Thiếu khung pháp lý, nguồn vốn xanh khó vào Việt Nam

Hạ An 08:49 | 26/03/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt trong việc tiếp cận nguồn vốn xanh từ các định chế quốc tế là thiếu khung pháp lý. Tại Việt Nam, chưa có những tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể về dự án như thế nào là xanh và được hưởng nguồn vốn ưu đãi.

Thiếu khung pháp lý cho tín dụng xanh

Mặc dù nhu cầu của doanh nghiệp là rất lớn nhưng trên thực tế việc tiếp cận nguồn vốn xanh từ các định chế tài chính, các ngân hàng tại Việt Nam vẫn đang gặp rào cản về khung pháp lý.

Chia sẻ tại toạ đàm Xây lợi thế - Vững tương lai cùng Sáng kiến ESG diễn ra mới đây,  bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết mặc dù Việt Nam đã có nhiều cam kết về chuyển đổi xanh, hạn chế phát thải carbon nhưng số vốn cho quá trình chuyển đổi này vẫn còn rất hạn chế.

Qua khảo sát 10 nhà máy sản xuất lớn và vừa, bà Thuỷ cho biết hầu hết họ đều cho biết dùng vốn tự có của doanh nghiệp chứ không dùng vốn tín dụng. Vốn cho quá trình chuyển đổi xanh hiện mới chiếm chưa đến 4,5% tổng dư nợ tín dụng năm 2023. "Đây một con số rất khiêm tốn", bà Thuỷ nhận xét.

Vị này cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là thiếu khung pháp lý cho các dự án xanh. “Chúng ta đang thiếu khái niệm thế nào là xanh. Doanh nghiệp cho rằng công nghệ này là xanh nhưng ngân hàng từ chối. Điều này khiến tín dụng xanh từ bên ngoài, hiện đang "dừng" rất nhiều ở biên giới chứ chưa đi vào nội địa bởi còn đang chờ đợi khung pháp lý", bà nói.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV). (Ảnh: N.T).

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Quang Duy, Phó giám đốc đầu tư toàn cầu, Bộ phận tài chính khí hậu, Quỹ Respons Ability Investments AG (Thụy Sỹ), cũng cho rằng không chỉ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn đầu tư phục vụ cho chuyển đổi xanh mà chính các ngân hàng, quỹ đầu tư cũng tìm kiếm dự án để rót vốn.

Để chuyển đổi xanh, hầu hết doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính bởi đây là quá trình dài hạn cần sự đầu tư đồng bộ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam lại khó tiếp cận vốn xanh bởi rào cản về khung pháp lý, chứng nhận xanh hoá.

Ông Bùi Quang Duy, Phó giám đốc đầu tư toàn cầu, Bộ phận tài chính khí hậu, Quỹ Respons Ability Investments AG (Thụy Sỹ). (Ảnh: Hạ An).

Không chỉ với Việt Nam, thực trên các nước khác trên thế giới cũng có rất nhiều định nghĩa về tín dụng xanh, mỗi nước lại có một khung pháp lý, tiêu chuẩn khác biệt rằng như thế nào là xanh. Cơ bản nhất có thể dựa vào mức độ phát thải carbon mà doanh nghiệp xả ra môi trường.

Tiêu chí đầu tiên mà quỹ Respons Ability Investments AG đầu tư là doanh nghiệp phải có giải pháp để tiết giảm việc phát thải ròng ra môi trường. Và thứ hai là đo lường mức độ tiết kiệm phát thải của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp có phương án để doanh nghiệp giảm ít nhất 20% lượng phát thải là có thể đáp ứng điều kiện của  khoản vay.

"Đồng thời, quỹ của chúng tôi cũng hướng tới xây dựng công cụ cho doanh nghiệp đo lường lượng phát thải giảm được với nguồn vốn mới so với cách làm cũ, mục tiêu tiết kiệm khí thải có đạt được hay không, càng chi tiết càng tốt", ông Duy nói.

Đại diện quỹ Respons Ability Investments AG cho biết những khoản vay tín dụng xanh đa phần đều có cơ chế ưu đãi và đặc biệt là nguồn vốn rất dài hạn. Những định chế tài chính có sự cam kết chuyển đổi xanh nên đều ưu tiên cho các khoản đầu tư dài hạn nên rất có lợi với doanh nghiệp nếu tiếp cận được.

Chuyển đổi xanh là xu thế bắt buộc

Chuyển đổi xanh không đơn giản là một sự lựa chọn mà còn là một xu thế bắt buộc đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hay xuất khẩu để không bị tụt hậu hay bị loại khỏi “cuộc chơi”.

Bà Phạm Ngọc Thủy nhấn mạnh áp lực chuyển đổi xanh ngày càng lớn với các doanh nghiệp, những rào cản kỹ thuật để duy trì chuỗi cung ứng với doanh nghiệp nước ngoài hoặc mở rộng ra các thị trường mới đang ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, các quy định mới của châu Âu về carbon, ngành thép nếu không thay đổi có thể chịu ảnh hưởng lớn khi một tấn thép có thể gánh tới gần 100 USD thuế, phí môi trường.

Các doanh nghiệp đầu chuỗi từ Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ đã chuyển đổi xanh gây áp lực phải chuyển đổi đối với các doanh nghiệp nằm trong chuỗi. "Nếu chúng ta không có sự chuyển động, thực hành ESG để phù hợp với diễn biến quốc tế thì nhiều cơ hội của doanh nghiệp sẽ bị đóng cửa”, bà Thủy thẳng thắn nói.

Theo bà trật tự thế giới mới gắn với năng lực số, năng lực xanh đang dần hình thành. Quốc gia nào chậm chân sẽ bị ảnh hưởng. Nhiều quốc gia đối tác quan trọng với Việt Nam đã ban hành các quy định về phát triển bền vững và thực hành ESG, ví dụ CBAM, EUDR của châu Âu hay dự luật Cạnh tranh sạch của Mỹ.

Xây dựng khu công nghiệp xanh 

Phối cảnh Phối cảnh VSIP Cần Thơ. (Ảnh minh hoạ).

Nêu ví dụ về mô hình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững tại báo cáo gửi tới Đại hội Liên Chi hội Tài chính Khu công nghiệp chiều 25/3, TS Scott McDonald, Đại học RMIT, cho rằng không chỉ các doanh nghiệp chuyển đổi xanh mà cần phải xây dựng những khu công nghiệp xanh hay khu công nghiệp bền vững để làm sứ giả cho phong trào chuyển đổi xanh.

Có nhiều ví dụ từ khắp nơi trên thế giới mà Việt Nam có thể học hỏi và làm theo, chẳng hạn như khu công nghiệp Kalundborg ở Đan Mạch. Là một cộng đồng nhỏ ven biển, thành phố Kalundborg tiết kiệm được 24 triệu euro hàng năm nhờ khu công nghiệp bền vững này. Nhưng khoản tiết kiệm không chỉ dừng lại ở phương diện tài chính, quy trình hoạt động của khu công nghiệp này còn giúp giảm tiêu thụ 635.000 tấn CO2, khoảng 3,6 triệu mét khối nước, 100 GWh năng lượng và 87.000 tấn vật liệu rắn. Đó là kết quả không tệ đối với một thị trấn chỉ có 16.000 dân.

Các khu công nghiệp bền vững trong tương lai ở Việt Nam có thể bao gồm cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo, hệ thống quản lý nước hiệu quả, cơ sở tái chế chất thải và không gian xanh để giảm tác động đến môi trường.

Ngoài ra, các khu công nghiệp bền vững chú trọng vào hiệu quả sử dụng tài nguyên bằng cách thúc đẩy phương pháp sản xuất sạch hơn, giảm tiêu thụ năng lượng và qua đó giảm lượng khí thải carbon, tối ưu hóa việc sử dụng nước, giảm thiểu phát sinh chất thải thông qua các nguyên tắc tái chế và kinh tế tuần hoàn.

Các khu công nghiệp sở hữu các chứng nhận xanh, chẳng hạn như LEED (thiết kế đạt chuẩn hàng đầu về năng lượng và môi trường) hoặc EDGE (thiết kế xuất sắc để đạt hiệu quả cao hơn) do Viện chứng nhận công trình xanh (GBCI) cấp, nhằm thể hiện việc tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và thông lệ bền vững.

Nhờ việc đầu tư vào các khu công nghiệp xanh doanh nghiệp cũng có thể hưởng lợi từ nhiều ưu đãi, lợi ích về thuế và hỗ trợ của chính phủ, bao gồm giảm giá thuê đất, miễn thuế, cho vay ưu đãi và các khoản trợ cấp nhằm hỗ trợ công nghệ thân thiện với môi trường. Các nhà đầu tư cũng có thể tiếp cận các lựa chọn tài chính xanh và quỹ đầu tư bền vững, nhờ đó mà tạo được thêm nhiều cơ hội tăng trưởng.