Ưu tiên thanh toán khối lượng hoàn thành dự án đầu tư công trung hạn chuyển tiếp 2021-2025

11:06 | 06/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là nội dung được quy định tại Công văn số 5006/BKHĐT-TH gửi các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2021.

Căn cứ Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 29/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 5006/BKHĐT-TH gửi các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2021 và gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính trước ngày 15/8/2020. 

Ưu tiên thanh toán khối lượng hoàn thành dự án đầu tư công trung hạn chuyển tiếp 2021-2025 - ảnh 1
Ảnh minh họa. 
Năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, do vậy việc triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2021 phải bám sát các mục tiêu, chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2021.

Theo đó, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công năm 2021 phù hợp với hướng dẫn xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 quy định tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và khả năng cân đối các nguồn vốn đầu tư năm 2021.

Trong đó, việc bố trí vốn kế hoạch đầu tư nguồn NSNN phải thực hiện đúng thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025. Bố trí vốn cho dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư; nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư theo quy định; cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho các Ngân hàng chính sách.

Đồng thời, ưu tiên bố trí vốn cho dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước và bảo đảm phát triển hài hòa giữa các địa phương, vùng lãnh thổ. Mức vốn bố trí cho từng dự án phải phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân trong năm 2021. Đối với vốn nước ngoài, việc bố trí kế hoạch phải phù hợp với nội dung của Hiệp định, cam kết với nhà tài trợ; bố trí đủ vốn cho các dự án kết thúc hiệp định vay nước ngoài trong năm 2021 và không có khả năng gia hạn.

Việc xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2021 phải thực hiện theo các quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN, các Nghị định hướng dẫn và Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 29/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021.

Công văn nêu rõ, việc bố trí vốn NSNN năm 2021 phải đảm bảo đủ vốn NSNN năm 2021 cho các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2021 để phát huy hiệu quả đầu tư; các dự án bố trí vốn quá thời gian quy định của giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 phải tập trung bố trí vốn hoàn thành trong năm 2021, hạn chế tối đa việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân kéo dài thời gian bố trí vốn cho các dự án này.

Ưu tiên bố trí vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành của các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025. Bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo tiến độ được phê duyệt.

Bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2021 theo tiến độ nhưng đảm bảo thời gian bố trí vốn của dự án theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật Đầu tư công (dự án nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 04 năm và nhóm C không quá 3 năm).

Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới có tính chất liên vùng, giao thông cấp bách, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, xử lý sạt lở, bờ sông, bờ biển, an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư,….

Ngoài ra, Công văn cũng hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; Xây dựng kế hoạch vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.