Trung Quốc bùng dịch tồi tệ: canh cánh nỗi lo suy thoái, doanh nghiệp ngoại rục rịch tính rời đi
Trong tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục lặp lại quan điểm "Zero COVID" qua một thông điệp được đăng trên tờ Tân Hoa Xã: “Chúng ta phải đặt con người và tính mạng lên trên hết, chúng ta phải ngăn chặn các trường hợp lây nhiễm từ nước ngoài cũng như các đợt bùng phát trong nước, chúng ta phải thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn chặn và kiểm soát đại dịch một cách dứt khoát và linh hoạt”.
Dù vậy, nhà lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận nước này cũng cần những biện pháp giảm thiểu tác động của hoạt động kiểm dịch đến đà tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Hiện Trung Quốc là nền kinh tế lớn cuối cùng trên thế giới theo đuổi lập trường "Zero COVID". Từ lâu, các nhà phân tích đã cảnh báo về tác động bất lợi của việc theo đuổi chính sách chống dịch như vậy đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuần trước, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ mức 8,1% xuống chỉ còn 5% cho năm nay. Con số này thấp hơn mức mục tiêu tăng trưởng 5,5% mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra.
Nhà kinh tế Trung Quốc tại PIMCO, bà Carol Liao cũng nhận định rằng sau những tháng đầu năm đầy hứa hẹn, nền kinh tế Trung Quốc giờ đây đang đối mặt với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng chưa từng có kể từ khi đại dịch bắt đầu. Theo bà Carol Liao, mức tác động cuối cùng hoàn toàn phụ thuộc vào việc các hạn chế phong tỏa hiện nay sẽ kéo dài bao lâu.
Từ tháng 3 đến nay, ước tính Trung Quốc đã thực hiện phong tỏa toàn bộ hoặc một phần với 45 thành phố trên cả nước, tổng quy mô dân số khoảng 373 triệu người, theo Nomura. Con số này tương đương 1/4 dân số đất nước và khoảng 40% nền kinh tế.
Ở Thượng Hải, tâm chấn của đợt bùng phát dịch lần này, một số nguồn tin cho biết nguồn cung nhu yếu phẩm đang chịu sức ép lớn do các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài vô thời hạn.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên tờ CNN, ông Jörg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc cho hay các buổi làm việc của cơ quan này với chính phủ Trung Quốc đã được thúc đẩy khi Bắc Kinh quan ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế.
“Họ (các quan chức Trung Quốc - PV) nhận ra những nguy cơ thiệt hại nặng nề với nền kinh tế. Họ l lắng về tỷ lệ thất nghiệp cũng như việc các doanh nghiệp nước ngoài rời đi, đưa vốn sang các thị trường khác”, ông Jörg Wuttke tiết lộ về nội dung một buổi họp với một bộ của Trung Quốc, nhưng từ chối nêu tên bộ.
Phòng Thương mại Liên minh châu Âu trong tuần này đã gửi một thông điệp đến Hội đồng Nhà nước Trung Quốc và Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa để kêu gọi Chính phủ Trung Quốc chuyển từ cách tiếp cận Zero COVID sang sống chung với COVID. Theo ông Wuttke, các quan chức Bắc Kinh đang thảo luận cởi mở về vấn đề này trong bối cảnh họ nhận thấy những tác động kinh tế quá lớn từ các biện pháp phong tỏa.
Tuy nhiên, ông Eric Zheng, chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải nhận định rằng theo quan điểm của ông, Chính phủ Trung Quốc hiện chưa sẵn sàng thay đổi lập trường Zero COVID. Do đó, thay vì vận động Chính phủ, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải đang tập trung giải quyết các vấn đề thực tế cấp bách hơn, chẳng hạn như tìm cách giúp các doanh nghiệp Hoa Kỳ duy trì hoạt động trong bối cảnh các vấn đề hậu cần, chẳng hạn như vận chuyển hàng hóa từ nhà máy đến sân bay, ngày càng trở nên phức tạp hơn.
Ngay cả khi Chính phủ Trung Quốc thay đổi lập trường sang sống chung với COVID, làn sóng người nước ngoài rời Trung Quốc khó có thể bị đảo ngược. Ông Wuttke ước tính rằng khoảng 50% số người châu Âu từng sống ở Trung Quốc đã rời đi kể từ khi đại dịch bắt đầu. “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu những người khác tiếp tục rời đi”.
Khi các quốc gia khác thúc đẩy mở cửa trở lại nền kinh tế, điều này có thể thôi thúc các doanh nghiệp nước ngoài chuyển dịch trụ sở ra khỏi Trung Quốc. “Tôi đang chứng kiến các cuộc thảo luận như vậy”, ông Wuttke nói thêm.