TS Cấn Văn Lực: 5 khó khăn trong phát triển thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam
Trên thế giới và khu vực, thị trường tín dụng xanh và trái phiếu xanh đã phát triển nhanh trong những năm gần đây với các dự án tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ sạch cùng các dự án có gắn các mục tiêu môi trường nhằm hướng đến mục tiêu “kép” là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Riêng khu vực ASEAN + 3, theo Báo cáo của ADB, thị trường trái phiếu bền vững đạt quy mô gần 800 tỷ USD năm 2023, gấp hơn 7 lần so với 2017.
Tuy nhiên, chia sẻ tại Hội thảo “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách” tổ chức ngày 3/4, các chuyên gia kinh tế đánh giá, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh. Tín dụng xanh mới chiếm khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế; con số 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh phát hành trong 5 năm qua vẫn còn rất nhỏ bé so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.
TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV thông tin: Trong năm 2021, Công ty cổ phần Vinpearl – thuộc tập đoàn Vingroup - đã phát hành trái phiếu bền vững bằng USD, có quyền chọn nhận cổ phiếu, kỳ hạn 5 năm, đáo hạn năm 2026, lãi suất 3,25%/năm. Trái phiếu được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Singapore và điều chỉnh theo pháp luật của nước Anh.
Kế đến là trái phiếu của Công ty cổ phần Bất động sản BIM (BIM Land) với giá trị phát hành là 200 triệu USD. Đây là trái phiếu có thời hạn 5 năm, được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Singapore và được điều chỉnh theo luật của tiểu bang New York, Hoa Kỳ.
Sang năm 2022, Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance) – công ty con của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lần đầu tiên đã phát hành thành công trái phiếu xanh tại thị trường trong nước với giá trị 1.725 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm, đáo hạn năm 2032. Trong đó, Công ty GuarantCo (thuộc Tập đoàn đa quốc gia PIDG) đã thực hiện bảo lãnh thanh toán một phần cho trái phiếu của EVNFC với giá trị 1.150 tỷ đồng.
Trái phiếu này là trái phiếu thường theo quy định của pháp luật Việt Nam và được xác nhận là trái phiếu xanh theo nguyên tắc Trái Phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA) và tự nguyện tuân thủ theo tiêu chuẩn Trái Phiếu Xanh Đông Nam Á (AGBS).
Năm 2023, BIDV đã trở thành tổ chức tín dụng đầu tiên phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh, kỳ hạn 5 năm theo Nguyên tắc Trái phiếu Xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA), được xếp hạng bởi Moody’s.
Tổng hợp lại, theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh.
Theo TS Cấn Văn Lực, thị trường trái phiếu xanh Việt Nam còn gặp 5 hạn chế, khó khăn chính:
Đầu tiên là còn thiếu các hướng dẫn chi tiết của các cơ quan chức năng, đặc biệt là thiếu thông tin, tiêu chí về dự án xanh, về xã hội và môi trường tại Việt Nam; cơ chế quản lý, giám sát việc sử dụng nguồn vốn xanh huy động từ trái phiếu, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan…v.v.
Tiếp đó là nhận thức, hiểu biết và hành động cụ thể của các bên liên quan (cơ quan quản lý, chủ thể phát hành, nhà đầu tư, tổ chức trung gian…) về ưu tiên phát triển trái phiếu xanh còn hạn chế.
Bên cạnh đó, khung pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng nhà đầu tư…trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn chưa hoàn thiện, chưa theo kịp, trong khi niềm tin bị suy giảm bởi các vụ việc sai phạm trên thị trường chứng khoán và bất động sản
Ngoài ra, Việt Nam chưa có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành và đầu tư trái phiếu xanh.
Và cuối cùng, kinh tế khó khăn (nhất là những năm dịch bệnh và suy giảm) khiến ưu tiên đầu tư phát triển bền vững, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu bị thay đổi, có chỗ bị giảm đi.
Giải pháp phát triển tài chính xanh tại Việt Nam
Cùng với cổ phiếu xanh và tín dụng xanh, trái phiếu xanh là những kênh huy động nguồn lực chính cho phát triển tài chính xanh ở Việt Nam. Để phát triển tài chính xanh tốt hơn, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể để phát triển thị trường tài chính xanh một cách hài hòa, hiệu quả giữa các kênh dẫn vốn, gắn với các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Từ sự nghiên cứu thực tiễn của Malaysia và Trung Quốc, chia sẻ tại hội thảo, TS Cấn Văn Lực đề xuất 10 nhóm giải pháp phát triển tài chính xanh ở Việt Nam.
1: Cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển KT-XH;
2: Ban hành và áp dụng tiêu chí, tiêu chuẩn môi trường đối với ngành, nghề, lĩnh vực cụ thể; xác định lĩnh vực ưu tiên;
3: Ban hành chính sách thay đổi hành vi (nhất là tiêu dùng, sinh hoạt...);
4: Cơ chế, phương thức đánh giá tác động môi trường (tiêu chí “dự án, công trình, nhà máy xanh....
5: Hỗ trợ tài chính (thuế, phí, lãi suất...) cho các sản phẩm, dịch vụ, tiêu dùng “xanh”
6: Thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư “xanh”
7: Đầu tư cơ sở hạ tầng “xanh” (năng lượng tái tạo, công nghệ khai khoáng....); khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo (xe điện, xe tiết kiệm năng lượng...);
8: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tham gia quá trình xanh hóa,
9: Tăng hiệu quả phối kết hợp giữa các bên liên quan;
10. Xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu phục vụ dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro môi trường biến đổi khí hậu…