Vietcombank: Tiếp tục là quán quân lợi nhuận ngành nhưng kinh doanh kém sắc trong quý IV, nợ xấu tăng vọt

H T 07:14 | 31/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong quý IV, mặc dù có thêm hơn 1.400 tỷ hoàn nhập dự phòng nhưng lợi nhuận của ngân hàng vẫn giảm 6% do sự đi lùi của các mảng kinh doanh chính. Kết thúc năm, Vietcombank tiếp tục là quán quân lợi nhuận ngành năm 2023 với hơn 41.200 tỷ trước thuế.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) vừa công bố báo cáo tài chính với kết quả kinh doanh kém sắc trong quý cuối năm khi các mảng kinh doanh chính đều ghi nhận sụt giảm mạnh thu nhập.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ dịch vụ và kinh doanh ngoại hối giảm 22,4% và 24,9%. Trong khi đó mảng mua bán chứng khoán kinh doanh ghi nhận lỗ hơn 6 tỷ đồng trong kỳ.

Điểm sáng tăng trưởng lợi nhuận đến từ các hoạt động kinh doanh khác với lãi thuần tăng 37% từ gần 300 tỷ lên hơn 410 tỷ đồng và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần tăng 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, với quy mô nhỏ, đà tăng của hai mảng này không thể bù đắp được phần sụt giảm của các mảng chính kể trên.

Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đã giảm 14,5% và lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 27,6% trong quý cuối năm. Mức giảm của lợi nhuận được thu hẹp nhờ vào khoản hoàn nhập dự phòng gần 1.500 tỷ, kéo lợi nhuận trước thuế lên 11.693 tỷ đồng, chỉ còn giảm gần 6% so với cùng kỳ năm trước.

 

Bức tranh kinh doanh cả năm của Vietcombank cũng có nét tương đồng, thu nhập giảm, lợi nhuận trước thuế vẫn tăng nhờ cắt giảm hơn 1/2 chi phí dự phòng rủi ro trong năm.

Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 41.244 tỷ đồng,chỉ thực hiện được 96% mục tiêu 43,000 tỷ đồng lãi trước thuế đã đề ra cho cả năm 2023 nhưng vẫn tiếp tục là quán quân lợi nhuận ngân hàng cho tới thời điểm hiện tại. Theo tình hình thực tế, khó có ngân hàng nào có thể vượt qua mức lợi nhuận này của Vietcombank.

Tính tới cuối năm 2023, tổng tài sản của Vietcombank tăng nhẹ 1,4%, cho vay khách hàng tăng 10,9% lên hơn 1,27 triệu tỷ đồng. Cùng với tăng tín dụng, số dư nợ xấu của ngân hàng cũng tăng vọt lên 12.455 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng lên 0,98%, ở mức thấp so với các ngân hàng hiện nay.

Số dư dự phòng rủi ro chỉ tăng gần 16% trong khi nợ xấu tăng gần 60% khiến cho tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng giảm từ hơn 300% về 230%.