Văn hóa kinh doanh là đưa nghệ thuật và đạo đức vào giao thương
Doanh nhân Nguyễn Nga: Là người Việt Nam, đất nước có hơn bốn ngàn năm văn hiến, lại sinh ra trong một gia đình gốc Hà Nội và Kinh Bắc, tôi đã mang trong mình “gene” của một nền văn hóa tinh hoa Việt trong từng tế bào.
Khi đi du học tại Pháp, được giao thoa, tiếp thu, trau dồi và phát huy những nét đẹp nhất của 2 nền văn minh Pháp-Việt nên khi trở về quê hương, tôi như con cá hồi quay về đúng dòng suối nơi nó sinh ra để gieo lại hạt giống tinh hoa của nòi giống, sau khi đã hội tụ được tinh hoa của đại dương, biển cả.
Chúng ta chẳng từng tự hào đã có một “Thế hệ vàng” thấm nhuần văn hóa Việt và Pháp, đã đi ra thế giới, để quay về viết lên trang sử “Độc lập-Tự do” cho Việt Nam hôm nay.
Tôi là thế hệ đi sau, chỉ mong noi theo được tấm gương người đi trước, trở về đóng góp cho Hà Nội, nơi tôi sinh ra, một dự án du lịch-văn hóa-lịch sử Việt-Pháp mang tên “Cầu Long Biên / Cây cầu Hòa Bình/ Bảo tàng ký ức thế kỷ XX” nhằm góp phần khôi phục nét thanh lịch của người Hà Thành, xây dựng lòng tự hào dân tộc cho Thủ đô và hội nhập với thế giới với danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình”.
Theo bà, văn hóa có vai trò gì đối với sự thành công của nữ doanh nhân Việt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
Doanh nhân Nguyễn Nga: Văn hóa là nền móng cho mọi sự phát triển. Một đất nước giàu có về truyền thống văn hóa lâu đời như Việt Nam là một đất nước giàu có về tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội. Người phụ nữ Việt Nam, với danh hiệu “ anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, là cột trụ quản lý về kinh kế gia đình, của xã hội mẫu hệ từ xa xưa, thì chúng ta có quyền tin tưởng vào sự thành công của đất nước với sự bất khuất trước những thách thức mới của các nữ doanh nhân Việt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 .
Bà có lời khuyên gì cho cộng đồng doanh nhân nữ trẻ để họ xây dựng cho mình nét văn hóa trong kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp ngày một tốt hơn?
Doanh nhân Nguyễn Nga: Xây dựng cho mình nét văn hóa trong kinh doanh không chỉ có nghĩa là học hát hay tổ chức văn nghệ cho doanh nhân, mà là học xây dựng phong cách ngoại giao trong giao tiếp, biết dùng văn hóa trong ứng xử, biết đưa nghệ thuật vào thương thuyết, biết đưa đạo đức vào giao thương.
“VĂN HÓA DOANH NGHIỆP” lại là một nét văn hóa tạo nên sự khác biệt giữa các công ty, mà từ cách sản xuất , cách quản lý hay cách kinh doanh đều mang một nét riêng tạo nên sự hoàn chỉnh và chữ “TÍN” cho khách hàng trung thành từ đời này qua đời khác.
Tôi đang thiết kế một chuỗi khóa đào tạo cơ bản và cao cấp về “DOANH NHÂN VĂN HÓA” và “ VĂN HÓA DOANH NGHIỆP” để xây dựng một cộng đồng doanh nhân tài ba, có văn hóa và trí tuệ, ứng xử thông thái trong mọi tình huống và xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp có “ VĂN HÓA DOANH NGHIỆP” ngày một tốt hơn.
Trân trọng cảm ơn bà!