Triển vọng doanh nghiệp quý II/2022: Ngành thép, bất động sản, ngân hàng tiếp tục khả quan

Lê Hồng Quý 08:25 | 08/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong khi một số nhóm ngành tiêu biểu như thép, bất động sản, hay ngân hàng được dự báo sẽ khả quan trong quý II thì một số nhóm ngành như xây dựng, điện, bảo hiểm... đều gặp những vấn đề riêng.

CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) vừa công bố báo cáo triển vọng ngành quý II/2022. Theo đó, một số ngành như bất động sản, thép hay ngân hàng... được đánh giá khả quan trong khi các ngành xây dựng, điện và hàng không được xếp vào nhóm trung lập.

Với các nhà đầu tư chứng khoán, BSC đánh giá 2022 là một năm không dễ dàng khi các yếu tố thuận và nghịch đan xen lẫn nhau, như GDP tăng trưởng cao, kinh tế phục hồi hậu COVID-19 nhưng lạm phát cũng tăng mạnh và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới.

Với ngành bất động sản, BSC đánh giá phân khúc cao cấp sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường TP HCM. Nguồn cung hạn chế sẽ đẩy giá bán bình quân lên một tầm cao mới. 

Ngoài ra, kết quả kinh doanh năm 2021 và kế hoạch kinh doanh 2022 của hầu hết nhóm doanh nghiệp bất động sản niêm yết đều tăng trưởng hai chữ số. Trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh huy động vốn chính nhưng tỷ lệ vay nợ ròng/ vốn chủ sở hữu được xếp vào mức an toàn.

Cũng được BSC đánh giá khả quan là nhóm ngành thép. Sản lượng tiêu thụ thép năm nay dự kiến sẽ tăng 9%-12% nhờ hai yếu tố: nhu cầu xây dựng trong nước phục hồi và nhu cầu cao ở thị trường nhập khẩu.

Dẫu vậy, biên lợi nhuận gộp của nhóm doanh nghiệp thép sẽ chịu ảnh hưởng khi giá nguyên vật liệu đầu vào biến đổi.

Nhóm ngành ngân hàng năm nay được đánh giá cao vì nhu cầu tín dụng dự kiến tăng trưởng 14%. Nền kinh tế đang phục hồi và gói cứu trợ 350.000 tỷ đồng là những nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng tín dụng.

BSC cũng đưa ra mức dự đoán tăng trưởng 22,2% với riêng nhóm ngân hàng vì nền lợi nhuận ngân hàng 2021 là khá thấp.

Trong khi đó, với việc giá dầu tiếp tục duy trì đà tăng và nguồn cung trong ngắn hạn sẽ phục hồi, nhóm doanh nghiệp dầu khí cũng được hưởng lợi. Ngoài ra, một số dự án dầu khí cũng sắp được khởi công trong thời gian tới.

Các nhóm ngành tiêu dùng, bán lẻ, lương thực, cảng biển, dệt may, thủy sản đều đứng trước cơ hội lớn trong năm 2022. Tình hình xuất khẩu tích cực là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tăng trưởng, cộng với việc trạng thái bình thường mới khiến một số doanh nghiệp bắt đầu cuộc cách mạng trong lĩnh vực kinh doanh của mình để thích ứng.

Bên cạnh các mặt tích cực, một số ngành không chỉ được đánh giá ở mức trung lập. Ví dụ tiêu biểu là nhóm doanh nghiệp xây dựng. Theo đó, BSC nhận định mùa cao điểm triển khai và lợi nhuận của ngành xây dựng là năm 2023. Giá vật liệu xây dựng tăng cao và phải trích lập quỹ dự phòng cho những khoản nợ khó đòi cũng khiến cho nhóm xây dựng chịu ảnh hưởng.

Với nhóm bảo hiểm, sự cạnh tranh lớn sẽ khiến thị phần các doanh nghiệp đầu ngành thay đổi.Tăng trưởng phí bảo hiểm phi nhân thọ cũng có xu hướng giảm trong năm 2021.

Với ngành hàng không, BSC kì vọng sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam sẽ hồi phục mạnh mẽ, đạt 75-80 triệu lượt. Dẫu vậy, ngành hàng không vẫn được xếp vào nhóm trung lập. Các doanh nghiệp ngành điện cũng được xếp vào nhóm trung lập khi chu kỳ La Nina tiếp diễn là tin tích cực với các nhà máy thủy điện, tuy nhiên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với các nhà máy nhiệt điện than & khí.