TPHCM có hơn 400 ca bệnh COVID-19, nhiều trường hợp chưa rõ nguồn lây

11:53 | 07/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từ ngày 18/5 đến hết ngày 6/6, TP.HCM có 433 trường hợp ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng, đáng nói nhiều trường hợp không rõ nguồn lây, ổ dịch phức tạp rộng khắp.

Báo cáo tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM sáng 7/6, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết từ ngày 18/5 đến ngày 6/6, TP.HCM có 433 trường hợp ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng và ghi nhận một bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối đã tử vong.

Sáng 7/6, Bộ Y tế tiếp tục ghi nhận TP có thêm 12 ca bệnh. Hiện, TP.HCM điều trị 371 bệnh nhân dương tính mới. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận 3 bệnh nhân COVID-19 rất nặng, 2 người phải thở bằng ECMO.

Đánh giá về tình hình các ổ dịch trên địa bàn, liên quan tới Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại Gò Vấp, từ 26/5 đến nay phát hiện 362 ca bệnh. Kết quả giải trình tự gene 7 người bệnh trong nhóm này phát hiện đây là chủng Ấn Độ.

TPHCM có hơn 400 ca bệnh COVID-19, nhiều trường hợp chưa rõ nguồn lây - ảnh 1

BV quận Tân Phú bị phòng tỏa sau khi ghi nhận ca bệnh COVID-19

Từ ổ dịch này đã phát sinh các chùm ca bệnh khác nhau trên địa bàn thành phố. Đầu tiên là chùm ca bệnh của đầu bếp khách sạn Sheraton với 12 ca, tất cả đã được cách ly tập trung từ 28/5.

Chuỗi lây nhiễm từ quán cà phê Trung Nguyên có 34 ca là các F0, F1, F2. Tất cả trường hợp là nhân viên lây sang hộ gia đình và nhà trọ (đường Điện Biên Phủ). Tiếp đến là 18 ca lây nhiễm tại nhà trọ trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) được phát hiện và phong tỏa ngày 29/5.

Chùm lây nhiễm từ trường mầm non KidTown xuất phát từ giáo viên mắc bệnh. Khu nhà trọ ở hẻm Dương Quang Hàm (quận Gò Vấp) có 22 ca mắc. Đến nay, dịch đã lây sang Bạc Liêu, Long An, Đồng Tháp, ca bệnh gần nhất phát hiện ngày 5/6.

Dịch bệnh từ cộng đồng đã bắt đầu xâm nhập vào các doanh nghiệp, nhà máy. Về ca nhiễm từ các nhân viên ở Công ty Nàng Khô, ngành y tế ghi nhận một trường hợp lây bệnh ở Trà Vinh. Đây là F3, được phát hiện ngày 6/6,

Trong chùm ca bệnh tại Công ty IDS có 37 ca mắc, có tới 10/23 nhân viên tại đây mắc bệnh rồi lây lan cho hộ gia đình của các nhân viên. Từ đây phát sinh ra ổ dịch ở CEN Sài Gòn (quận 1) với 45 ca.

Ổ dịch CEN Sài Gòn có ca nhiễm là một chiến sĩ đang làm ở một trường đại học tại TP.HCM đã xác định được nguồn lây do người này sống chung với anh trai ở Bình Tân, làm tại tòa nhà CEN Sài Gòn. Đây là những trường hợp phát hiện khi truy vết F1.
91 ca mắc liên quan tới chuỗi lây nhiễm tại Công ty Thiên Tú gồm 72 F1, 16 F2, và 3 F3. Trong 471 nhân viên có 91 người mắc bệnh. Ca mắc được phát hiện gần nhất ngày 3/6.

Ba khu công nghiệp phát hiện một ca nhiễm là Khu công nghiệp Tây Bắc - Củ Chi, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc và Khu công nghiệp Tân Bình. TP đã khoanh vùng xét nghiệm toàn bộ nhân viên và đều có kết quả âm tính.

Riêng ổ dịch ở công ty tại quận 3, sau nhiều ngày không có thêm bệnh nhân thì vừa qua, TP phát hiện thêm một ca được cách ly từ ngày 20/5. Đến nay, người này mới có kết quả dương tính.

Chùm ca bệnh ở quán bánh canh quận 3 tính đến ngày 21/5 phát hiện 5 bệnh nhân. Đến ngày 3/6, ngành y tế công bố thêm 2 trường hợp.

Để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, tính đến 19h ngày 6/6, trên địa bàn TP.HCM đã tiến hành phong tỏa 243 địa điểm. Các địa điểm phong tỏa được thực hiện trên địa bàn các quận, huyện: Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 6, Quận 7, Quận 8, Quận 10, Quận 12, Bình Chánh, Bình Tân, Bình Thạnh, Củ Chi, Gò Vấp, Hóc Môn, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức.

Sau khi liên tiếp ghi nhận các ca bệnh trong cộng đồng, từ 0h ngày 31/5, quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thực hiện Chỉ thị 16; đồng thời, TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và nâng cao một số biện pháp.

Xem thêm: Thêm 44 ca mắc COVID-19 trong nước, Hà Nội thêm ca bệnh liên quan đến BV Bắc Thăng Long

Hà Ly