Vì sao rùa có thể thở được bằng mông và sống lâu đến thế?
Những con rùa thường có tuổi thọ rất cao, có thể sống từ 80-100 năm, thậm chí rùa cạn khổng lồ có thể sống đến 200 tuổi. Tuy nhiên, bí quyết là gì vẫn là điều bí ẩn đối với nhiều người.
Tại sao rùa có thể thở được bằng mông?
Thậm chí, rùa còn là loại vật trên cạn duy nhất có thể thở bằng... mông. Liên quan đến vấn đề này, tiến sĩ Maria Wohakowski (Mỹ) - nhà nghiên cứu và bảo vệ rùa biển 10 năm qua cho biết, nguyên nhân đến từ hệ hô hấp đặc biệt ở bên dưới mai rùa, phổi của rùa thì nằm ở phía trên.
Trong khi hầu hết các loại động vật thở bằng cách co bóp lồng ngực thì rùa lại khác, do mai rùa chính là lồng ngực nên những con rùa sẽ dùng các cơ bắp ở trong mai để bơm không khí ra vào cơ thể, điều này khiến chúng thường xuyên hít vào bằng miệng, thở ra bằng mông.
Bên cạnh đó, 'cửa sau' đa năng còn giúp rùa đẻ trứng, đại tiện và tiểu tiện. Cấu tạo của nó hao hao như mang cá, có thể hút nước vào và hấp thụ oxy. Theo các nhà khoa học, rùa thường lạm vậy khi lặn lâu dưới nước.
Ảnh minh họa
Bí quyết sống lâu của rùa là gì?
Những con rùa thường có tuổi thọ rất cao và điều này có liên quan đến sự chuyển hóa chất chậm chạp của loài động vật này.
Việc chuyển hóa chất chậm chạp đồng nghĩa với việc rùa đốt cháy rất ít năng lượng, từ đó chúng có thể sống rất lâu mà không cần thức ăn. Phong cách di chuyển chậm của loài động vật này cũng khiến chúng không tốn quá nhiều công sức và năng lượng.
Bên cạnh đó, rùa còn có lớp mai cứng cáp, bảo vệ cơ thể khỏi các kẻ săn mồi. Đây chính là vỏ giáp cứng rắn, vững chãi khiến nhiều động vật săn mồi dù hung dữ đến mấy cũng phải 'bó tay'. Điều quan trọng nhất là, rùa ăn uống và sống rất lành mạnh. Chúng chỉ ăn rau và cây xanh, tuyệt đối nói không với chất béo và cholesterol.
Vì sao rùa biển mau nước mắt?
Vào khoảng từ giữa tháng 6 đến tháng 7, những con rùa biển sẽ bơi lên bờ, đào hố, đẻ trứng vào đó rồi phủ cát lên trên. Khi đó, những con rùa biển thường chảy hai hàng nước mắt. Có người cho rằng rùa đau đẻ, có người khẳng định rùa làm vậy để mắt không bị khô, vậy nguyên nhân thực sự là gì?
Để giải đáp điều này, các nhà khoa học đã tiến hành một thí nghiệm nho nhỏ. Họ lấy một ống dẫn thông qua thực quản rùa biển, bơm lượng nước biển bằng nửa thể trọng con vật vào bên trong dạ dày.
Sau 3-4h, đến 90% lượng muối vào cơ thể rùa biển đều được thải ra ngoài bằng nước mắt. Do đó, có thể thấy tuyến thể nằm sau hốc mắt rùa chính là cơ quan bài tiết lượng muối thừa trong cơ thể ra ngoài. Bởi có 'tuyến muối' nên rùa có thể nuốt những con vật và thực vật dưới biển có hàm lượng muối tương đối cao, thậm chí uống nước biển cho đỡ khát.
Tiểu Long