Trung Quốc nói gì về vụ Philippines tố phát hiện hơn 200 tàu tập kết bất thường trên biển Đông?
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila hôm 23/3 cho biết, 220 tàu mà Philippines phát hiện đang neo đậu tại bãi đá Ba Đầu là tàu cá và đang trú ẩn do tình hình biển động.
Lực lượng Cảnh sát biển Philippines ngày 21/3 thông báo đã phát hiện 220 tàu do lực lượng dân quân của Trung Quốc điều khiển neo đậu tại bãi đá Ba Đầu ở quần đảo Trường Sa ngày 7/3. Cơ quan này cũng công bố hình ảnh về các tàu được cho là của Trung Quốc.
“Các hoạt động của tàu Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Philippines”, Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố, đồng thời cho biết thêm “sự hiện diện tràn ngập và đầy đe dọa của các tàu Trung Quốc đã tạo ra bầu không khí bất ổn trên Biển Đông".
Hình ảnh đội tàu Trung Quốc tập kết bất thường trên Biển Đông được Philippines chụp lại ngày 7/3/2021
Hôm 23/3, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã bác bỏ các cáo buộc trên của Philippines. Và cho biết, các tàu mà Philippines phát hiện đang neo đậu tại bãi đá Ba Đầu là tàu cá và đang trú ẩn trong những ngày biển động.
“Không hề có lực lượng dân quân trên biển của Trung Quốc như Philippines cáo buộc. Bất kỳ suy đoán nào như vậy không giúp ích gì ngoài việc gây ra sự căng thẳng không cần thiết”, cơ quan ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 21/3 đã lên tiếng chỉ trích động thái này, xem đây là “hành động khiêu khích rõ ràng của việc quân sự hóa khu vực”.
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc ngăn chặn hành vi xâm phạm này và triệu hồi ngay lập tức những tàu này”, ông Lorenzana tuyên bố.
Đại sứ quán Mỹ tại Manila cho biết các tàu thuyền Trung Quốc đã neo đậu ở khu vực này trong nhiều tháng với số lượng ngày càng tăng, bất kể thời tiết, và cáo buộc Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân trên biển của mình để “khiêu khích và đe dọa các quốc gia khác”.
Một tòa án quốc tế đã vô hiệu hóa tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với 90% Biển Đông vào năm 2016, nhưng Bắc Kinh không công nhận phán quyết, đồng thời còn xây dựng các đảo trong vùng biển tranh chấp với trang bị radar, tên lửa và đường băng cho máy bay chiến đấu.
H.A (Theo Reuter)