TP.HCM nên mạnh dạn mở cửa, phục hồi kinh tế
Sáng 16/10, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022–2025”.
3 vấn đề TP.HCM tập trung khi phục hồi kinh tế
Phát biểu mở đầu hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, chia sẻ TP chưa bao gặp khó khăn như thời gian qua và chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Theo ông Mãi, TP.HCM đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch vẫn còn đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi TP phải nỗ lực nhiều hơn và phải kiểm soát để kết quả chống dịch được bền vững.
Ông cũng cho rằng TP.HCM vừa phải phòng chống dịch, vừa tính toán kế hoạch có lộ trình, kịch bản để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội là việc quan trọng nhưng cũng rất khó. UBND TP đã giao Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM phối hợp, xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế TP từ nay đến 2025.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết quá trình phục hồi kinh tế của TP tập trung vào ba vấn đề và ông mong muốn nhận được ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học.
Thứ nhất là đánh giá và nhận diện xu hướng, diễn biến dịch; tác động tích cực, tiêu cực đến kinh tế thế giới và cả nước, đặc biệt là TP.HCM.
Thứ hai là tính toán làm sao giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế của TP.HCM với cả nước; đồng thời, giữ vị trí của mình trong mối tương quan với các thành phố trong khu vực và thế giới.
Trong giai đoạn ngắn hạn, TP sẽ tập trung vào công việc trước mắt, khẩn cấp nhưng cũng cần tính toán để đảm bảo vị thế của TP trong dài hạn.
Thứ ba, trong bối cảnh này, TP.HCM làm thế nào để tiếp tục thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TP.HCM đã đặt ra; hoặc phấn đấu để thực hiện kết quả cao nhất có thể hay điều chỉnh cần thiết để tận dụng, phát huy thời cơ mới, động lực mới trong giai đoạn hiện nay.
Nên mạnh dạn mở cửa
Góp ý tại hội thảo, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng - Trường Đại học Y dược TP.HCM, cho rằng thành phố nên mạnh dạn mở cửa nhằm tranh thủ thời cơ và chấp nhận số ca Covid-19 tăng ở mức kiểm soát được, đánh giá mức độ miễn dịch ở người lớn tuổi để có thể thực hiện mũi tiêm tăng cường khi cần thiết.
Ông Đỗ Văn Dũng phân tích với tỉ lệ gần 100% người dân trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1 và 72% người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, thành phố đã đạt được miễn dịch cộng đồng một phần. Việc này giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng và góp phần giảm số ca mắc mới.
Tuy nhiên, ông Đỗ Văn Dũng cảnh báo các nhà khoa học trên thế giới cho rằng với biến chủng Delta, các vắc-xin hiện nay không thể giúp đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng hoàn toàn.
"Điều này có nghĩa để tiếp tục kiềm chế dịch, chúng ta vẫn phải thực hiện nghiêm 5K; có quy định phòng chống dịch tại các cơ quan, tổ chức và phải có chiến lược xét nghiệm phát hiện ca bệnh, đồng thời xây dựng mạng lưới giám sát dịch tễ để ứng phó kịp thời" - ông Đỗ Văn Dũng nói và cho hay TP.HCM chưa ở điều kiện bình thường mới vào thời điểm hiện tại.
Dẫn chứng từ Singapore, ông Đỗ Văn Dũng cho biết quốc gia này đạt tỉ lệ tiêm chủng 2 mũi vắc-xin là 85%. Tuy nhiên, khi nới lỏng giãn cách thì số ca mắc tăng lại, khiến Chính phủ Singapore phần nào e dè và trì hoãn việc mở cửa.
Theo ông Dũng, không chỉ Singapore mà các quốc gia thực hiện tốt chính sách Zero Covid trong quá khứ đều gặp khó khăn khi nới lỏng. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu hay TP.HCM từng bị dịch bệnh hoành hành sẽ có khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng tốt hơn.
Ông Đỗ Văn Dũng đưa ra quan điểm TP.HCM cần mạnh dạn lập kế hoạch thực hiện các bước phục hồi kinh tế. Bởi TP.HCM khi nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế, số ca mắc có thể gia tăng nhưng không nhanh như Singapore.
Lý giải sự phát tán của SARS-CoV-2 trong không khí khi xâm nhập người đã có miễn dịch sẽ giúp củng cố hiệu lực của vắc-xin, ông Dũng cho rằng cơ chế này sẽ làm tăng cường miễn dịch cộng đồng. Như vậy, sống chung an toàn với Covid-19 sẽ tăng cường thêm miễn dịch cộng đồng.
Từ lập luận đó, ông Dũng đề nghị bớt khắt khe hơn trong các biện pháp chống dịch, thay thế biện pháp cực đoan bằng biện pháp kinh tế để có hiệu quả cao hơn. "TP.HCM có thể chấp nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng, miễn là tình hình dịch bệnh trong tầm kiểm soát" - ông Dũng đề xuất.
Cần có chính sách hỗ trợ cho người lao động
Từ phân tích các số liệu kinh tế giảm sâu trong chín tháng đầu năm, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, cho rằng về tổng thể, quy mô nền kinh tế đang vận hành trong tháng 9 chưa đạt 50% so với trạng thái bình thường ở thời điểm cùng kỳ năm 2020.
Lạm phát đã đảo chiều trong tháng 9/2021, giảm 0,53% so với tháng 8 và nếu xét riêng cho chỉ số này thì đây là dấu hiệu tích cực khi đã bốn tháng liên tục nền kinh tế chịu sức ép tăng giá. Tuy nhiên, nếu tình trạng này diễn ra cùng với lực cầu giảm sâu thì sẽ cản trở quá trình hồi phục kinh tế. “Điều này một lần nữa khẳng định về tầm quan trọng và tính cấp bách trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ, kích cầu” – ông Khánh nói.
Về vấn đề nguồn lao động, ông Khánh cho biết chỉ tính riêng từ ngày 1/10 đến 7/10 đã có 141.462 người từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương về các địa phương miền Tây qua ngõ Long An và 43.000 người về Tây Nguyên qua ngõ Bình Phước.
“Dự báo dòng lao động này chậm quay trở lại TP.HCM và gây nên tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề và kỹ năng chuyên môn” – ông Khánh nói.
Về doanh nghiệp, do giãn cách kéo dài đã đẩy doanh nghiệp vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả lãi vay và nợ vay đúng hạn, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản. Ông cho rằng điều này rất có thể sẽ khiến nền kinh tế đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng.
Để phục hồi kinh tế cả nước, ông Khánh đề xuất với chính sách tài khóa, nhóm nghiên cứu kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP.HCM giai đoạn Covid-19 lần 4 đã chỉ ra rằng ngay cả khi Việt Nam hoàn tất giải ngân trọn vẹn các gói hỗ trợ năm 2020 thì quy mô cũng chỉ ở mức 1,9% GDP, rất nhỏ để kỳ vọng các hỗ trợ này đủ mạnh để đạt hiệu quả tốt cho phục hồi trọn vẹn.
“Do đó, chúng tôi đề xuất gói hỗ trợ 2021 của Chính phủ có thể lên đến 250.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 4% GDP. Đây là con số khả thi với quy mô và nội lực của kinh tế Việt Nam" - ông Khánh nói.
Đối với TP.HCM, ông Khánh khuyến nghị sử dụng nguồn lực tài trợ cho các gói hỗ trợ tức thời và các gói kích thích đầu tư mang tính trung hạn từ các nguồn tái phân bổ chi ngân sách, tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM…
Ông Khánh cũng đề xuất TP.HCM chia sẻ chi phí lương, tăng tái tạo việc làm. Bởi theo ông, tốc độ hồi phục kinh tế sau dịch phụ thuộc lớn vào tốc độ tái tạo việc làm.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tái khởi động cần nhắm đến mục tiêu giúp doanh nghiệp hạn chế sa thải lao động, tuyển dụng trở lại số lao động đã nghỉ việc hoặc nghỉ không lương trước đây, thu hút lao động có tay nghề quay trở lại TP.
"TP.HCM cần sử dụng ngân sách để hỗ trợ 25% lương tối thiểu vùng áp dụng từ tháng 9-2021 đến 3/2022 chia làm hai giai đoạn: đến 12/2021 và quý 1-2022. Ước tính quy mô gói hỗ trợ 4.000 tỉ đồng tương đương 0,29% GRDP của TP” – ông Khánh đề xuất.
Cùng với đó, ông Khánh còn đề xuất phát triển chương trình nhà ở giá hợp lý, cần đảm bảo đa dạng các hình thức nhà ở, bao gồm cả sở hữu (mua nhà), thuê tài chính, thuê trọn đời, thuê dài hạn, thuê ngắn hạn, đáp ứng được cho các đối tượng, kể cả lao động tự do. Từ đó sẽ tạo điều kiện thu hút lao động quay trở lại TP.HCM và góp phần chỉnh trang đô thị.
Ngoài ra, để phục hồi kinh tế, ông Khánh còn đề xuất từng bước chuyển đổi mô hình chợ truyền thống; mở rộng chương trình hỗ trợ lãi suất hiện nay để áp dụng cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp truyền thống (dệt may, da giày...), logistics trong giai đoạn hồi phục kinh tế nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn chi phí thấp, kích thích đầu tư mở rộng và đầu tư chiều sâu. Ước tính quy mô hỗ trợ lãi suất khoảng 800 tỉ đồng /năm.
Cùng đó, TP cần tăng cường chuyển nhượng tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đấu giá quyền sử dụng đất để tăng nguồn thu. Làm được điều này sẽ tạo ra nguồn lực cực lớn trong giai đoạn ngắn để hồi phục nhưng phải có kế hoạch hấp thụ nguồn vốn này. Ngoài ra, TP cũng cần nâng cao năng lực y tế; đẩy mạnh liên kết vùng...
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, dự kiến mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 ở tất cả các ngành trên địa bàn TP.HCM đạt 5,46%, tăng gấp 3 lần so với 6 tháng đầu năm 2020. GRDP 6 tháng đầu năm đạt 680.328 tỷ đồng, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã nhanh chóng gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, sốc tiêu cực xảy ra ở cả tổng cung lẫn tổng cầu.
Cụ thể, tháng 7, sự sụt giảm xảy ra tổn thương nghiêm trọng nhất ở ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ, chiếm lần lượt khoảng 25% và 62% GRDP của TP.HCM. Từ tháng 8, doanh số thương mại, dịch vụ chỉ còn 35.500 tỷ đồng, chưa bằng 30% doanh thu hàng tháng trong điều kiện bình thường. Ngành công nghiệp giảm sâu 22,4% so với tháng 7, nghiêm trọng nhất là các ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, dệt, sản xuất da. Tương tự, xuất nhập khẩu cũng đã giảm mạnh.
Đến tháng 9, khi mức độ suy giảm đã chậm lại ở tất cả các ngành, không còn ngành nào giảm sâu dưới 6% so với tháng 8. Tuy nhiên, về tổng thể, quy mô nền kinh tế đang vận hành ở tháng 9 chưa đạt 50% so với trạng thái bình thường ở thời điểm cùng kỳ 2020.