Việt Nam sẽ trở thành cường quốc về ICT trong thập kỷ 2021 – 2030

16:06 | 27/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhấn mạnh ICT là lĩnh vực dẫn dắt ngành kinh tế số Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, chúng ta phải trở thành cường quốc về ICT không phải vào năm 2045 mà trong thập kỷ 2021 – 2030.

Lịch sử lại trao cho ngành ICT sứ mệnh tiên phong đi đầu một lần nữa

 
Sự kiện gặp gỡ ICT xuân Tân Sửu 2021 với sự tham gia của 16 hội, hiệp hội, câu lạc bộ ICT Việt Nam tổ chức ngày 26/3 tại Hà Nội. Đây là dịp giao lưu, động viên và khích lệ nhau của giới ICT Việt Nam.
 
Chọn chủ đề “Hiện thực hóa Chuyển đổi số quốc gia”, các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực ICT cũng đã bày tỏ quyết tâm góp sức để thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.
 
Việt Nam sẽ là cường quốc về ICT trong thập kỷ 2021 - 2030
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện Gặp gỡ ICT đầu xuân 2021

Chia sẻ với cộng đồng ICT tại sự kiện này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, hạt nhân của cách mạng số chính là lĩnh vực ICT. Trách nhiệm hạt nhân trong công cuộc chuyển đổi số, trong sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao đã được trao cho ngành ICT, cho cộng đồng doanh nghiệp ICT, cho các hội và hiệp hội ICT.
 
Lịch sử lại trao cho chúng ta sứ mệnh tiên phong đi đầu một lần nữa. 20 năm, 30 năm trước đây, là đi đầu trong Đổi mới, để thoát nghèo. Và nay, chúng ta đã không còn là một nước có thu nhập thấp nữa. Nhưng lần nữa là tiên phong đi đầu trong việc đất nước hóa rồng, hóa hổ. Là sánh vai với cường quốc năm châu. Nhưng chỉ có 25 năm nữa, chứ không phải trăm năm.
 
“Sứ mệnh mới luôn là khởi đầu cho sự thay đổi. Trước đây là đuổi kịp rồi sánh cùng rồi mới vượt lên thì nay là đi đầu ngay từ đầu. Trước đây gia công là chính thì nay Make In Vietnam. Trước đây lợi nhuận là chính thì nay sứ mệnh quốc gia nhiều hơn. Trước đây chú trọng vào xuất khẩu thì nay chú trọng hơn vào thị trường nội địa. Trước đây giải bài toán của Tây thì nay giải bài toán Việt Nam để giúp Việt Nam phát triển và từ đây đi ra toàn cầu. Trước đây hỏi Chính phủ đã làm gì cho ta thì nay hỏi chúng ta đã làm gì cho Chính phủ mình, cho đất nước mình.
 
Trước đây nhìn thấy khó khăn nhiều hơn thì nay nhìn thấy cơ hội nhiều hơn. Trước đây là làm từ nhỏ đến lớn, từ dễ đến khó thì nay làm việc lớn trước, làm việc khó trước, vì thách thức mà lớn thì mới tìm được giải pháp đột phá và con người bình thường của chúng ta mới trở nên thông minh hơn. Trước đây chúc nhau “chân cứng đá mềm”. Nhưng đá thì đâu có mềm và chân thì đâu có cứng. Bây giờ chúc nhau chân mềm vượt qua đá cứng. Tức là hãy dùng cái mà mình có, có cách tiếp cận mới để cái yếu trở thành mạnh", Bộ trưởng chia sẻ.
 
Bộ TT&TT xác định sứ mệnh dẫn dắt ngành ICT Việt Nam với những định hướng chiến lược, những nội dung lớn đã được phác họa trong những năm 2019, 2020. Theo đó tầng bưu chính với nền tảng địa chỉ số tới từng hộ gia đình sẽ đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu, hạ tầng viễn thông trở thành hạ tầng số và chuyển đổi số với ba trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Bộ TT&TT đưa ra mục tiêu Việt Nam đặt mục tiêu phải trở thành cường quốc an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng Việt Nam trên không gian mạng, phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với sứ mệnh Make In Vietnam. Là ICT Việt Nam vào top 50 năm 2025 và top 30 vào năm 2030.
 
“Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TT&TT luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hội, hiệp hội, doanh nghiệp ICT nước nhà. Năm 2021 sẽ là năm triển khai mạnh mẽ các định hướng chiến lược mới của ngành, Bộ TT&TT mong muốn các hội, hiệp hội, các doanh nghiệp sẽ tham gia tích cực để hiện thực hóa các chiến lược này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
 

Đoàn kết để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng

 
Tiếp mạch bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ rõ, những thách thức lớn lao luôn cần đến sự dẫn dắt và hợp tác đoàn kết. Và hơn bao giờ hết, lĩnh vực ICT cần đến sự hợp tác đoàn kết, chung sức, đồng lòng chia nhau gánh vác việc lớn. Các hội, hiệp hội ICT hãy giải bài toán hợp tác trong ngành vốn là việc chúng ta chưa làm tốt. Cũng có thể chưa tốt là vì chưa có việc lớn đến mức phải hợp tác, thì nay việc lớn đã đến, lại là việc rất lớn, thậm chí quá lớn thì không thể không hợp tác.
 
Người đứng đầu ngành TT&TT cũng chúc các hội, hiệp hội, câu lạc bộ và cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực ICT Việt Nam sẽ có bước phát triển đột phá trong giai đoạn tới để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường về ICT, góp phần hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng vào giữa thế kỷ.
 
Việt Nam sẽ là cường quốc về ICT trong thập kỷ 2021 - 2030
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chúc các hội, hiệp hội, câu lạc bộ và cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực ICT Việt Nam sẽ có bước phát triển đột phá trong giai đoạn tới

Bày tỏ quyết tâm của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực ICT với sứ mệnh thúc đẩy sự phát triển ngành ICT và đất nước, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam Bùi Mạnh Hải cho biết, các hội, hiệp hội, câu lạc bộ ICT sẽ chung tay đoàn kết, xắn tay cùng với Bộ TT&TT để vì sự nghiệp chuyển đổi số quốc gia. “Nếu các hội, hiệp hội, các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực ICT cùng nhau đoàn kết, thống nhất thì tôi chắc chắn là sự nghiệp đó sẽ thuận lợi, thành công”, ông Hải tin tưởng.
 
Theo tân Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) Nguyễn Văn Khoa, Ban chấp hành VINASA nhiệm kỳ V đã xác định Hiệp hội sẽ là một trong những đơn vị hoạt động mạnh, tích cực với một tôn chỉ lấy quốc gia làm trọng, đặt quốc gia trên tất cả mọi thứ, lấy phụng sự quốc gia làm sứ mệnh của mình.
 
Trong công cuộc chuyển đổi số, việc đầu tiên Ban chấp hành VINASA sẽ làm là kết nối, đoàn kết tất cả các doanh nghiệp trong Hiệp hội để thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và phát triển. “Chúng tôi sẽ cố gắng giảm bớt những mâu thuẫn có thể xảy ra trong các đơn vị thành viên VINASA để tạo được tiếng nói chung trong các hoạt động. Chúng tôi cũng cam kết sẽ lan tỏa tinh thần, trách nhiệm tới từng thành viên, từng doanh nghiệp”, ông Khoa chia sẻ.
 
Chia sẻ tại sự kiện này, Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính nhận định, sự đóng góp của ngành ICT trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã minh chứng về năng lực của người Việt Nam.
 
Ông Chính còn cho biết, trong quá trình phát triển doanh nghiệp, qua đánh giá của cộng đồng quốc tế, có một điều rất đặc biệt là tất cả các đối tác bạn bè chúng ta đều đánh giá năng lực của con người Việt Nam rất phù hợp, rất tốt cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số thời gian tới. Minh chứng là, Samsung đã quyết định chuyển toàn bộ lĩnh vực nghiên cứu của họ sang Việt Nam. Gần đây, hãng công nghệ này đã quyết định chuyển toàn bộ hệ thống quản trị CNTT toàn cầu của họ sang Việt Nam. Đó là những minh chứng rất quan trọng để chúng ta thấy cơ hội của chuyển đổi số, của cung cấp dịch vụ số đang đến với chúng ta.
 
“Có hai từ khóa quan trọng là sự thông minh, sáng tạo của người Việt Nam cùng với sự đồng lòng chung tay của cộng đồng ICT nước nhà, tôi tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia thịnh vượng, hùng cường vào năm 2045”, Chủ tịch CMC bày tỏ.
 
 
Theo Vietnamnet