Từ zero COVID, khủng hoảng BĐS đến nắng nóng kỷ lục, mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc đối diện thách thức lớn

Phương Lê (theo The New York Times, CNN) 16:08 | 19/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài tại Trung Quốc khiến các nhà máy đóng cửa, gián đoạn nguồn cung cấp điện. Tình trạng này làm lung lay mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2022, khiến các ngân hàng đầu tư lớn đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng của nước này.

Trong đợt nắng nóng được cho là gay gắt nhất tại Trung Quốc trong 6 thập kỷ, các nhà máy ở phía tây nam của đất nước đang buộc phải đóng cửa. Hạn hán nghiêm trọng đã làm cạn các con sông, gây gián đoạn nguồn cung cấp nước và thủy điện của khu vực, đồng thời hạn chế nguồn cung điện cho các doanh nghiệp và hộ gia đình. Tại hai thành phố, các tòa nhà văn phòng đã được lệnh tắt máy điều hòa để dự phòng khi lưới điện hoạt động quá mức, trong khi những nơi khác ở miền nam Trung Quốc, chính quyền địa phương kêu gọi người dân và doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng. 

Sự cố mất điện và ngừng hoạt động của nhà máy, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Toyota và nhà cung cấp cho Apple - Foxconn. Đây là những ví dụ cụ thể để hình dung một phần tác động nghiêm trọng của tình trạng thời tiết khắc nghiệt đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Số liệu chính thức được công bố ngày 15/7 cho thấy tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý II/2022 chỉ đạt 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức dự báo 1% của giới chuyên gia và là mức thấp nhất trong 2 năm qua. Đây được xem là hệ quả của chính sách đóng cửa, hạn chế đi lại phòng dịch Covid nghiêm ngặt khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và các nhà máy hạn chế sản xuất. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đang lên mức cao kỷ lục, trong khi khủng hoảng thị trường bất động sản gia tăng thêm áp lực.

Trong bối cảnh đó, tình trạng nắng nóng đang tiếp tục gây áp lực lên triển vọng tăng trưởng.

Nhà máy đóng cửa, thiếu điện và những cánh đồng khô hạn

Trung Quốc đang phải đối mặt một đợt nắng nóng dữ dội trong hơn 2 tháng, từ trung tâm Tứ Xuyên đến ven biển Giang Tô, nhiệt độ thường xuyên vượt 40 độ C. 

Tại thủ phủ phía tây nam của Trùng Khánh, nhiệt độ tăng lên 45 độ C vào hôm 18/5, khiến chính phủ phải ban hành cảnh báo nhiệt cao nhất lần thứ 8 trong mùa hè này. Theo thống kê từ Trung tâm khí tượng Trung Quốc, nước này đã ghi nhận trung bình 12 ngày nhiệt độ cao trong mùa hè này, nhiều hơn so với 5 ngày thường lệ. Đợt nắng nóng này được dự báo sẽ kéo dài ít nhất một tuần nữa. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn, nắng nóng gay gắt dự kiến ​​sẽ làm giảm đáng kể quy mô thu hoạch lúa của Trung Quốc vì gây ra hạn hán kéo dài, gây khô hạn những cánh đồng lúa vốn được tưới bằng nước mưa. 

Nhà nghiên cứu Fang Fuping tại Viện Nghiên cứu Lúa gạo Trung Quốc ở Hàng Châu, cho biết: “Vào thời điểm này, nắng nóng đang có những tác động nghiêm trọng và vô cùng bất lợi”. 

Thời tiết khắc nghiệt cũng ảnh hưởng đến các ngành nông nghiệp khác. Ở phía đông thành phố Hàng Châu, nông dân trồng chè chuẩn bị cho vụ thu hoạch mùa thu đã dùng lưới che nắng cho cây trồng để tránh cái nóng như thiêu đốt.

Ở các thành phố, người lái xe ô tô giừ đây cũng trang bị khăn che mặt và tay áo để khỏi bị cháy nắng. Người dân và nhân viên giao hàng tránh nóng bằng cách trú ẩn dưới lòng đất hoặc bơi trong sông, hồ bơi. Nhân viên văn phòng chật vật giải nhiệt bằng nước đá và đồ ăn nhẹ đông lạnh.

Ella Wan, một nhân viên bất động sản 24 tuổi ở phía đông thành phố Hàng Châu, cho biết: “Trời quá nóng, giống như một cái lò nung”. Cô đã phải giải tỏa cơn nóng bằng cách đặt một xô đá lớn trên sàn nhà và cho rằng việc này có tác động về mặt vật lý lẫn tâm lý.

Nắng nóng đỉnh điểm cũng ảnh hưởng đáng kể đến các loài động vật. Gấu trúc trong vườn thú nằm trên những tảng băng tan. Truyền thông đưa tin, những con gà biếng ăn và phải vật lộn để đẻ trứng trong thời tiết nắng nóng, khiến giá trứng gà tăng vọt trên khắp cả nước. 

Li Xinyi, chủ một trang trại gà ở phía đông thành phố Hợp Phì, nói với một trang tin tức địa phương rằng anh ta đã lắp một chiếc quạt lớn trong chuồng gà của mình để giữ nhiệt độ không vượt quá 88 độ F, nhưng vẫn nhận được ít trứng hơn bình thường. Một nông dân khác ở tỉnh Hà Nam, miền Trung, nói với một tờ báo rằng khoảng 20% ​​gà mái của anh ta không chịu đẻ trứng.

Tại Trùng Khánh, một đô thị rộng lớn ở tây nam Trung Quốc với khoảng 20 triệu dân, nắng nóng cộng thêm một đợt hạn hán nghiêm trọng, làm khô hạn 51 con sông và 24 hồ chứa, đồng thời làm gián đoạn nguồn cung cấp nước của hơn 300.000 cư dân. Một số tỉnh thành khác cũng đang trải qua hạn hán dự kiến ​​sẽ tồi tệ hơn trong những tuần tới.

Với lượng mưa ít ỏi, sông Dương Tử, con sông dài thứ ba thế giới, đã rút xuống mức thấp kỷ lục, giảm từ 16 đến 20 feet so với cùng kỳ năm ngoái. “Tình hình của các hồ chứa ở thượng nguồn sông Dương Tử thật tồi tệ”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên nước Liu Weiping, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 17/8.

Ở Tứ Xuyên, một tỉnh phụ thuộc nhiều vào thủy điện, hạn hán đã làm căng thẳng nguồn cung điện. Zhou Jian, phó kỹ sư trưởng của Trung tâm Kiểm soát Điện lực Tứ Xuyên của Sichuan cho biết công suất các nhà máy thủy điện đã giảm một nửa. Để tiết kiệm năng lượng, các ga tàu điện ngầm và xe lửa ở tỉnh lỵ Thành Đô của Tứ Xuyên đã tắt đèn trên cao, trong khi các tòa nhà văn phòng ở đó cũng như thành phố lân cận Dazhou được yêu cầu ngừng sử dụng máy lạnh. 

Tỉnh cũng đã ban hành lệnh yêu cầu các nhà máy tạm ngừng hoạt động từ ngày 15 đến 20/8. Toyota và Foxconn, một nhà cung cấp cho Apple, là một trong số các công ty xác nhận rằng các nhà máy của họ sẽ tuân thủ quy định này. 

Các nhà khoa học khí hậu cho biết, tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tăng lên trong vài thập kỷ tới, do lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu giảm chậm. 

Xiaoming Shi, trợ lý giáo sư tại Khoa môi trường và bền vững của Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông cho biết: “Theo xu hướng này, các đợt nắng nóng cực đoan trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến các khu vực rộng lớn hơn và tác động đến dân số trên diện rộng hơn”. 

Mục tiêu tăng trưởng đối diện những thách thức

Khi Trung Quốc đang phải vật lộn với đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong vòng 60 năm, các ngân hàng đầu tư lớn đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của nước này. 

Cụ thể, Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay từ 3,3% xuống 3%, sau khi tính đến dữ liệu kinh tế yếu hơn dự báo ​​trong tháng 7 cũng như những hạn chế về năng lượng do đợt nắng nóng. Động thái này đánh dấu lần cắt giảm thứ ba của ngân hàng kể từ tháng 5. 

Các nhà phân tích của Goldman cho biết: “Mùa hè khô nóng bất thường đã gây căng thẳng cho việc cung cấp điện, dẫn đến việc cắt giảm sản lượng ở một số tỉnh và một số lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng,” các nhà phân tích của Goldman cho biết trong một báo cáo được công bố vào hôm 17/8.

Họ cho biết: “Mặc dù chúng tôi không kỳ vọng tình trạng mất điện và ngừng sản xuất sẽ lặp lại do nguồn cung than vẫn dồi dào, nhưng những hạn chế về năng lượng có thể sẽ làm chậm tốc độ phục hồi trong tháng 8 so với kỳ vọng trước đó của chúng tôi”.

Vào nửa cuối năm ngoái, một cuộc khủng hoảng năng lượng đã gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng ở Trung Quốc. Các vụ mất điện được cho là do nhu cầu điện tăng vọt và tình trạng thiếu than, loại than Trung Quốc sử dụng để sản xuất khoảng 60% điện năng.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cũng chỉ ra những dữ liệu kinh tế tháng 7 được công bố đã cho thấy một bức tranh rõ ràng về nhu cầu suy yếu trong nước. Họ nói thêm rằng sự tái bùng phát của dịch Covid gần đây cũng là một rào cản đối với sự phục hồi ngắn hạn của Trung Quốc.

Hôm 18/8, Nomura cũng hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay từ 3,3% xuống 2,8% do mất đà trong tháng 7, sự tái bùng phát của Covid và đợt nắng nóng.

"Tăng trưởng của Trung Quốc trong nửa cuối năm có khả năng bị cản trở đáng kể bởi chiến lược zero-Covid, lĩnh vực bất động sản xấu đi, điều kiện tài chính tồi tệ của chính quyền địa phương và khả năng tăng trưởng xuất khẩu chậm lại", các nhà phân tích của Nomura cho biết.

Tại một cuộc họp chính trị quan trọng vào tháng trước, các nhà lãnh đạo hàng đầu không đề cập gì tới mục tiêu tăng trưởng GDP mà chính phủ đã đặt ra trong năm là 5,5%.