Vì sao tỷ phú - nhà khoa học đứng sau vắc xin COVID-19 đình đám không bán ra dù chỉ một cổ phiếu?

16:46 | 26/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Uğur Şahin, CEO và là nhà khoa học đứng sau loại vắc xin COVID-19 đầu tiên được cấp phép tại Mỹ, đã không hề bán ra dù chỉ một cổ phiếu của công ty ông trong suốt thời gian đại dịch, mặc dù giá của nó tăng phi mã.

Khi đại dịch COVID-19 hoành hành một năm trước, nghành công nghệ dược phẩm đã có phản ứng chưa từng có. Các công ty khoa học sự sống chạy đua tìm giải pháp chế ngự con virut thảm họa, và cam kết những nỗ lực để chế tạo vắc xin sẽ sớm có kết quả. Cổ phiếu của những công ty có ứng viên vắc xin tốt nhất đều tăng phi mã, và rất nhiều lãnh đạo các công ty này đã nhanh chóng bán ra thị trường một lượng lớn cổ phần khiến nhiều người lo ngại.

Nhưng vẫn có một ngoại lệ. Theo tài liệu của Ủy ban Chứng khoán Mỹ, Uğur Şahin, CEO và là nhà khoa học đứng sau loại vắc xin COVID-19 đầu tiên được cấp phép tại Mỹ, đã không hề bán ra dù chỉ một cổ phiếu của công ty ông trong suốt thời gian đại dịch, mặc dù giá của nó tăng phi mã.

Quyết định không bán bất kỳ một cổ phiếu BioNTech nào của Şahin, doanh nhân người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ, hoàn toàn trái ngược với việc một số doanh nhân, nhà khoa học nổi tiếng nhất sở hữu các công ty công nghệ sinh học phát triển vắc xin COVID-19 đã bán ra một lượng lớn cổ phiếu công ty mình, đặc biệt là Moderna Therapeutics. Điều này cũng phản ánh quan điểm của ông Şahin trong cuộc sống và kinh doanh. Tuy là CEO và là tỷ phú nhưng ông sống trong một căn hộ khiêm tốn tại thị trấn Mainz của nước Đức, đi xe đạp tới chỗ làm và không có chiếc xe ô-tô nào. Ông tự giới thiệu về mình trước hết và quan trọng nhất là một giáo sư ung thư học tại Đại học Y khoa Mainz. Ông tiếp nhận việc thu hút nguồn vốn cho doanh nghiệp, IPO và những thỏa thuận hợp nhất. Có thông tin ông cũng nghiên cứu khía cạnh kinh doanh của công nghệ sinh học từ những video trực tuyến và đọc cuốn sách “Kế hoạch kinh doanh cho người mới bắt đầu”. Nhưng cuối cùng thì Şahin tham gia vào tất cả những điều này đều vì khoa học và vì bệnh nhân.

Trong lúc cần nhất, Şahin đã rời khỏi vỏ kén của mình để mang đến cho thế giới một loại vắc xin quan trọng có thể giúp cứu sống nhiều mạng người và chế ngự đại dịch. Từ tháng 1-2020, ông đã nhận thức rằng COVID-19 sẽ trở thành một đại dịch chết người và là nhân vật trung tâm lãnh đạo BioNTech tạo ra vắc xin mRNA ngừa COVID-19. Sau đó ông hợp tác với người khổng lồ dược phẩm Pfizer PFE của Mỹ để phát triển và cung cấp 3 tỷ liều vắc xin cho thế giới vào cuối năm 2021.Vì sao tỷ phú - nhà khoa học đứng sau vắc xin COVID-19 đình đám không bán ra dù chỉ một cổ phiếu? - ảnh 1

Şahin kiểm soát 41,66 triệu cổ phiếu của BioNTech

Vắc xin Pfizer-BioNTech đã thay đổi căn bản nhận thức của Wall Street về BioNTech. Những tháng trước khi xảy ra đại dịch, Şahin đã tới New York và công ty lần đầu ra mắt công chúng bằng việc niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq NDAQ. Khi đó, BioNTech là một công ty mới được thành lập 1 thập niên, chưa hề phát triển một sản phẩm nào được cấp phép từ các công nghệ mRNA và liệu pháp miễn dịch. Phản ứng ban đầu của thị trường khá lạnh nhạt và BioNTech được định giá 3,4 tỷ USD. Tuy nhiên, khi vắc xin COVID-19 được phát triển, cổ phiếu của BioNTech tăng 900% so với khi IPO vào năm 2019 và hiện tại đang có giá trị 37 tỷ USD. Dự báo công ty sẽ có doanh thu là 11,5 tỷ USD nhờ các thỏa thuận sản xuất vắc xin đã được ký kết. Trên sổ sách, cổ phần của Şahin tại BioNTech trị giá 6,1 tỷ USD.

Hồ sơ tại Ủy ban Chứng khoán Mỹ hồi tháng 2 và 3-2021 cho thấy, Şahin kiểm soát 41,66 triệu cổ phiếu của BioNTech, chiếm 17%, thông qua Medine GmbH, một công ty pháp lý mà ông sở hữu. Công ty Medine nắm giữ một lượng nhỏ cổ phiếu cho “một đồng nghiệp cũ” và đã chuyển nhượng 27.540 cổ phiếu nắm giữ hộ các đồng nghiệp khác tới những người thụ hưởng của họ vào năm ngoái theo các thỏa thuận tín thác. Mặc dù vậy, một báo cáo gửi hồi tháng 2-2021 khẳng định “Công ty Medine GbmH và Giáo sư Uğur Şahin không bán ra bất kỳ cổ phiếu phổ thông nào từ ngày 13-2-2020”, thời điểm trước đại dịch. Những tiết lộ được viết rõ ràng như vậy vốn không thường được viết trong những bản báo cáo gửi tới Ủy ban Giao dịch chứng khoán. Dường như tỷ phú, nhà khoa học Şahin muốn mọi người hiểu rằng ông không hề bán bất kỳ một cổ phiếu BioNTech nào.

Năm ngoái, các giám đốc, lãnh đạo công ty như Moderna, Pfizer và Novavax NVAX đã bán ra gần 500 triệu USD cổ phiếu. Và việc bán ra này vẫn tiếp tục trong năm nay.

CEO của Moderna là Stephane Bancel đã bán hơn 150 triệu USD cổ phiếu Moderna từ khi xảy ra đại dịch. Ông vẫn sở hữu gần 8% cổ phần của Moderna. Tal Zaks bán hơn 100 triệu USD cổ phiếu của Moderna, gần như là toàn bộ số cổ phiếu mà ông tích trữ được từ khi trở thành Trưởng bộ phận y tế của Moderna năm 2015.

Về phần mình, Şahin đã không bán một cổ phiếu nào của BioNTech trong 18 tháng qua. Giai đoạn cấm bán ra sau IPO đối với cổ phiếu BioNTech của ông đã hết hạn vào lúc bắt đầu đại dịch, khi đó ông hoàn toàn có quyền bán ra. Nhưng chính việc không bán ra này lại khiến ông hiện này còn giàu có hơn nữa do giá cổ phiếu BioNTech tăng mạnh. Chắc chắn ông tin rằng công nghệ đột phá của công ty sẽ giúp phát triển những loại vắc xin và những phương pháp điều trị cho nhiều loại bệnh khác. Phát biểu với các nhà đầu tư hồi tháng 3, ông nói: “Cách phát triển các công nghệ của chúng tôi không dựa trên quan điểm một công nghệ - một mục đích. Hơn thế, mục tiêu của chúng tôi ngay từ ban đầu là xây dựng cách tiếp cận mới cho các loại dược phẩm chính xác có thể đáp ứng được nhu cầu y tế ở nhiều khu vực dịch bệnh khác nhau”.

Thu Thắm

Xem thêm: Mỹ sẽ có `quà giáng sinh' nếu Vắc xin COVID-19 của Pfizer được cấp phép sử dụng khẩn cấp

ĐỌC NHIỀU