với cạnh tranh từ sản xuất nội địa Mỹ. Riêng lĩnh vực công nghệ như điện thoại, dù bị áp thuế, vẫn có khả năng duy trì thị phần do nhu cầu cao”.

Nhìn rộng hơn, TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định ngoài tác động đến xuất khẩu, chính sách tăng thuế của Mỹ còn khiến giá cả tăng, áp lực lạm phát và tỷ giá gia tăng, thị trường chứng khoán và tiền tệ trong nước sẽ biến động nhiều hơn (như nhiều quốc gia khác đang gặp). Điều này đòi hỏi quyết sách điều hành chính sách của Chính phủ cần nhanh nhạy, chủ động và kịp thời hơn.

Ông Lực nhấn mạnh việc Việt Nam là đối tác thương mại hàng hóa thứ 8 của Mỹ (tổng kim ngạch hai chiều năm 2024 là 149,7 tỷ USD và chiếm 2,8% tổng giá trị thương mại hàng hóa của Mỹ). Việt Nam cũng đứng thứ 6 về xuất khẩu sang Mỹ (136,6 tỷ USD, chiếm 4,2% tổng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ). Theo đó, Việt Nam đứng thứ 3 về xuất siêu sang Mỹ (123,5 tỷ USD). Với động thái trên, Chính phủ Mỹ thể hiện rõ quan điểm thương mại quốc tế phải cân bằng và công bằng hơn. 

5 nhóm ngành dự báo chịu tổn thương 

TS. Cấn Văn Lực chỉ ra rằng những tác động từ chính sách thuế của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến 5 lĩnh vực chủ chốt của Việt Nam. Cụ thể là 5 nhóm ngành chính chiếm 64,3% tổng kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ năm 2024 bao gồm: Điện tử (các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện) chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của sang Mỹ; Dệt may, da giày chiếm 21,9%; Gỗ và sản phẩm từ gỗ chiếm 7,6%; Nông-thủy-hải sản chiếm 3,5%; Thép và nhôm chiếm 2,7%.

 

Trong báo cáo phân tích gần đây, VIS Rating cũng nhận định rằng trong kịch bản Việt Nam bị tăng thuế, những ngành công nghiệp chính sẽ bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ. Các ngành này chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu xuất khẩu phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, nhóm phân tích kỳ vọng tác động sẽ phân hóa giữa các ngành và từng công ty.

Hiện, nhóm ngành điện tử chịu tác động hạn chế do đặc thù quy mô sản xuất và đầu tư lớn, công nghệ cao, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI, do đó mức thuế mới có thể tác động tiêu cực tới các quyết định đầu tư dự án sản xuất bán dẫn vào Việt Nam trong tương lai.

Theo VIS Rating, các công ty đa quốc gia sản xuất điện tử và thiết bị máy móc tại Việt Nam có khả năng phản ứng với thuế quan tốt hơn bằng cách chuyển một phần hoạt động sản xuất hoặc hàng hóa hoàn thiện sang các quốc gia khác. Nhưng các nhà sản xuất nội địa về dệt may, giày dép và đồ gỗ có thể có ít lựa chọn để chuyển hướng và tìm thị trường tiêu thụ thay thế.

Nhóm ngành dệt may, da giày cũng được dự báo sẽ chịu tác động đáng kể do áp lực cạnh tranh quốc tế cao, khả năng dịch chuyển chuỗi sản xuất dễ dàng hơn và độ nhạy giá cả ở mức cao. Việc bị áp thuế quan cao hơn tại thị trường Mỹ sẽ khiến ngành sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi chi phí và hàng rào xuất khẩu tăng lên. Hơn nữa, đây là mặt hàng có thể sử dụng lâu dài, có độ nhạy giá cả cao khi giá cả tăng lên cộng thêm kinh tế khó khăn bất định.

Nhóm ngành gỗ và sản phẩm gỗ sẽ chịu tác động trung bình do chuỗi cung ứng khá ổn định và nhu cầu tại Mỹ ở mức cao. Song, các doanh nghiệp trong nước cũng cần lưu ý đây là mặt hàng lâu bền và có độ nhạy giá cả khá cao (như dệt may, da giày), nên khi kinh tế khó khăn thì người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm vì vậy có thể giảm sức mua.

Trong cuộc ‏trao đổi với phóng viên DNVN gần đây, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VIFOREST nhận định, nếu thuế suất chỉ ở mức 10% thì ngành gỗ có thể vẫn chịu được. Bởi khi đó, thuế sẽ tác động cả hai phía. Một mặt, sản xuất và xuất khẩu từ Mỹ sẽ phải đối mặt với chi phí tăng cao, giảm lợi nhuận. Mặt khác, người tiêu dùng cũng phải gánh chịu giá cả cao hơn.

Tuy nhiên, nếu thuế suất tăng lên 25% (ước tính tại thời điểm phỏng vấn), điều này sẽ trở thành một khó khăn lớn, bởi biên độ lợi nhuận của ngành sẽ không đủ để bù đắp chi phí tăng cao, khiến các doanh nghiệp gặp khó trong việc duy trì cạnh tranh.‏ ‏“Trong trường hợp bị tăng thuế, các công ty sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận, đặc biệt là đối với những nhà đầu tư mới hoặc những doanh nghiệp sản xuất với chi phí tự lực, ông Hoài cho hay. 

 

Với nhóm ngành nông - thủy - hải sản, năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu nông-thủy sản lớn nhất của Việt Nam với giá trị đạt 4,16 tỷ USD, chiếm 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Trong một nhận định gần đây,  bà Lê Hằng, giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản đã cảnh báo: "Các rào cản thương mại như MMPA, thẻ vàng IUU từ EU, và khả năng tăng thuế quan từ Mỹ dưới chính quyền mới là những thách thức mà ngành thủy sản Việt Nam tiếp tục đối mặt và có giải pháp trong năm 2025”.

Cuối cùng là nhóm ngành thép và nhôm. Năm 2024 Việt Nam xuất khẩu 1,32 tỷ USD sắt thép các loại sang Mỹ (chiếm khoảng 4% tổng giá trị sản xuất của ngành). Bên cạnh đó, Việt Nam xuất khẩu khoảng 479 triệu USD nhôm và sản phẩm nhôm sang thị trường Mỹ. 

Còn thời gian để đàm phán

Việt Nam vẫn có khoảng 1 tuần để đàm phán (đến ngày 9/4) với Mỹ liên quan đến mức thuế đối ứng này. Theo đó, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị Việt Nam cần chú trọng hơn nữa các biện pháp thúc đẩy hợp tác cùng có lợi với Mỹ trên nhiều lĩnh vực, tăng cường các kênh đối ngoại đồng thời cần kiên định đa dạng hóa thị trường, đối tác, sản phẩm; tận dụng tốt hơn 17 FTA đã ký kết.

Bên cạnh đó, xem xét thực hiện một số biện pháp nhằm cân bằng thương mại hơn theo hướng trao đổi cởi mở với Mỹ về những biện pháp giúp cân bằng hơn cán cân thương mại; xem xét chủ động có thể giảm thuế đối ứng như nêu trên và tăng nhập khẩu từ Mỹ, nhất là những sản phẩm mà Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu. "Về lâu dài, Việt Nam có thể tính đến phương án đàm phán, ký kết FTA với Mỹ", ông Lực gợi ý.

Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan cần xây dựng những nhóm giải pháp đặc thù đối với các ngành, lĩnh vực xuất khẩu chủ lực, nhất là 5 lĩnh vực nêu trên nhằm hạn chế suy giảm và quan tâm tăng cường nội lực, tính tự chủ, tự cường và kết nối giữa các khối doanh nghiệp (trong nước và FDI) và giữa các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị để đảm bảo tăng khả năng thích ứng, phát triển ổn định và bền vững. Hơn nữa, các bộ, ngành, hiệp hội ngành nghề cần chủ động làm việc với đối tác phía Mỹ và các nước liên quan, cung cấp thông tin, định hướng, tư vấn và tập hợp kiến nghị, vướng mắc của các doanh nghiệp. Từ đó, các bên nhanh chóng bàn thảo và có giải pháp phù hợp, kịp thời và hiệu quả đối với những khó khăn, vướng mắc đó...

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, ông Lực cho rằng cần chủ động và phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các nhà nhập khẩu để nắm bắt tình hình và thông tin, diễn biến của thị trường, từ đó có các biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, tận dụng tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại (FTA) đã ký kết, trong đó hướng tới các thị trường lớn, nhiều tiềm năng (như thị trường Halal với quy mô 2,2 tỷ người), thị trường châu Phi, Nam Mỹ... Các doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kinh doanh tuần hoàn nhằm tận dụng nguyên liệu phế thải, giảm chi phí, giảm giá thành để có thể chia sẻ một phần chi phí thuế bị tăng lên cùng với đối tác.

Đồng quan điểm, PGS TS Nguyễn Thường Lạng cũng cho rằng, để giảm thiểu tác động, các doanh nghiệp Việt cần tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh để duy trì mức giá hấp dẫn. Chính phủ cũng có thể hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc giảm chi phí trung gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh.

Một giải pháp khả thi khác là Việt Nam có thể đàm phán với Mỹ để giảm thuế quan, đổi lại bằng việc gia tăng nhập khẩu các sản phẩm Mỹ như máy bay Boeing, LNG, nông sản hoặc thiết bị y tế.... Đây có thể là bước đi giúp cân bằng lợi ích giữa hai nước, tránh những ảnh hưởng tiêu cực kéo dài đến thương mại song phương.

"Việc Mỹ áp thuế cao đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam điều chỉnh chiến lược, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế", PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.