Loạt cổ phiếu ngân hàng được khuyến nghị mua nhờ triển vọng ngành tích cực

Diên Vỹ 15:21 | 26/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngành ngân hàng được nhận định sẽ hưởng lợi từ đà phục hồi kinh tế với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành bình quân khoảng 20-25% trong năm nay.

Tại phiên giao dịch 25/5, thị trường chứng khoán ghi nhận đà phục hồi mạnh mẽ nhờ lực cầu bắt đáy tăng dần đều và áp lực bán giảm đi trông thấy. Chỉ số VN-Index vọt tăng 35,05 điểm (2,84%) lên 1.268,43 điểm. Toàn sàn HoSE ghi nhận 415 mã xanh. Hòa chung nhịp hân hoan của thị trường, HNX-Index cũng tăng 8,95 điểm (2,93%) lên 314,91 điểm, toàn sàn có 172 mã tăng và 47 mã giảm. UPCoM-Index tăng 1,66 điểm (1,78%) lên 94,78 điểm. 

Dẫn dắt sắc xanh của thị trường phải kể đến nhóm cổ phiếu ngân hàng với hàng loạt mã tăng khả quan: BID tăng 3,41%, TCB tăng 3,55%, CTG tăng 3,46%, VPB tăng 5%, MBB tăng 4,47%, ACB tăng 4,17%, HDB tăng 4,27%, STB tăng 4,6%, SHB tăng 5,56%, LPB tăng 4,11%...

Diễn biến tích cực trong phiên của nhóm ngân hàng đến sau khi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc kéo dài áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu trong bối cảnh nhiều thách thức trong nước và quốc tế gây áp lực lên đà phục hồi.

Triển vọng khả quan cho ngành ngân hàng năm 2022

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là nhóm được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ đà phục hồi kinh tế trong năm nay. Tại báo cáo Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022 công bố ngày 25/5, nhóm chuyên gia ngân hàng BIDV cũng kỳ vọng nhóm ngân hàng đạt lợi nhuận toàn ngành tăng trưởng bình quân khoảng 20-25% trong năm nay so với năm 2021.

Tại báo cáo ngành gần đây, Chứng khoán BIDV (BSC) cũng cho rằng nhu cầu tín dụng ở mức cao khoảng 14% được hỗ trợ bởi đà phục hồi kinh tế và gói kích thích kinh tế 347 nghìn tỷ của Chính phủ sẽ là tín hiệu tốt cho ngành ngân hàng. Ngoài ra, BSC dự báo NIM trong năm 2022 sẽ tăng khoảng 0,35% so với năm 2021 do tăng trưởng tín dụng cao, lãi suất cho vay phục hồi sau thời gian hỗ trợ và tăng cơ cấu CASA giúp giảm chi phí vốn.  

“Hiện nay, ngành ngân hàng đang được định giá ở mức 1.4x P/B F 2022 tính đến hết ngày 27/3/2022, chúng tôi cho rằng sức khỏe tài chính của các ngân hàng hiện nay xứng đáng có mức định giá cao hơn so với thời điểm hiện tại. Do đó, chúng tôi giữ nguyên khuyến nghị KHẢ QUAN với ngành ngân hàng trong năm 2022”, báo cáo của BSC nêu rõ.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong báo cáo nhận định triển vọng ngành ngân hàng đầu năm nay cũng kỳ vọng hoạt động kinh doanh tích cực cho các ngân hàng trong năm. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng phân hóa và độ biến động lớn theo quý còn khối tư nhân dự kiến có tốc độ tăng trưởng phục hồi dần về phía cuối năm nhờ các yếu tố hỗ trợ bao gồm chia cổ tức, phát hành riêng lẻ, tăng vốn, nới mức trần sở hữu nước ngoài và phí trả trước banca phân hóa.

Tại báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán quý II/2022 của Chứng khoán KB Securities Việt Nam (KBSV), các chuyên gia cũng dự báo các yếu tố như cầu tín dụng tăng trưởng mạnh trong năm nay quanh 14% theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế của NHNN, nhu cầu vốn phục hồi từ phía doanh nghiệp, nợ xấu được hoàn nhập khi sức khỏe doanh nghiệp phục hồi trong bối cảnh các ngân hàng đã chủ động trích lập ở mức cao trong năm 2021… sẽ là những lực đẩy tích cực cho nhóm cổ phiếu ngân hàng (VCB, BID, CTG, TCB, MBB, STB…).

Loạt cổ phiếu ngân hàng được đánh giá cao

Gần đây nhất, KBSV đã đưa ra khuyến nghị mua với hàng loạt cổ phiếu ngân hàng.

Với cổ phiếu VCB (Vietcombank), dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV hôm 25/5 đưa ra khuyến nghị MUA với mức giá mục tiêu 95.000 đồng/ cổ phiếu, cao hơn 23,4% so với giá tại ngày 25/5.

Quý I/2022, VCB báo cáo thu nhập lãi thuần đạt 11.976 tỷ VND, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 7.967 tỷ VND, tăng trưởng ấn tượng 15,3% so với mức nền cao của quý I/2021, động lực chính đến từ tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức cao đạt 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái và NIM cải thiện tốt đạt 3,39%, tăng 0,24% so với quý liền trước. 

Tỷ lệ nợ xấu quý I ở mức 0,81%, tăng 0,18% so với quý IV/2021 nhưng giảm 0,07% so với quý I/2021. Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh trích lập dự phòng trong quý I với tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 373%. 

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, VCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tối thiểu tăng 12%, tổng tài sản dự kiến tăng 8%, dư nợ tín dụng tăng 15% và huy động vốn dự kiến tăng 9%. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 1,5%. Ngoài ra, đại hội đồng cổ đông cũng thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2019 và 2020 với tỷ lệ là 18,1%. 

Ngân hàng cũng có kế hoạch tiếp nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém. Theo KBSV, việc tiếp nhận chuyển giao đem lại một số lợi ích như mở rộng quy mô, NHNN không giới hạn tăng trưởng tín dụng nếu VCB đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định…

Với cổ phiếu TCB (Techcombank), KBSV cũng khuyến nghị MUA trong một báo cáo ngày 9/5 với  mức giá mục tiêu cho năm 2022 là 65.000 đồng/ cổ phiếu, cao hơn khoảng 78% so với thị giá 36.500 đồng/ cổ phiếu mà TCB giao dịch tại thời điểm chốt phiên 25/5.

Trước đó, trong quý I/2022, TCB ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 8.111 tỷ đồng, tăng 11,9% so với quý IV/2021 và tăng 32.4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế tăng 10,5% so với quý liền trước và 22,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên 6.785 tỷ đồng. Biên lãi thuần trong quý tiếp tục cải thiện 0,26% so với quý trước lên mức 5,9%. 

Tăng trưởng cho vay khách hàng ở mức 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi hoạt động đầu tư trái phiếu tiếp tục được đẩy mạnh, tăng 23,7%. Huy động từ thị trường liên ngân hàng tăng mạnh 22,7%.

Tỷ lệ nợ xấu trong quý gần như không tăng so với cuối năm 2021, đạt 0,67%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ giảm nhẹ 0,02%, đạt 160,8% và vẫn ở mức cao so với ngành. 

Với cổ phiếu CTG của VietinBank, KBSV cũng đưa ra khuyến nghị MUA dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh. Mức giá mục tiêu cho năm 2022 là 38.400 VND/ cổ phiếu, cao hơn khoảng 42,7% so với mức thị giá ở thời điểm chốt phiên 25/5.

Trong quý I/2022, CTG ghi nhận thu nhập lãi thuần 10.146 tỷ đồng, giảm 2,4% so với quý IV/2021 và giảm 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 5.822 tỷ đồng, tăng 58,3% so với quý liền trước nhưng giảm 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh trong quý, đạt 9,1%. Tỷ lệ nợ xấu không có nhiều thay đổi, đạt 1,25%, giảm 0,01% so với quý liền trước, tuy nhiên nợ nhóm 5 tăng mạnh từ 0,46% lên 0,58%. Trong kỳ, CTG tiếp tục đẩy mạnh trích lập dự phòng 4.426,7 tỷ đồng, tăng 227,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 197,3%, cao thứ 4 hệ thống ngân hàng.

Về mục tiêu kinh doanh năm 2022, CTG đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 15% so với năm 2021, tổng tài sản tăng 5-10%; tăng trưởng tín dụng đạt 10-12% tùy vào hạn mức từ NHNN cấp; tăng trưởng huy động 8-10%. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1,8%; trích lập dự phòng dự kiến 12.000-15.000 tỷ.

Với cổ phiếu BID (BIDV), KBSV đưa ra khuyến nghị MUA, giá mục tiêu là 45.000 đồng/ cổ phiếu, cao hơn 28,9% so với thị giá 34.900 đồng/ cổ phiếu ở thời điểm chốt phiên 25/5.

Trong quý I/2022, BID ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt với thu nhập lãi thuần đạt 12.826 tỷ đồng, tăng 18,4% so với quý IV/2021 và tăng 18,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.514 tỷ đồng, tăng 32,9% so với cùng kỳ 2021. Tăng trưởng tín dụng đạt 4,6%. Tỷ lệ nợ xấu gần như không thay đổi, đạt 0,97%. 

Trong kì, BID trích lập dự phòng ở mức cao, đạt 7.391 tỷ đồng, tăng 18,5% so với quý IV/2021 và tăng 3% so với cùng kỳ 2021, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 259,2%, cao thứ 2 hệ thống ngân hàng. 

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, BID đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 51%, CIR kiểm soát dưới 37%; nợ xấu dưới 1,5%. Đại hội cổ đông thường niên 2022 cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ 21%.

Với cổ phiếu MBB (MB), KBSV cũng khuyến nghị MUA. Dựa trên sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và Chiết khấu lợi nhuận thặng dư, nhóm nghiên cứu đưa ra mức giá mục tiêu cho năm 2022 của cổ phiếu MBB là 36.500 đồng, tức cao hơn khoảng 30% so với mức thị giá 28.100 đồng/ cổ phiếu ở thời điểm chốt phiên 25/5.

Với cổ phiếu VPB (VPBank), KBSV cũng khuyến nghị MUA với mức giá mục tiêu 44.400 đồng/ cổ phiếu, cao hơn 41% so với thị giá tại thời điểm chốt phiên 25/5 là 31.500 đồng.

Với cổ phiếu ACB, khuyến nghị MUA cũng được KBSV đưa ra với mức giá mục tiêu 40.700 đồng/ cổ phiếu, co hơn 35,67% so với mức thị giá ở thời điểm chốt phiên 25/5.