VEC báo lãi sau thuế năm 2021 tăng gần 20 lần năm 2020

Đông Bắc 16:43 | 26/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm 2021, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) báo lãi sau thuế hơn 155 tỷ đồng, tăng gấp gần 20 lần so với năm 2020.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2021 của VEC, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt hơn 3.260 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2020. Trong khi đó, giá vốn bán hàng tăng lên khoảng 1.100 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận gộp của VEC so với năm trước giảm mất hơn 19%, còn 2.153 tỷ đồng.

Ngược lại, lợi nhuận sau thuế 2021 của VEC tăng gấp gần 20 lần so với năm 2020, đạt 155,6 tỷ đồng. Con số này có được là nhờ doanh thu hoạt động tài chính của VEC tăng ở mức đột biến, đạt 3.900 tỷ đồng. Được biết, doanh thu chủ yếu là từ lãi chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ khoảng 3.140 tỷ đồng. Ngoài ra, VEC còn thu khoản lãi 564 tỷ đồng từ hơn 10.400 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn.

So với đầu năm, tổng tài sản của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam tính đến 31/3 đạt 92.384 tỷ đồng. Nợ phải trả là 80.859 tỷ đồng, chiếm hơn 87%. Trong đó, nợ dài hạn chiếm hơn 61.700 tỷ đồng.

Hiện, Ngân hàng phát triển châu Á, cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới là 3 chủ nợ lớn nhất của VEC, với dư nợ đến hết năm ngoái lần lượt là khoảng 30.000 tỷ đồng, hơn 27.300 tỷ đồng và 6.105 tỷ đồng.

Chi phí tài chính năm 2021 của VEC so với năm 2020 tăng gấp gần 2 lần, lên hơn 5.770 tỷ đồng. Hầu hết trong đó là lãi vay. Trong khi đó, chi phí lãi vay của VEC năm 2020 là khoảng 1.650 tỷ đồng. Hầu hết các hợp đồng vay sẽ được thực hiện để tài trợ vốn cho các dự án cao tốc như Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Long Thành – Dầu Giây… Thời hạn thanh toán sẽ dao động trong khoảng từ 16 đến 40 năm.

Mục tiêu đạt 4.000 tỷ đồng doanh thu năm 2022

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã thông kế hoạch kinh doanh của VEC năm 2022, với mục tiêu doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 418 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư năm nay doanh nghiệp này được duyệt là khoảng 2.187 tỷ đồng.

Trên 490 km đường cao tốc do doanh nghiệp quản lý, đã có hơn 12,5 triệu lượt phương tiện lưu thông trong 3 tháng đầu năm 2022, giảm 0,9%. 

 

VEC được phép bố trí 1.000 tỷ đồng để lắp đặt ETC trên 5 tuyến cao tốc

Chính phủ yêu cầu, từ 31/12/2018 tất cả các trạm thu phí trên Quốc lộ, cao tốc phải áp dụng ETC. Tuy nhiên đến nay, 4/5 tuyến cao tốc (Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) chưa triển khai thu phí không dừng.

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do VEC xây dựng, quản lý, khai thác là tuyến duy nhất đã được VEC triển khai thu phí ETC, tuy nhiên hiện mới chỉ có 1 đến 2 làn tại các trạm thu phí áp dụng ETC, riêng trạm Cao Bồ (cuối tuyến) chỉ có 1 làn ETC.

Tình trạng này đã làm cho những ngày cuối tuần và các dịp nghỉ lễ khi phương tiện tăng cao dẫn đến ùn tắc tại các trạm thu phí.

Ông Bùi Đình Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Công ty cổ phần Vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam, Tổng Công ty VEC cho biết, hiện VEC đã được sự đồng ý của cơ quan chức năng chi 1.000 tỷ đồng để triển khai dự án lắp đặt tổng thể thu phí ETC trên tất cả 5 tuyến cao tốc đơn vị đang quản lý.

Công tác triển khai lắp đặt và đưa vào vận hành sẽ được VEC thực hiện trong thời gian sớm nhất, trong đó đặc biệt ưu tiên đưa vào khai thác sớm đối với các tuyến có lưu lượng giao thông cao như cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Theo kế hoạch, VEC sẽ hoàn thành việc lắp đặt các làn thu phí ETC trên cả 5 tuyến cao tốc trước dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2022.