Tuyên phạt gần 100 năm tù cho nhóm đối tượng giả danh công an lừa đảo qua điện thoại

22:25 | 19/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau 2 ngày xét xử chiều ngày 19/11, TAND Tp Hồ Chí Minh đã tuyên mức án gần 100 năm tù cho 10 bị cáo trong đường dây giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát lừa đảo qua điện thoại.
Băng nhóm giả danh cơ quan luật pháp nhà nước lừa đảo tại tòa
Băng nhóm giả danh cơ quan luật pháp nhà nước lừa đảo tại tòa
 
Các đối tượng giữ vai trò chủ chốt trong vụ án giả danh công an lừa đảo qua điện thoại bị tuyên phạt các mức án như sau: Pan Chu Lin (sinh năm 1997) 15 năm tù, Chiu Po Sung (sinh năm 1997) 13 năm tù, Hou Po Ta (sinh năm 1993) 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ba đối tượng này đều mang quốc tịch Đài Loan – Trung Quốc.

Các bị cáo còn lại với vai trò đồng phạm: Hou Po Ta - 10 năm (người Đài Loan - Trung Quốc), Nguyễn Doãn Toàn - 8 năm, Bùi Quang Hải - 12 năm, Nguyễn Thái Dũng - 6 năm, Nguyễn Tông Long - 6 năm, Nguyễn Doãn Phong - 10 năm, Trang Thị Châu Đoan - 7 năm, Dương Văn Tùng - 5 năm.
 
Theo cáo trạng của VSKSND tối cao, đầu tháng 1.2018, hai đối tượng tên Hồng Trà, Tiểu Lâm (chưa rõ lai lịch) cấu kết với một số người nước ngoài là Pan Chu Lin, Chiu Po Sung, Hou Po Ta giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện thoại đến những người bị hại, rồi đưa thông tin họ liên quan đến phạm tội, đe dọa bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để chúng kiểm tra. Sau khi bị hại chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định thì Pan Chu Lin, Chiu Po Sung cùng đồng phạm rút ra chia nhau sử dụng vào mục đích cá nhân.
 
Cụ thể, các bị cáo đã giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện cho các bị hại rồi tung thông tin họ liên quan đến tội phạm, chuyển tiền vào tài khoản của nhóm này để xác minh. Bằng thủ đoạn tinh vi, có âm mưu, tính toán chặt chẽ, nhóm Pan Chu Lin đã thực hiện 18 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 10,7 tỷ đồng.
 
Trong số 18 vụ mà các bị cáo lừa đảo, phần đông bị hại là phụ nữ và những người lớn tuổi. Điển hình, bà C.T.B.N (sinh năm 1952, ngụ quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) nhận được cuộc gọi vào trưa 19/1/2018 của đối tượng xưng là Công an thông báo bà nợ Vietcombank. Người này khẳng định bà liên quan đến vụ lừa đảo trên hệ thống ngân hàng và tiền trong tài khoản của bà là tiền của ngân hàng. Nhóm này yêu cầu bà N. ra Hà Nội làm việc với Cơ quan điều tra và chuyển tiền vào tài khoản để xác minh. Tin là thật, bà N. ra ngân hàng chuyển 1,4 tỷ đồng vào tài khoản chỉ định và bị chiếm đoạt.
 
Sau khi lừa thành công bà N., nhóm này tiếp tục gọi vào số điện thoại bàn của gia đình ông H.C.C (sinh năm 1969, ngụ quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh), thông báo ông C. có 1 bưu phẩm gồm 1 quyển sách và 23 thẻ ATM liên quan đến tội phạm nên cần phải cung cấp nhân thân, tài khoản ngân hàng để kiểm tra. Để minh oan cho mình, ông C. đã đi rút hơn 2,2 tỷ đồng theo yêu cầu rồi mở 3 tài khoản ngân hàng, dùng các số điện thoại do nhóm này cung cấp để đăng ký Internet banking. Sau khi ông C. chuyển tiền, ngay lập tức nhóm này chuyển vào tài khoản của Bùi Quang Hải 850 triệu đồng.
 
Cá biệt, bà P.V.A (sinh năm 1980, ngụ Hà Nội) công tác tại một đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng vẫn bị "sập bẫy". Bà A. được các đối tượng thông báo liên quan đến một đường dây ma túy xuyên quốc gia, tiền trong tài khoản là tiền phi pháp; đồng thời gửi cho bà A. một lệnh bắt khẩn cấp của tòa án qua Zalo. Lo sợ, bà A. đã chuyển tổng cộng 340 triệu đồng.
 
Tại phiên tòa, phần lớn các bị cáo thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Một số bị cáo cho rằng mình chỉ đi rút tiền thuê cho các bị cáo chủ mưu, không có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của bị hại.
 
HĐXX nhận định cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan sai. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tới tài sản của người khác, chiếm đoạt số tiền lớn nên cần xử lý nghiêm. Trong vụ án này, bị cáo Pan Chu Lin là người có vai trò chủ chốt, thực hiện 15 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên mức án cần phải nghiêm khắc hơn những bị cáo khác trong vụ án. Một số bị cáo có nhân thân tốt, hoàn cảnh khó khăn, thành khẩn khai báo, đã khắc phục một phần hậu quả, có con nhỏ… Sau khi cân nhắc, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX đã tuyên phạt các bị cáo mức án như trên.
 
Ngoài hình phạt về hình sự thì HĐXX cũng buộc các bị cáo phải bồi thường lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.
 
Hải An (t/h)
 

ĐỌC NHIỀU