Tp.Hồ Chí Minh dự kiến vay gần 11.000 tỷ đồng để bù bội chi ngân sách
Đây cũng là tiền đề quan trọng để thành phố đặt mục tiêu thu cao hơn trong năm 2022.
Thu ngân sách vượt dự toán
Chiều 9/12, tại Phiên bế mạc kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân Tp.Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua Nghị quyết về dự toán thu ngân sách Nhà nước; thu, chi ngân sách thành phố năm 2022.
Theo đó, trong năm 2022, Tp.Hồ Chí Minh dự kiến thu ngân sách Nhà nước đạt khoảng 386.568 tỷ đồng, tăng 5,9% so với dự toán năm 2021 và tăng 4,3% so ước thực hiện năm 2021; trong đó, thu nội địa đạt 259.568 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 116.500 tỷ đồng và thu từ dầu thô đạt 10.500 tỷ đồng.
Kế hoạch này được đưa ra dựa trên con số thực hiện trong năm 2021. Theo ước tính của UBND Tp.Hồ Chí Minh, trong năm 2021, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 370.483 tỷ đồng, đạt 101,3% dự toán năm. Đây được xem là điểm sáng đáng chú ý trong bức tranh kinh tế của thành phố năm 2021.
Theo ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 với thời gian giãn cách xã hội kéo dài đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhất là các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) năm 2021 của Tp.Hồ Chí Minh giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2020. GRDP của Tp.Hồ Chí Minh tăng 1,39%, không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 6%; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 13,7%; công nghiệp, xây dựng giảm 13%; dịch vụ giảm 5,5%, tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm 15,8%...
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, Tp.Hồ Chí Minh cũng triển khai các chính sách giảm, giãn thuế theo quy định. Do đó, số thu ngân sách trên địa bàn thành phố từ tháng 5 đến nay có xu hướng giảm dần so với số thu của tháng trước. Đáng chú ý, trong tháng 8 và 9/2021, số thu ngân sách giảm mạnh so với cùng kỳ, kéo theo nguy cơ hụt thu ngân sách là rất lớn.
Tuy nhiên, với sự chủ động điều hành của UBND thành phố, ngành tài chính cùng các sở ngành, địa phương đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nuôi dưỡng nguồn thu. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh khả quan từ các doanh nghiệp trong khối kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng trong nửa năm đầu và tác động từ chính sách gia hạn thời gian nộp thuế theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP đã giúp thu ngân sách đạt khả quan trong năm 2021.
Dự kiến vay gần 11.000 tỷ đồng để bù bội chi ngân sách
Một trong những điểm đáng chú ý khác trong kế hoạch thu, chi ngân sách năm 2022 của Tp.Hồ Chí Minh vừa được Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt, đó là thành phố dự kiến vay trên 10.919 tỷ đồng trong năm 2022 để bù đắp bội chi ngân sách và vay để trả nợ gốc.
Theo kế hoạch, dự toán thu ngân sách địa phương trong năm 2022 của Tp.Hồ Chí Minh là 89.739 tỷ đồng, tăng 9,29% so với dự toán năm 2021; trong đó, ngân sách được hưởng theo phân cấp là 84.121 tỷ đồng; thu bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương để thực hiện một số công trình, dự án đầu tư và chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu khác là 2.090 tỷ đồng; từ nguồn cải cách tiền lương chuyển sang là 2.709 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng dự toán chi ngân sách địa phương năm 2022 là 99.669 tỷ đồng; trong đó, chi đầu tư phát triển là 43.546 tỷ đồng, chi thường xuyên là 48.663 tỷ đồng, dự phòng ngân sách là 3.400 tỷ đồng…
Với dự toán trên, thành phố sẽ bội chi ngân sách địa phương gần 9.930 tỷ đồng. Để bù đắp, UBND Tp.Hồ Chí Minh dự kiến sẽ vay trên 10.919 tỷ đồng; trong đó, vay để bù đắp bội chi ngân sách là 9.930 tỷ đồng và vay để trả nợ gốc là 989 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn Chính phủ về cho vay lại (7.767 tỷ đồng) và vay trong nước (3.152 tỷ đồng). Đối với khoản vay trong nước, Tp.Hồ Chí Minh dự kiến sẽ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2022 để có nguồn thu thực hiện các kế hoạch đề ra.
Theo UBND Tp.Hồ Chí Minh, trong giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19, nhiệm vụ chi ngân sách của thành phố được xây dựng trên tinh thần triệt để tiết kiệm, tập trung tối đa nguồn lực để đáp ứng việc phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; bố trí hợp lý dự phòng ngân sách nhằm đảm bảo xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.
Đáng chú ý, UBND Tp.Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở, ban ngành, quận, huyện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của năm 2021 và các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai, không thể triển khai do tình hình dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết số 58/NQ-CP và Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ.
Với kế hoạch thu, chi ngân sách đã đề ra, Hội đồng nhân dân Tp.Hồ Chí Minh cũng giao UBND thành phố căn cứ Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và là cơ sở để cân đối, xem xét, định hướng cho việc lập dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm; bảo đảm cân đối, quản lý ngân sách theo quy định.
UBND thành phố phải tập trung thực hiện giải pháp điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và tài chính ngân sách tháng cuối năm 2021. Đồng thời, tập trung rà soát chế độ, chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động và sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo quy định của Chính phủ và thành phố. Đặc biệt, các khoản chi hỗ trợ đảm bảo chi đúng đối tượng, chế độ, thời gian, không để xảy ra trục lợi chính sách.
Theo Hội đồng nhân dân Tp.Hồ Chí Minh, năm 2022, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; nền kinh tế trong nước còn khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặt ra nhiều thách thức.
Do đó, UBND Tp.Hồ Chí Minh cần phân tích, dự báo tình hình, đánh giá, rút kinh nghiệm trong thực hiện thu, chi ngân sách năm 2021. Từ đó, chủ động đề ra biện pháp đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách được giao, tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội thành phố.
Ngoài ra, UBND Tp.Hồ Chí Minh cơ cấu, sáp nhập, dừng, giải thể các Quỹ tài chính ngoài ngân sách hoạt động không hiệu quả, không đúng mục đích, chưa theo đúng quy định; tiếp tục thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập…