Trung Quốc thông qua luật chống lại các lệnh trừng phạt của nước ngoài
Trung Quốc đã ban hành luật mới nhằm chống lại các lệnh trừng phạt của nước ngoài, để đáp trả những nỗ lực của Mỹ và Châu Âu nhằm gây áp lực với Bắc Kinh về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, thương mại và công nghệ.
Truyền thông Trung Quốc cho biết, vào ngày 10/6, các thành viên cấp cao của cơ quan lập pháp Trung Quốc đã thông qua “luật chống trừng phạt nước ngoài”, sau một quá trình khẩn trương bỏ qua tham vấn cộng đồng và đòi hỏi các nhà lập pháp xem xét dự luật 2 lần thay vì 3 lần như thông thường.
Giới học thuật và truyền thông nhà nước Trung Quốc đã mô tả luật này như một sự bổ sung kịp thời cho bộ công cụ pháp lý của Bắc Kinh để chống lại sự áp bức của phương Tây, bằng cách thiết lập các cơ chế trả đũa những lệnh trừng phạt của nước ngoài và giảm thiểu tác động của chúng đối với các thực thể và cá nhân Trung Quốc.
Chính phủ Mỹ và các chính phủ phương Tây khác đã tăng cường sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế và chính trị chống lại Trung Quốc trong năm qua hoặc lâu hơn với những gì họ nói là hoạt động công nghiệp không công bằng hay sự vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh.
Vào ngày 10/6, các thành viên cấp cao của cơ quan lập pháp Trung Quốc đã thông qua “luật chống trừng phạt nước ngoài”, sau một quá trình khẩn trương bỏ qua tham vấn cộng đồng. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký duyệt đạo luật và luật sẽ có hiệu lực khi được công bố. Toàn văn của luật vẫn chưa được phát hành vào tối 10/6 theo giờ Bắc Kinh.
Các nhà quan sát cho rằng việc nhanh chóng thông qua luật mới là đỉnh điểm trong những yêu cầu của ông Tập Cận Bình, được đưa ra vào tháng 11/2020, kêu gọi cải thiện nhanh hơn khung pháp lý của Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích của nước này trong việc đối phố với nước ngoài.
Dù luật đã được xây dựng trong nhiều tháng, truyền thông nhà nước chỉ tiết lộ sự tồn tại của bản dự thảo vào ngày 7/6, nói rằng dự luật đã sẵn sàng để xem xét lại lần thứ 2 và thông qua cuối cùng trong tuần này bởi Ủy ban Thường vụ của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc. Các nhà lập pháp cấp cao đã xem xét dự luật lần đầu tiên vào tháng 4, nhưng không công bố vào thời điểm đó.
Các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài bày tỏ lo ngại về những gì họ coi là bí mật bất thường. Joerg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc, đã phát biểu trước khi đạo luật được thông qua: “Các công ty Châu Âu ở Trung Quốc đang lo lắng về sự thiếu minh bạch trong quá trình này - lần duyệt đầu tiên chưa bao giờ được công bố và không có dự thảo nào để xem xét”.
Ông Wuttke cho biết: “Hành động như vậy không có lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài hoặc trấn an các công ty ngày càng cảm thấy rằng họ sẽ bị sử dụng như những con tốt hy sinh trong một ván cờ chính trị".
Greg Gilligan, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, từ chối đưa ra bình luận chi tiết về luật cho đến khi có thêm thông tin cụ thể, nhưng nói: “Khi có bất kỳ bất đồng nào xuyên biên giới, các chính phủ cần phải hợp tác để giải quyết vấn đề này theo cách cho phép các doanh nghiệp duy trì sự tuân thủ pháp lý trong phạm vi quyền hạn mà họ được phép hoạt động".
Luật mới được thông qua sau một loạt các biện pháp trừng phạt ăn miếng trả miếng giữa Trung Quốc và các chính phủ phương Tây trong hơn một năm qua.
Chính quyền của ông Trump và ông Biden đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào các quan chức cấp cao của Trung Quốc, bao gồm thành viên của Bộ Chính trị gồm 25 đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các phó chủ tịch ủy ban thường vụ của cơ quan lập pháp Trung Quốc và một số quan chức liên quan đến chính sách Hồng Kông. Anh quốc, Canada và Liên minh Châu Âu cũng đã công bố các biện pháp tương tự.
Trước đây, Washington cũng đã áp dụng những biện pháp trừng phạt đối với các công ty và cá nhân Trung Quốc mà họ cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên và Iran.
Bắc Kinh đã tố cáo các biện pháp trừng phạt như vậy là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và gia tăng sự đáp trả bằng các biện pháp của riêng mình.
Ví dụ, Trung Quốc đã cấm một số quan chức chính quyền thời tổng thống Trump làm ăn với hoặc nhập cảnh vào nước này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã công bố kế hoạch — mà không cung cấp chi tiết — trừng phạt một số nhà thầu quốc phòng Mỹ đã tham gia vào hoạt động bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan.
Vào tháng 1, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố các quy tắc mới để chống lại cái mà họ gọi là luật nước ngoài phi lý và các biện pháp trừng phạt nhắm vào những công ty và công dân Trung Quốc, trong số các bước khác, sẽ cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc kiện lên tòa án Trung Quốc để được bồi thường vì những thiệt hại do các biện pháp nước ngoài gây ra.
Sau đó, vào tháng 3, Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã thông qua kế hoạch cải thiện bộ công cụ pháp lý của Trung Quốc để chống lại các biện pháp trừng phạt, can thiệp và “quyền tài phán lâu dài” từ nước ngoài.
Tiệp Nguyễn