Tổng thống Trump: Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung không thể 50-50
Ông cũng nêu rõ Mỹ và Trung Quốc đã có "một thỏa thuận rất chắc chắn..., một thỏa thuận tốt. Đến phút chót, họ đã thay đổi điều đó và tôi cho rằng điều đó cũng không sao, chúng tôi sẽ đánh thuế các sản phẩm của họ."
Tổng thống Trump nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận thương mại nào của Washington với Bắc Kinh không thể là một thỏa thuận theo kiểu 50-50.
Trung Quốc tố Mỹ đi ngược nhận thức chung
Trước động thái trên của Mỹ, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ liên quan đến những cáo buộc về đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, gọi đây là "công cụ chính trị" của Washington với ý đồ cản trở sự phát triển kinh tế của cường quốc châu Á.
Bài viết đăng trên tờ People's Daily nhằm vào báo cáo của Washington công bố hồi tháng 3/2018, cho rằng các tác giả đã bịa đặt khi tuyên bố Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ trị giá hàng trăm tỷ USD của Mỹ. Bài báo nhấn mạnh: "Nếu báo cáo chỉ dựa trên những số liệu tưởng tượng hoặc có lựa chọn, thì nó chẳng khác gì một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng."
Huawei cũng khẳng định không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tập đoàn Huawei đã ra tuyên bố khẳng định về các “hạn chế vô lý" của Mỹ đã xâm phạm các quyền của Tập đoàn này. Tuyên bố nhấn mạnh: "Hạn chế Huawei kinh doanh tại Mỹ sẽ không khiến nước Mỹ an ninh hơn hoặc mạnh hơn, mà cuối cùng sẽ chỉ làm tổn hại lợi ích của các công ty và người tiêu dùng Mỹ khi họ buộc phải lựa chọn nhà cung cấp thay thế đắt đỏ và yếu kém hơn".
Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng xung đột thương mại Trung-Mỹ, kéo dài hơn một năm qua, hiện đang trong giai đoạn căng thẳng nhất.
Theo Giáo sư Lưu Anh, Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, việc Mỹ nâng mức thuế quan với hàng hóa Trung Quốc đi ngược lại nhận thức chung mà hai nước đạt được về thúc đẩy đàm phán thương mại. Khi đoàn đàm phán của hai bên còn chưa gặp nhau ở vòng đàm phán lần thứ 11, Tổng thống Donald Trump đã quyết định nâng mức thuế quan từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Giáo sư đánh giá thực tế này đi ngược lại nhận thức chung mà lãnh đạo hai nước đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Argentina hồi tháng 12/2018 về thúc đẩy đàm phán thương mại dựa trên nguyên tắc chân thành, công bằng, cùng có lợi, cùng thắng.
Thâm hụt thương mại Trung-Mỹ không cao như mức Mỹ đưa ra, đoàn đàm phán hai bên cũng đã thảo luận, tính toán đến việc phía Mỹ đưa ra mức thâm hụt thương mại song phương cao hơn từ 20% đến 70% so với thực tế.
Cùng với đó, nếu phía Mỹ nới lỏng việc hạn chế xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao sang Trung Quốc thì thâm hụt thương mại Trung-Mỹ không cao như vậy, do đó trách nhiệm này thuộc về phía Mỹ, không phải Trung Quốc.
Mức thâm hụt thương mại 200 tỷ USD hay 300 tỷ USD thực chất còn phụ thuộc vào sự phân công quốc tế, cũng như sự bổ sung cơ cấu ngành nghề giữa hai nước, đặc biệt là các sản phẩm trung gian hiện chiếm tới 70-80% thương mại toàn cầu. Do đó, thâm hụt thương mại mà phía Mỹ nêu ra thực chất không phải là thương mại không công bằng, mà chỉ là sự khác biệt về số lượng hàng hóa xuất cho nhau.
Giáo sư Lưu Anh khẳng định thương mại Trung-Mỹ thể hiện cả chuỗi ngành nghề của thế giới, sự phân công trong chuỗi giá trị đó không phải là chỉ thể hiện đối với một sản phẩm, không giống như vài chục năm trước là trong một thành phẩm có đến 70-80% do một quốc gia độc lập sản xuất. Do đó, mâu thuẫn thương mại Trung-Mỹ hiện nay là bình thường, tổng kim ngạch thương mại song phương khoảng hơn 600 tỷ USD cần được đưa vào cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).