Vốn ngoại đang rút chạy khỏi Trung Quốc với quy mô chưa từng có
Theo Nikkei Asia, dữ liệu thị trường cho thấy khối ngoại bán ròng 38,4 tỷ Nhân dân tệ (6,04 tỷ USD) cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc trong quý I/2022. Đây là một trong những mức bán ròng quý cao nhất từ trước đến nay mà Trung Quốc ghi nhận.
Trong một báo cáo công bố hồi cuối tháng 3, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) nhận định: “Dòng tiền đang rút khỏi Trung Quốc với quy mô và cường độ mà chúng tôi cho là chưa từng có… Việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine có thể đang thúc đẩy nhà đầu tư toàn cầu nhìn Trung Quốc dưới một cặp mắt khác”.
Cũng theo IIF, các thị trường mới nổi khác của thế giới không ghi nhận dòng tiền rút ra với cường độ lớn như vậy, do đó đây có thể coi là hiện tượng bất thường với riêng Trung Quốc.
Giá trị giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến có thể được ước tính thông qua các giao dịch trong kênh kết nối giữa Sở giao dịch chứng khoán đại lục và Hồng Kông.
Theo số liệu của kênh này, dòng vốn nước ngoài vào thị trường cổ phiếu đại lục vẫn tăng ròng cho đến tháng 2, nhưng đã chuyển sang bán ròng 45,1 tỷ Nhân dân tệ vào tháng 3.
Trong khi đó, giá trị trái phiếu Trung Quốc mà các nhà đầu tư ngoại nắm giữ đã giảm mạnh 80,3 tỷ nhân dân tệ trong tháng 2, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1/2015 khi dữ liệu bắt đầu được thống kê.
Kết hợp cả mức bán ròng cổ phiếu và trái phiếu trong quý đầu tiên, Nikkei Asia nhận định đợt bán tháo của khối ngoại lần này chẳng kém gì hồi khủng hoảng dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc năm 2020.
Trước đại dịch COVID-19, dòng vốn ngoại đổ vào chứng khoán Trung Quốc đã tăng vọt trong bối cảnh thị trường tài chính nội địa mở cửa. Tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của Trung Quốc bao gồm cả Hồng Kông (Trung Quốc) trong các quỹ lớn về thị trường mới nổi đã tăng từ mức hơn 10% năm 2008 lên gần 40% ở thời điểm trước dịch.
Nhưng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc đến nay, con số này đã giảm trở lại 29%, nhất là sau sự kiện Bắc Kinh “chấn chỉnh” hàng loạt đại công ty công nghệ và chiến sự ở Ukraine.
Ông Sean Taylor, Giám đốc tài sản DWS (Đức) nhận định vốn ngoại đổ vào Trung Quốc trong 3 năm qua có thể đã bắt đầu chảy ngược trở ra. Đáng chú ý, động thái này không đơn thuần là sự điều chỉnh danh mục đầu tư ngắn hạn của nhà đầu tư ngoại, mà còn là sự xem xét lại chiến lược đầu tư dài hạn khi nhà đầu tư lưu ý hơn đến tình hình địa chính trị toàn cầu.
Riêng với các nhà đầu tư Mỹ, xu hướng rút vốn khỏi Trung Quốc không mới mà đã âm thầm diễn ra từ khi thương chiến Mỹ - Trung bùng nổ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo Nikkei Asia, từ năm 2016, các thương vụ mua lại trong lĩnh vực bất động sản, giải trí… của doanh nghiệp Trung Quốc đã giảm mạnh do Bắc Kinh thắt chặt công tác giám sát đầu tư ra nước ngoài.
Ở phía ngược lại, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài của Mỹ trong những năm gần đây cũng tưng cường xem xét việc đầu tư của các tập đoàn Mỹ vào một số công ty Trung Quốc, bao gồm cả các công ty có liên quan đến sản xuất vũ khí.
Nhà phân tích thị trường Wang Shengzu từ công ty chứng khoán Haitong International (trụ sở Hồng Kông, Trung Quốc) nhận định xu hướng phân tách kinh tế là trường hợp xấu nhất trong tất cả các trường hợp xấu, bởi hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc có sự phụ thuộc sâu sắc và mối quan hệ tài chính phức tạp hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Theo Rhodium Group, các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân Mỹ đã rót vào cổ phiếu, trái phiếu Trung Quốc tới 3,3 nghìn tỷ USD, số liệu tính đến cuối năm 2020. Việc tách rời một mối quan hệ bền chặt như vậy chắc chắn sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng với kinh tế toàn cầu.